Loại quả độc đáo
Nhãn tím là loại nhãn độc nhất trên thế giới, được phát hiện ở Việt Nam và đã từng gây bão trên thị trường trong nước và nước ngoài. Giống nhãn này độc đáo ở chỗ từ thân, cành, lá, hoa và quả của cây nhãn đều có màu tím.
Người có công nhân tìm ra và nhân giống loại nhãn lạ này là ông Trần Văn Huy (tên hay gọi Bảy Huy), ngụ tại xã Phong Nẫm, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng.
Rất nhiều người mua cây giống nhãn tím một phần do sự hiếu kỳ, lạ lẫm trước màu sắc đẹp, tím từ thân đến lá và trái của cây. Nhưng bên cạnh đó, mùi vị, chất lượng trái nhãn tím cũng mang đầy đủ những ưu điểm của long nhãn như: trái to, cùi dày, hạt nhỏ và mọng nước. Nếu cây được trồng từ cành ghép hoặc cành chiết thì rất nhanh sẽ cho quả.
Nhãn tím có trái to, cùi dày, hạt nhỏ và mọng nước
Dù vậy, điều đặc biệt của giống nhãn này là chỉ khi trồng bằng nhánh chiết thì mới cho trái có màu tím, còn khi ghép hoặc trồng bằng hạt thì cây cho trái bình thường như các cây long nhãn khác.
"Giá nhãn tím trái tôi bán 100.000 đồng/kg, còn cây giống thì 1 triệu đồng/cây. Nhiều người thắc mắc nhãn tím người ta bán trên thị trường 400.000-500.000 đồng/kg mà sao tôi bán rẻ vậy. Tôi nghe xong chỉ cười và nói giá này bán trước giờ, còn mấy người kia có thể mua đi bán lại,..." - ông Bảy Huy cười nói.
Theo các thương lái, quả nhãn tím có nguồn gốc từ Sóc Trăng, Cần Thơ đang có giá cao gấp 5 lần so với hàng thông thường. Nhãn tím được bán lẻ trên thị trường với giá 250.000 đồng/kg. Có lúc nhiều khách muốn đặt mua thêm nhưng các nhà vườn ở Sóc Trăng không có hàng để bán.
Do màu sắc độc đáo hiếm có cùng hương vị thơm ngon nên có nhiều nhà vườn trong nước lẫn ngoài nước như Thái lan, Đài Loan (Trung Quốc) cũng săn lùng loại cây giống này.
Nhưng theo ông Bảy Huy, việc nhân giống nhãn tím rất khó, xác suất thành công lại ít, nên giá cây giống tương đối cao. Đây cũng là một trong những nguyên nhân người dân địa phương còn hạn chế trồng loại cây này.
Trên địa bàn xã chỉ có một số ít hộ trồng nhãn tím, nên sản phẩm chủ yếu là bán lẻ. Trong 1 năm, ông Bảy Huy chiết được khoảng 100-200 nhánh nhãn giống, mỗi cây có chiều cao khoảng 40-60cm, ông cung cấp cây giống cho người dân ở các tỉnh lân cận như Vĩnh Long, Trà Vinh, Bến Tre...
Một trong những điều ông Bảy Huy lo ngại là nhiều người đã mang cây giống của ông về lai tạo và bán ra thị trường, khiến uy tín và chất lượng của giống nhãn tím bị giảm sút.
Cách trồng nhãn tím
Việc phân biệt nhãn tím dễ hơn các dòng cây khác do thân, lá, cành đều có màu tím đậm khác hẳn các loại giống nhãn khác nên người mua sẽ không lo mua nhầm giống.
Các tài liệu cho thấy, nhãn tím thích hợp trồng trên nhiều loại đất nhưng tốt nhất là đất thịt pha cát nhẹ hoặc đất đỏ bazan.
Trước khi trồng, nhà vườn cần cải tạo đất trước từ 1-2 tháng bằng cách khử trùng vôi bột, bón lót phân chuồng, sử dụng các loại chế phẩm cải tạo đất.
Nhãn tím còn có thể trồng làm cảnh do màu sắc lá tím cuốn hút. Trong trường hợp trồng trong chậu, người trồng nên chọn chậu khổ lớn đường kính 1m trở lên và chú ý cung cấp dinh dưỡng thường xuyên.
Nếu được bón phân vi lượng, cây sẽ nhanh ra trái và mã trái đẹp. Thời gian trồng dự kiến cho ra quả là tầm 18 tháng.
Không chỉ có nhiều ưu điểm vượt trội, giống nhãn tím còn rất dễ trồng, nhẹ công chăm sóc và lại rất ít bị sâu bệnh. Điều kỳ lạ là có thể kháng được cả bệnh chổi rồng - một loại bệnh từng làm nhiều nhà vườn trồng nhãn điêu đứng.
Ông Huy cho biết: "Sâu bệnh thì nhãn này nó không có, còn chăm sóc thì rất nhẹ. Giống nhãn da bò hay các loại nhãn khác còn bị bệnh chổi rồng, còn nhãn tím thì đặt biệt không có. Nhãn tím mỗi năm ra trái 2 lần, trong đó, mùa thuận thì ra trái tự nhiên, mùa nghịch là gần Tết âm lịch".
Nhãn bị nhiễm bệnh chổi rồng
Theo TS. Nguyễn Văn Hòa thuộc Viện Cây Ăn quả Miền Nam, chổi rồng là bệnh hại nguy hiểm nhất trên cây nhãn hiện nay. Loại bệnh này tấn công và gây hại trên các đợt đọt non và hoa nhãn, tạo nên hiện tượng mọc thành chùm của lá hoặc hoa. Chính vì vậy chúng được gọi là chổi rồng hay nông dân miền Nam gọi là "đầu lân", nhìn từ xa như dạng một tổ chim hoặc dạng cây chổi.
Bệnh làm cho lá không phát triển được nên cây không hoặc khó ra hoa. Khi nhiễm bệnh, cây không thể đậu trái được, hoặc chỉ có một hoặc vài trái trên chùm, từ đó gây thiệt hại năng suất rất lớn, nếu nhiễm nặng làm thất thu hoàn toàn.
https://soha.vn/loai-cay-cuc-quy-o-viet-nam-mua-xong-ban-lai-lai-ngay-gap-5-lan-giong-con-dat-gap-boi-20220512214330438.htmTheo Tất Đạt
Tổ Quốc