Hội thảo chuyên đề về thị trường nông sản và đồ uống “Hương vị Việt Nam thăng hoa thế giới” - Ảnh: CTV
Nhu cầu tìm kiếm nông phẩm trên sàn thương mại điện tử toàn cầu Alibaba.com tăng mạnh trong năm qua, khi lưu lượng người mua đối với các sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng hàng năm ở mức 50%.
Theo nghiên cứu dữ liệu riêng của sàn này, từ tháng 10-2021 đến tháng 1-2022, ngành hàng nông nghiệp và thực phẩm có chỉ số cơ hội kinh doanh tăng 14% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, tốc độ tăng nhu cầu của các nhóm hàng này lớn gấp ba lần tốc độ tăng nguồn cung. Cơ hội cho nông sản Việt xuất khẩu qua kênh này đang rất cao với tăng trưởng hàng năm ở mức 50%.
Theo ông Vũ Thế Tùng, giám đốc phát triển thị trường, Alibaba.com Việt Nam, thống kê của sàn ghi nhận bình quân mỗi ngày, một nhà cung cấp Việt Nam trong nhóm hàng này có cơ hội tiếp xúc với khoảng 15 người mua hàng tiềm năng, tức khoảng hơn 450 người mua hàng tháng. Điều đó cho thấy nông sản, thực phẩm Việt đang rất được quan tâm, đặc biết là các nhóm hàng thủy hải sản, trái cây...
Vấn đề hiện nay là các doanh nghiệp Việt Nam cần nắm rõ các quy định của "sân chơi" này, những quy cách về đóng gói, bao bì, cách làm thương hiệu cũng như chăm sóc gian hàng trên sàn...
Tại hội thảo chuyên đề về thị trường nông sản và thực phẩm, đồ uống “Hương vị Việt Nam thăng hoa thế giới” vừa được tổ chức ở TP.HCM, ông Nguyễn Quốc Toản - cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản, cũng cho rằng xuất khẩu nông sản qua kênh trực tuyến rất phù hợp với sự xu hướng xuất khẩu hiện nay, đặc biệt với thị trường Trung Quốc đang có sự dịch chuyển từ tiểu ngạch sang chính ngạch. Phương thức này sẽ giải quyết phần nào tình trạng ùn tắc biên giới đường bộ.
"Thông qua kênh thương mại điện tử, các nhà cung cấp Việt Nam có thể tiếp cận đến khách hàng toàn thế giới, trong đó có thị trường Trung Quốc. Hiện đây là thị trường lớn, đòi hỏi tính chính ngạch ngày càng cao", ông Toản nhìn nhận.
Trong chiến lược hỗ trợ xuất khẩu nông sản Việt, thương mại điện tử là kênh quan trọng và cũng là một trong 8 lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số, giúp nông dân trở thành thương nhân, chủ động nâng cao giá trị sản phẩm, đồng thời cắt giảm chi phí thương mại.
Theo Analysys, Alibaba.com là thị trường bán buôn trực tuyến tích hợp quốc tế lớn nhất Trung Quốc vào năm 2020 tính theo doanh thu.
Nền tảng này kết nối các nhà cung cấp đa quốc gia với người mua hàng trên khắp thế giới, bao gồm đại lý thương mại, nhà bán buôn, nhà bán lẻ, nhà sản xuất, doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào hoạt động xuất nhập khẩu, cung cấp nguồn cung, giao dịch trực tuyến, tiếp thị kỹ thuật số và thực hiện chuỗi cung ứng kỹ thuật số.
TTO - Tháng trước, Đồng Tháp xuất khẩu lô 3 tấn xoài cát chu Cao Lãnh đầu tiên sang thị trường Liên minh châu Âu (EU). Dù số lượng còn khiêm tốn, nhưng vẫn là một tín hiệu vui cho nông sản trong nước.