Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ngày 12-5 - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Chính đây cũng là nơi mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng (2015), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (2013) đã lựa chọn để truyền tải những thông điệp trong các chuyến thăm chính thức cấp cao trước đây, bởi lẽ CSIS luôn được cộng đồng học giả quốc tế đánh giá là một trong những cơ sở nghiên cứu chiến lược và kiến nghị chính sách có uy tín rất cao tại Mỹ.
Điểm nhấn xuyên suốt bài phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại CSIS ngày 11-5 đó chính là thông điệp "Chân thành, lòng tin và trách nhiệm vì một thế giới tốt đẹp hơn" - một thông điệp súc tích và dễ đi vào lòng người.
Ngay từ cách nhìn nhận của Việt Nam về tình hình thế giới hiện nay đã thể hiện rõ thông điệp này. Thủ tướng chỉ rõ trong một thế giới đan xen những cơ hội và thách thức nhưng dường như đang ở vào thời điểm khó khăn nhất kể từ sau chiến tranh lạnh với đại dịch Covid-19, cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn, nguy cơ xung đột, bất ổn và thậm chí là chiến tranh đang gia tăng..., Việt Nam luôn nhấn mạnh đến sự cần thiết phải chung tay vun đắp cho hòa bình, ổn định và phát triển của các quốc gia, các khu vực trên toàn thế giới.
Cách đặt vấn đề liên quan lợi ích quốc gia cũng thể hiện rõ tính chân thành và trách nhiệm nêu trên, đó là lợi ích của mỗi quốc gia dân tộc cần hài hòa và tôn trọng lợi ích quốc gia dân tộc chính đáng, hợp pháp của các quốc gia khác trên cơ sở luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ...
Thủ tướng cũng nêu rõ quan điểm là mỗi quốc gia cần hành xử một cách có trách nhiệm, thể hiện trước hết ở việc tuân thủ những cam kết của chính mình, tuân thủ luật pháp quốc tế, Hiến chương LHQ, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, tôn trọng thể chế chính trị ở mỗi nước.
Việt Nam là một minh chứng cho quan điểm này. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra những lập luận rất thuyết phục để chứng minh. Trước hết, Việt Nam kiên định đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn tốt, là đối tác tin cậy với các nước trên thế giới, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Thứ hai, giữa độc lập và phụ thuộc, Việt Nam luôn chọn độc lập; giữa thương lượng và đối đầu, Việt Nam chọn thương lượng; giữa đối thoại và xung đột, Việt Nam chọn đối thoại; giữa hòa bình và chiến tranh, Việt Nam chọn hòa bình; giữa hợp tác và cạnh tranh, Việt Nam chọn hợp tác và cạnh tranh thì phải lành mạnh, bình đẳng, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhau.
Đồng thời Việt Nam không chọn bên mà chọn chính nghĩa, sự công bằng, công lý và lẽ phải trên cơ sở các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, Hiến chương LHQ; bình đẳng, tất cả cùng có lợi, tất cả cùng chiến thắng.
Thứ ba, Việt Nam sẵn sàng đối thoại, hợp tác để xử lý các khác biệt, bất đồng, đóng góp vào hòa bình, ổn định và phát triển của thế giới như Việt Nam đã chủ động, tích cực và trách nhiệm trong phát huy vai trò là ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ (nhiệm kỳ 2008 - 2009, 2020 - 2021), đóng góp quân nhân cho lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ từ tháng 6-2014 đến nay.
Về quan hệ Việt - Mỹ, Thủ tướng nhấn mạnh thông điệp quan trọng là sự chân thành, lòng tin và trách nhiệm đã góp phần quan trọng tạo nên sự phát triển mạnh mẽ của quan hệ Việt - Mỹ trong gần 30 năm qua. Đây cũng sẽ là những nhân tố chủ đạo định hướng, thúc đẩy, đưa quan hệ đối tác toàn diện Việt - Mỹ lên tầm cao mới, thực chất, hiệu quả hơn trong những năm tới.
Nhận định thẳng thắn và tích cực của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam là một tín hiệu tốt lành cho tương lai quan hệ Việt - Mỹ và đã được chính giới học giả và doanh nghiệp Mỹ hoan nghênh đón nhận.
TTO - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc tiếp Tổng giám đốc Cơ quan Phát triển tài chính quốc tế Mỹ (DFC) Scott A. Nathan tại Washington, trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN - Mỹ.
Xem thêm: mth.98863539031502202-aihgn-hnihc-nohc-man-teiv/nv.ertiout