vĐồng tin tức tài chính 365

Thủ tướng: 'Thương mại Việt - Mỹ còn nhiều dư địa'

2022-05-13 08:14

Sáng 12/5 (giờ địa phương), nhân dự Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN - Mỹ, thăm, làm việc tại Mỹ và Liên Hợp Quốc, Thủ tướng Phạm Minh Chính có buổi gặp cộng đồng doanh nghiệp Mỹ do Hội đồng Kinh doanh Mỹ-ASEAN (USABC) và Phòng Thương mại Mỹ (USCC) tổ chức.

Lãnh đạo Chính phủ cho biết, suốt 27 năm bình thường hóa quan hệ, tăng trưởng thương mại Việt - Mỹ đạt 17-20% mỗi năm. Năm 1995, quan hệ thương mại hai nước chỉ 400 triệu USD, nhưng đến năm 2021 con số này đã lên tới 112 tỷ USD, tăng gần 280 lần dù trải qua đại dịch. Việc này đưa Việt Nam thành đối tác thương mại lớn thứ 9 của Mỹ, đối tác lớn nhất của Mỹ tại ASEAN.

"Mỹ luôn là một trong những đối tác lớn nhất về đầu tư của Việt Nam, với tổng vốn đầu tư hơn 10 tỷ USD, nhưng điều này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Chúng ta còn nhiều dư địa phát triển, nhiều việc phải làm để mang lại lợi ích cho nhân dân hai nước", Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định.

Ông cho biết rất vui mừng khi kết quả khảo sát của AmCham cho thấy 80% doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam đánh giá tích cực về triển vọng trong trung và dài hạn của Việt Nam. Trong khi Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ linh kiện, máy móc, hàng dệt may..., thì Mỹ cung cấp ngược lại sản phẩm kỹ thuật số, vật tư y tế, công nghệ cao.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu trong cuộc gặp với cộng đồng doanh nghiệp Mỹ, sáng 12/5. Ảnh: Nguyễn Khánh

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu trong cuộc gặp với cộng đồng doanh nghiệp Mỹ, sáng 12/5. Ảnh: Nguyễn Khánh

Theo Thủ tướng, sau khi kiểm soát được dịch bệnh, Việt Nam đã chuyển từ chính sách zero Covid sang thích ứng an toàn. Tăng trưởng kinh tế đã chuyển từ âm sang dương, quý I năm 2022 là trên 5%. Việt Nam đang tập trung nâng cao năng lực y tế, bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp về lãi suất, phí và lệ phí cùng các ưu đãi khác, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tập trung cho phát triển hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng chiến lược liên quan giao thông, chống biến đổi khí hậu, ưu tiên cải cách hành chính... Chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo cũng đạt nhiều bước tiến vượt bậc. Năm 2022, Việt Nam thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như mở cửa nền kinh tế, xây dựng nền kinh tế Việt Nam độc lập, tự chủ, hội nhập sâu rộng, thực chất, hiệu quả.

Vì vậy, Thủ tướng mong các đối tác, doanh nghiệp tiếp tục đến Việt Nam tìm kiếm cơ hội. "Tôi sẵn sàng đối thoại bất cứ ai trên thế giới về kinh tế Việt Nam. Chúng ta phải dựa trên tinh thần chân thành, tin cậy và trách nhiệm để làm việc. Khi hợp tác với nhau, lợi ích phải hài hoà, rủi ro phải chia sẻ", ông nói.

Ngay sau phần phát biểu, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận được rất nhiều câu hỏi từ đại diện các doanh nghiệp Mỹ. Đơn cử như công ty Mỹ có thể làm được gì cho chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi số ở Việt Nam; lời khuyên của Thủ tướng về lĩnh vực đầu tư mới để thúc đẩy quan hệ đối tác, tận dụng sự tăng trưởng mạnh mẽ của Việt Nam; các dự án giảm thiểu khí thải carbon ở Việt Nam...

Đại diện cộng đồng doanh nghiệp Mỹ đặt câu hỏi cho Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: Nhật Bắc

Đại diện cộng đồng doanh nghiệp Mỹ đặt câu hỏi cho Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng, các vấn đề y tế, dịch bệnh... mang tính toàn cầu nên phải có đoàn kết toàn cầu. Việt Nam đã thành lập Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số do Thủ tướng làm chủ tịch; học hỏi kinh nghiệm từ các nước đi trước và tập trung xây dựng các cơ sở dữ liệu lớn phục vụ chuyển đổi số.

Click vào đây để xem thêm đồ họa 27 năm quan hệ Việt Mỹ. Đồ họa: Tiến Thành

Click vào đây để xem thêm đồ họa 27 năm quan hệ Việt Mỹ. Đồ họa: Tiến Thành

Ngay sau Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam đã thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia thực hiện cam kết tại Hội nghị do Thủ tướng đứng đầu. Tuy nhiên, chuyển đổi năng lượng là vấn đề khó nên lãnh đạo Chính phủ cho rằng cần có cách tiếp cận công bằng, công lý. Các nước phát triển phải có trách nhiệm hỗ trợ các nước đang phát triển về thể chế, công nghệ, tài chính, nhân lực, quản trị, vì "muốn người 15-16 phải làm việc như người ở tuổi 30 thì phải có sự hỗ trợ".

"Sự chân thành, lòng tin và trách nhiệm là chìa khóa để các quốc gia giải quyết các vấn đề còn bất đồng, khác biệt trong một thế giới đầy biến động như hiện nay", ông nói.

Ông Ted Osius, cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Hội đồng kinh doanh Mỹ - ASEAN (USABC) cảm ơn Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Mỹ làm ăn thuận lợi tại Việt Nam.

Ông cho biết, cộng đồng doanh nghiệp Mỹ coi Việt Nam là thị trường chiến lược ưu tiên, mong muốn được đóng góp vào tăng trưởng và thịnh vượng cho Việt Nam. Cộng đồng doanh nghiệp Mỹ đang ở vị trí tối ưu để có thể giúp Việt Nam chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chống biến đổi khí hậu, phát triển y tế.... "Đại diện doanh nghiệp Mỹ tham gia sự kiện đông đảo là minh chứng rõ ràng mà USABC đặt niềm tin vào Việt Nam", ông Ted Osius nói.

Theo vị cựu Đại sứ, Mỹ hiểu rõ hai nước quan trọng với nhau, nhưng phải dựa trên cơ sở lòng tin và sự hiểu biết. "Nhiều người ở đây dành cả sự nghiệp để xây dựng lòng tin giữa Mỹ với Việt Nam", ông nói.

Đại diện Thương mại Mỹ, bà Katherine Tai cho biết tầm nhìn của văn phòng đại diện Thương mại Mỹ là tạo ra hệ thống nông nghiệp bền vững dựa trên khoa học, cách quản lý hiệu quả, các chính sách thương mại tự do bình đẳng. Văn phòng cũng tập trung vào kinh tế số nhằm thay đổi nhanh chóng thị trường toàn cầu. "Nền kinh tế số sẽ bảo vệ quyền của người lao động, hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Chúng tôi mong muốn được hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực này", bà nói.

Tiếp Tổng giám đốc Cơ quan Tài chính phát triển Mỹ DFC Scott A. Nathan vào sáng cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị DFC tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trên các lĩnh vực như chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, năng lượng tái tạo, ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi số; khắc phục hậu quả chiến tranh (khắc phục hậu quả chất độc da cam, tìm kiếm hài cốt liệt sĩ) và thúc đẩy phát triển trong giai đoạn mới.

Thủ tướng cũng đề nghị thúc đẩy hợp tác trong phát triển bền vững sông Mekong trong bối cảnh nước biển dâng, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần người dân trong khu vực. Cùng với việc phát huy các cơ chế sẵn có, ông đề nghị nghiên cứu triển khai các cơ chế hợp tác mới với các nước trong khu vực, trong đó có ưu đãi về tài chính trong phát triển hạ tầng...

Hoàng Thùy

Xem thêm: lmth.5872644-aid-ud-ueihn-noc-ym-teiv-iam-gnouht-gnout-uht/ten.sserpxenv

Comments:0 | Tags:No Tag

“Thủ tướng: 'Thương mại Việt - Mỹ còn nhiều dư địa'”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools