Các diễn viên trình diễn tác phẩm Trưng Vương bình ngũ lãnh - Ảnh: LINH ĐOAN
Chương trình do CLB Nghiên cứu và vinh danh văn hóa Nam Bộ trình diễn.
Theo diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang, vở tuồng Trưng Vương bình ngũ lãnh được các ông Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn An Ninh dàn dựng và trình diễn tại nhà tù Côn Đảo năm 1910.
Chính chí sĩ Phan Châu Trinh đóng vai chính - tướng quân Thi Sách. "Có thể nói, ông Phan Châu Trinh là người đầu tiên thể hiện nhân vật Thi Sách" - ông Quang nhấn mạnh.
Cụ Phan Châu Trinh (vai Thi Sách, người cầm gậy dài) trong tuồng Trưng Vương bình ngũ lãnh tại nhà tù Côn Đảo năm 1910. Hình ảnh quý giá mà gia đình còn lưu giữ
Vở diễn được thực hiện với mục đích truyền cho những tù nhân sức mạnh đứng lên vì đồng bào, Tổ quốc, đồng thời cảm hóa cả những người quản ngục. Ngoài vở tuồng này, sau đó khi sang Thái Lan, ông Phan Châu Trinh còn viết thêm tác phẩm Trưng Nữ Vương.
Có thể thấy, thời điểm đó những chí sĩ này đã biết dùng nghệ thuật để khơi dậy lòng yêu nước, tự hào dân tộc, dám đứng lên vì độc lập, cuộc sống ấm no của nhân dân.
Nghệ sĩ Tú Quyên trình bày bài Nỗi lòng Phan Châu Trinh - Ảnh: LINH ĐOAN
Những người yêu quý cụ Phan Châu Trinh chụp ảnh lưu niệm cùng các diễn viên tham gia chương trình tìm hiểu và tưởng nhớ về ông - Ảnh: LINH ĐOAN
Trong chương trình Tìm hiểu danh nhân văn hóa Phan Châu Trinh (nằm trong chuỗi chương trình kỷ niệm 150 năm ngày sinh ông Phan Châu Trinh), ông Hồ Nhựt Quang đã chuyển thể tác phẩm sang cải lương với phần trình diễn chính của 3 diễn viên Minh Hòa, Nhựt Quang, Lý Trung Tín.
Các diễn viên trình diễn khoảng 15 phút đoạn Thi Sách đối đầu với thái thú Tô Định, Ưng Trành (nhân vật Chương Hầu trong Tiếng trống Mê Linh) và bị bọn chúng chém đầu.
Tác phẩm sẽ còn được dàn dựng thêm để biểu diễn trong chương trình tưởng nhớ cụ Phan Châu Trinh vào ngày 11-6 tới tại Đường sách TP.HCM.
Các học sinh thắp nhang viếng mộ cụ Phan Châu Trinh - Ảnh: LINH ĐOAN
Bà Lê Thị Sáu, con dâu cụ Phan Châu Trinh, phát biểu trong buổi gặp gỡ những người yêu quý ông - Ảnh: LINH ĐOAN
Chương trình sáng 14-5 có sự tham dự của gia đình ông Phan Châu Trinh gồm con dâu ông, bà Lê Thị Sáu, cháu ông là anh Nguyễn Đông Hòa, tiến sĩ Nguyễn Thị Hải Phượng, các thầy cô và học sinh - sinh viên đến từ Trường đại học Hoa Sen, Trường Ernst Thalmann...
Các đại biểu và học sinh đã thắp hương tưởng nhớ tại đền thờ và mộ ông, sau đó lắng nghe ông Hồ Nhựt Quang nói về người con ưu tú của đất nước, một danh nhân với tư tưởng rất tiến bộ mà cả trăm năm qua vẫn còn giá trị.
TTO - Bà Nguyễn Thị Bình - chủ tịch Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh - ký văn bản thông báo về việc quỹ này chấm dứt hoạt động từ ngày 20-2 vì một số điều kiện khách quan.