Virus SARS-CoV-2 tiến hóa theo hướng ngày càng dễ lây lan và "né" hệ miễn dịch - Ảnh minh họa: Getty Images
Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, được công bố trên tạp chí Nature Communications, đây là nghiên cứu đầu tiên trên thế giới phát hiện ra cơ chế xâm nhập của virus SARS-CoV-2 vào tế bào, đồng thời mở ra triển vọng lớn về việc sản xuất một loại thuốc kháng virus dạng xịt, có thể tiêu diệt virus trong trường hợp bị lây nhiễm hoặc tiếp xúc có nguy cơ cao.
Trên thực tế, cho đến nay vẫn chưa có phương pháp điều trị nào thực sự hiệu quả chống lại virus SARS-CoV-2 khi chúng luôn đe dọa tái phát dưới dạng này hay dạng khác vào một thời điểm nào đó.
Nhận thức rõ rằng việc phát triển một loại thuốc kháng virus để ngăn ngừa lây nhiễm đòi hỏi phải hiểu rõ hơn về các cơ chế chính xác ở cấp độ phân tử, nhóm nghiên cứu thuộc Viện Khoa học công nghệ phân tử của UCLouvain - do nhà khoa học David Alsteens đứng đầu - đã tiến hành nghiên cứu từ hai năm nay về cơ chế xâm nhập của virus SARS-CoV-2.
Các nhà khoa học đã sử dụng kính hiển vi lực nguyên tử để nghiên cứu sự tương tác giữa axit sialic (AS), các loại cặn đường có trên bề mặt tế bào và protein gai của SARS-CoV-2.
Theo các nhà khoa học, tất cả các tế bào đều được bao phủ bởi cặn đường, chúng có vai trò thúc đẩy quá trình nhận biết tế bào. Điều này cho phép virus dễ dàng xác định mục tiêu của chúng hơn, đồng thời coi đây là điểm bám để giúp chúng xâm nhập vào tế bào chủ và bắt đầu lây nhiễm.
Các nhà nghiên cứu của UCLouvain đã tập trung vào một biến thể của những loại đường này nhưng có mức độ tương tác với protein gai mạnh mẽ hơn so với các loại đường khác và họ đã tìm ra "chìa khóa" cho phép virus xâm nhập tế bào.
Theo các nhà khoa học, do virus được tạo thành từ một loạt các protein đột biến, các loại giác hút cho phép chúng bám vào tế bào và cuối cùng xâm nhập vào bên trong. Virus tìm thấy càng nhiều "chìa khóa" thì khả năng tương tác với tế bào càng tốt và "cánh cửa" sẽ mở ra càng lớn. Do đó, điều quan trọng là tìm ra cách virus quản lý để nhân lên các chìa khóa xâm nhập.
Để làm được điều này, các nhà khoa học đã chặn các điểm gắn của protein gai và do đó loại bỏ mọi tương tác với bề mặt tế bào. Một trong những điều kiện là sự tương tác giữa virus và tác nhân ngăn chặn phải mạnh hơn sự tương tác giữa virus và tế bào.
Giáo sư David Alsteens giải thích: "Chúng tôi đã chứng minh rằng các cấu trúc đa hóa trị (hoặc glycocluster) với nhiều axit sialic 9-O-acetyl hóa trên bề mặt của chúng cũng có thể ngăn chặn kết nối hơn là lây nhiễm SARS-CoV-2". Nếu virus không bám vào tế bào, chúng mất khả năng xâm nhập và sẽ chết trong khoảng thời gian từ 1 giờ đến 5 giờ. Nhờ sự tắc nghẽn này, sự lây nhiễm được ngăn chặn.
Giới khoa học đánh giá khám phá này có lợi thế là hoạt động trên virus, độc lập với các đột biến và cũng sẽ chứng minh điều tương tự trong tương lai, để chống lại các virus khác có các yếu tố gắn kết tương tự. Các nhà khoa học của UCLouvain sẽ thực hiện các thử nghiệm trên chuột để áp dụng cách ngăn chặn các liên kết của virus và quan sát xem chúng có hoạt động trên cơ thể sinh vật này hay không.
Theo các nhà nghiên cứu, kết quả này sẽ cho phép phát triển một chất kháng virus từ những loại đường nêu trên, được sử dụng dưới dạng xịt, dành cho những trường hợp lây nhiễm COVID-19 hoặc có nguy cơ lây nhiễm cao do đã tiếp xúc người mắc bệnh.
Thiết bị khử trùng TESER ACT bằng tia cực tím mới sẽ sớm được sử dụng tại sân bay quốc tế Edmonton của Canada cũng như tại các văn phòng chính quyền ở thành phố Calgary và Edmonton.
Xem thêm: mth.63641948010402202-2-voc-sras-suriv-augn-nagn-hcac-ar-ahp-mahk-ib-coh-aohk-ahn-cac/nv.ertiout