Hướng dẫn thao tác chụp PET/CT tại Bệnh viện Chợ Rẫy - Ảnh: DUYÊN PHAN
Nguồn tin của Tuổi Trẻ Online cho hay sau công văn số 1261 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam ngày 12-5 về việc dừng thanh toán theo chế độ bảo hiểm y tế (BHYT) đối với chi phí dịch vụ kỹ thuật (DVKT) thực hiện từ máy mượn, máy đặt từ các công ty trúng thầu vật tư hóa chất, các bệnh viện đang rơi vào thế "kẹt" không biết nên dừng hay tiếp tục hoạt động khám chữa bệnh.
Văn bản này dựa vào văn bản số 2348 của Bộ Y tế ban hành ngày 9-5.
Hai khả năng xảy ra
Đơn cử ngày 13-5, Bệnh viện Chợ Rẫy họp khẩn và có công văn hỏa tốc gửi Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Theo đó, bệnh viện cho biết sau khi nhận được công văn 2348 của Bộ Y tế và công văn 126 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đơn vị kiến nghị xin tiếp tục được thanh toán chi phí DVKT sử dụng trên máy mượn, máy đặt của các công ty trúng thầu vật tư, hóa chất hoặc có lộ trình cho phép chuyển đổi dần trong thời gian tìm giải pháp khác thay thế.
Trường hợp nếu không được thanh toán chế độ BHYT, Bệnh viện Chợ Rẫy dẫn chứng 2 khả năng có thể xảy ra.
1. Bệnh viện dừng thực hiện tất cả xét nghiệm trên các máy mượn, máy đặt từ các công ty trúng thầu vật tư, hóa chất. Đồng nghĩa bệnh viện sẽ ngưng hoạt động bởi không đủ các cận lâm sàng phục vụ cho việc chẩn đoán, điều trị và tính mạng của người bệnh chắc chắn sẽ bị đe dọa.
2. Để không ảnh hưởng và đe dọa tính mạng người bệnh, đơn vị sẽ tiếp tục thực hiện các xét nghiệm trên các máy mượn, máy đặt nhưng cuối cùng bệnh nhân phải tự thanh toán chi phí. Điều này sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của bệnh nhân BHYT; đồng thời có khả năng gây ra tác động lớn đến an sinh xã hội.
80% hệ thống máy xét nghiệm tại bệnh viện là máy mượn, máy đặt
Bệnh nhân được chụp PET/CT tại Trung tâm y học hạt nhân và ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) - Ảnh: N.KHÁNH
Lý giải về sự cần thiết của việc tiếp tục thanh toán theo chế độ BHYT chi phí DVKT, Bệnh viện Chợ Rẫy dẫn chứng đơn vị là bệnh viện đa khoa tuyến cuối duy nhất đóng trên địa bàn TP.HCM, tiếp nhận bệnh nhân nặng, vượt khả năng của các bệnh viện tỉnh thành phía Nam và Tây Nguyên.
Hằng năm, khi chưa có dịch, đơn vị tiếp nhận khám chữa bệnh cho hơn 1,5 triệu lượt bệnh nhân ngoại trú (BHYT chiếm 60%) và 150.000 lượt bệnh nhân nội trú (BHYT chiếm 80%), do đó số lượng bệnh nhân BHYT rất lớn.
Trong khi đó, 80% hệ thống máy xét nghiệm hiện hoạt động tại bệnh viện là máy mượn, máy đặt từ các công ty trúng thầu vật tư, hóa chất. Danh mục kỹ thuật được thực hiện trên các máy này là những xét nghiệm thiết yếu phục vụ cho chẩn đoán và điều trị bệnh nhân.
"Vì quyền lợi chính đáng về tài chính và sức khỏe của bệnh nhân BHYT, một lần nữa bệnh viện khẩn thiết kính trình Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục thanh toán theo chế độ BHYT chi phí DVKT thực hiện trên máy mượn, máy đặt nói trên, hoặc có lộ trình cho phép bệnh viện chuyển đổi dần sang giải pháp khác thay thế" - lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy kiến nghị.
Liên quan đến vấn đề này, nguồn tin của Tuổi Trẻ Online cho hay Sở Y tế TP.HCM cũng đã có văn bản khẩn gửi UBND TP.HCM và cho biết nhiều cơ sở khám chữa bệnh rơi vào tình huống khó khăn sau hai văn bản của Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Ban hành và bãi bỏ ra sao?
Từ năm 2018, nhằm bảo đảm quyền lợi cho người bệnh có thẻ BHYT, đồng thời để các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện được các DVKT theo yêu cầu chuyên môn, Bộ Y tế đã ban hành công văn 2009 về thanh toán các DVKT sử dụng máy mượn, máy do các đơn vị trúng thầu vật tư, hóa chất đặt.
Tuy nhiên ngày 9-5-2022, Bộ Y tế có công văn 2348 về việc bãi bỏ công văn 2009 ngày 12-4-2018 của bộ này. Từ văn bản này, ngày 12-5 Bảo hiểm xã hội Việt Nam có văn bản gửi bảo hiểm xã hội các tỉnh, TP trực thuộc trung ương; bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng và Công an nhân dân về việc dừng thanh toán theo chế độ BHYT đối với chi phí DVKT thực hiện từ máy mượn, máy đặt từ các công ty trúng thầu vật tư hóa chất từ ngày 9-5-2022.
Đồng thời báo cáo tình hình máy mượn, máy đặt theo công văn 2009 của Bộ Y tế hiện đang sử dụng tại các cơ sở khám chữa bệnh để thực hiện DVKT cho bệnh nhân đến ngày 9-5.
TTO - Nhiều người bày tỏ lo ngại như vậy trước thông tin Bộ Y tế đang lấy ý kiến về dự thảo sửa đổi Luật bảo hiểm y tế (BHYT), trong đó đề xuất phương án tăng mức đóng BHYT của người lao động, người tham gia bảo hiểm theo diện hộ gia đình.