Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) là 1 loại thuế trực thu, tính trên thu nhập của người nộp thuế sau khi đã trừ các thu nhập miễn thuế và các khoản được giảm trừ gia cảnh. Thuế TNCN có nguyên tắc thu từ "nguồn", tức là khi bạn nhận về thu nhập từ tổ chức chi trả thì thu nhập đó đã được khấu trừ thuế TNCN.
Mặc dù rất phổ biến và liên quan trực tiếp đến túi tiền nhưng không phải ai cũng hiểu rõ cách tính thuế TNCN, vậy nên mới có những thắc mắc dạng sau đây:
Tại sao lương của tôi chỉ có bấy nhiêu mà nộp thuế TNCN nhiều vậy?
Bởi vì thu nhập chịu thuế TNCN không phải chỉ bao gồm lương, thưởng. Theo quy định tại Thông tư 111/2013/TT-BTC thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công mà người lao động nhận được từ người sử dụng lao động, bao gồm:
(1) Tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công dưới các hình thức bằng tiền hoặc không bằng tiền.
(2) Các khoản phụ cấp, trợ cấp, trừ 11 loại phụ cấp, trợ cấp được quy định chi tiết (như phụ cấp quốc phòng, an ninh; Trợ cấp, phụ cấp ưu đãi theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công; Phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với những ngành, nghề hoặc công việc ở nơi làm việc có yếu tố độc hại, nguy hiểm; Phụ cấp thu hút, phụ cấp khu vực...)
(3) Tiền thù lao nhận được dưới các hình thức như: tiền hoa hồng đại lý, tiền hoa hồng môi giới; tiền tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học, kỹ thuật; tiền tham gia các dự án, đề án; tiền nhuận bút; tiền tham gia các hoạt động giảng dạy; tiền tham gia biểu diễn văn hoá, nghệ thuật, thể dục, thể thao; tiền dịch vụ quảng cáo; tiền dịch vụ khác, thù lao khác.
(4) Tiền nhận được từ tham gia hiệp hội kinh doanh, hội đồng quản trị doanh nghiệp, ban kiểm soát doanh nghiệp, ban quản lý dự án, hội đồng quản lý, các hiệp hội, hội nghề nghiệp và các tổ chức khác.
(5) Các khoản lợi ích bằng tiền hoặc không bằng tiền ngoài tiền lương, tiền công do người sử dụng lao động trả mà người nộp thuế được hưởng dưới mọi hình thức:
Đọc đến đây bạn sẽ phần nào mường tượng ra, tại sao một ông Giám đốc ngồi tự lấy lương hàng tháng, trừ đi các khoản giảm trừ gia cảnh, nhân với thuế suất vẫn không thể ra được số thuế TNCN phải nộp giống như kế toán tính.
Thậm chí, cho dù đã tính thêm tất cả các khoản phụ cấp, thưởng,.. con số vẫn có gì đó "sai sai".
Lý do là vì ngoài những khoản thu nhập được trao vào tay hoặc trả vào tài khoản như lương, thưởng, phụ cấp,... Ông Giám đốc còn có thể nhận được những lợi ích không bằng tiền khác hay có thể hiểu là chế độ phúc lợi như: xe đưa đón, thuê nhà ở, vé máy bay, di chuyển,... Những khoản chi này do công ty thanh toán (trả hộ) và được ghi nhận là thu nhập chịu thuế của người lao động, ngoại trừ những trường hợp được quy định cụ thể trong các văn bản liên quan.
Chế độ phúc lợi "khủng" thường hay gặp với đối tượng chuyên gia nước ngoài hay các quản lý, lãnh đạo cấp cao. Ngoài lương, họ nhận được rất nhiều những ưu đãi khác tùy theo chính sách của doanh nghiệp và thỏa thuận giữa 2 bên.
Chẳng hạn, cách đây vài năm có doanh nghiệp ở Bình Dương, để mời được chuyên gia nước ngoài làm việc đã phải đồng ý chi trả toàn bộ chi phí vé máy bay, tiền ăn ở, sinh hoạt cho các kỳ nghỉ phép của vị chuyên gia này với tần suất 4 lần/năm.
Tổng số tiền phúc lợi dành cho việc nghỉ phép này là con số không hề nhỏ, vậy câu hỏi đặt ra là Chi phí vé máy bay, ăn ở, sinh hoạt... cho các kỳ nghỉ phép có phải tính vào Thu nhập chịu thuế TN cá nhân của chuyên gia trong kỳ tính thuế không?
Hình ảnh minh họa
Cục thuế Bình Dương sau đó đã có văn bản trả lời thắc mắc của doanh nghiệp. Cụ thể, căn cứ theo khoản 2 Điều 2 Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/08/2013 của Bộ Tài chính, không tính vào thu nhập chịu thuế đối với các khoản sau: Khoản tiền mua vé máy bay khứ hồi do người sử dụng lao động trả hộ (hoặc thanh toán) cho người lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam về phép mỗi năm một lần.
Căn cứ xác định khoản tiền mua vé máy bay là hợp đồng lao động và khoản tiền thanh toán vé máy bay từ Việt Nam đến quốc gia người nước ngoài mang quốc tịch hoặc quốc gia nơi gia đình người nước ngoài sinh sống và ngược lại.
Như vậy, với các khoản chi mua vé máy bay, ăn ở, sinh hoạt,... cho chuyên gia về nước (theo phép) quá 1 lần/năm, cụ thể là 3 lần, sẽ tính vào thu nhập chịu thuế TNCN của chuyên gia.
Tại sao tháng nào cũng bị trừ thuế TNCN mà lúc quyết toán năm tôi vẫn phải nộp thêm?
Về nguyên tắc, hàng tháng khi chi trả thu nhập, cơ quan chi trả đã tạm khấu trừ thuế TNCN. Sau đó, đến kỳ quyết toán thuế TNCN (thường là theo kỳ tính thuế dương lịch), cơ quan chi trả sẽ quyết toán.
Việc này được hiểu là thực hiện tính toán lại tổng thu nhập chịu thuế (bao gồm các khoản các khoản lợi ích do người sử dụng lao động trả thay cho người lao động (nếu có)), tổng các khoản giảm trừ, sau đó tính ra chính xác tổng số thuế TNCN phải nộp trong kỳ của cá nhân.
Tổng số thuế tạm nộp (đã nộp) trong 12 tháng có thể bằng, ít hơn hoặc cao hơn số thuế TNCN theo quyết toán.
Nếu trường hợp số thuế theo quyết toán nhiều hơn số đã nộp, người nộp thuế (NNT) phải nộp thêm số còn thiếu. Ngược lại, nếu số thuế sau quyết toán nhỏ hơn số đã nộp, NNT sẽ được hoàn lại phần chênh lệch.
Những nguyên nhân khiến cho tổng số thuế tạm nộp hàng tháng và số thuế quyết toán khác nhau:
Một là hàng tháng thuế TNCN chỉ được tạm khấu trừ trên Thu nhập trả trực tiếp cho người lao động, chưa tính đến những khoản lợi ích không bằng tiền mà công ty trả thay cho người lao động.
Như trong trường hợp DN ở Bình Dương nêu trên khi công ty chi tiền vé máy bay cho chuyên gia về nước nghỉ phép sẽ không khấu trừ thuế TNCN ở đó, nhưng khi thực hiện quyết toán sẽ tính lại tổng thu nhập chịu thuế bao gồm khoản chi này.
Hai là do thuế suất thuế TNCN là lũy tiến, nên khi thu nhập chuyển từ bậc A lên bậc B thuế suất áp dụng thay đổi dẫn đến số tiền thuế sẽ thay đổi theo.
Điều 14 (chương III) Thông tư 92/2015/TT-BTC Sửa đổi, bổ sung Điều 7 Thông tư số 111/2013/TT-BTC quy định:
Thu nhập làm căn cứ quy đổi thành thu nhập tính thuế là thu nhập thực nhận (không bao gồm thu nhập được miễn thuế) (+) các khoản lợi ích do người sử dụng lao động trả thay cho người lao động (nếu có) (-) các khoản giảm trừ.
Trường hợp người sử dụng lao động áp dụng chính sách "tiền thuế giả định", "tiền nhà giả định" thì thu nhập làm căn cứ quy đổi thành thu nhập tính thuế không bao gồm "tiền thuế giả định", "tiền nhà giả định".
Trường hợp trong các khoản trả thay có tiền thuê nhà thì tiền thuê nhà tính vào thu nhập làm căn cứ quy đổi bằng số thực trả nhưng không vượt quá 15% tổng thu nhập chịu thuế phát sinh tại đơn vị không phân biệt nơi trả thu nhập (chưa bao gồm tiền thuê nhà, điện, nước và các dịch vụ kèm theo thực tế phát sinh, "tiền nhà giả định" (nếu có)).
An Vũ
Theo Nhịp Sống Kinh Tế