Nhiều đơn vị vận chuyển hàng hóa tăng giá cước vì giá xăng dầu tăng - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Để thích ứng với giá xăng dầu mới, nhiều doanh nghiệp vận tải cho biết sẽ phải tăng cước để bù đắp chi phí, dù vẫn lo ngại sẽ mất khách.
Chi phí bị đội cả tỉ đồng mỗi tháng
Là doanh nghiệp có quy mô sử dụng đội xe và các trang thiết bị nâng hạ ở cảng biển khá lớn, ông Trương Nguyên Linh - phó tổng giám đốc Công ty liên doanh Phát triển tiếp vận số 1 - cho biết mỗi tháng sử dụng hơn 200.000 - 300.000 lít dầu.
"Tình hình giá xăng dầu đang căng quá, chi phí nhiên liệu của chúng tôi bị đội lên hàng tỉ đồng mỗi tháng. Doanh nghiệp phải tăng giá dịch vụ ở một mức vừa phải để bù đắp chi phí tăng thêm của nhiên liệu" - ông Linh nói.
Còn ông Đỗ Văn Thắng - tổng giám đốc Công ty CP Bưu chính Việt Nam (Vintrans) - cho biết với quy mô hơn 200 đầu xe chuyển phát bưu chính, giá nhiên liệu tăng lên gần 30.000 đồng/lít là áp lực rất lớn với doanh nghiệp trong ngành logistics. Do đó, ban lãnh đạo công ty đã họp bàn phương án thích ứng với giá xăng dầu mới. "Dự tính đợt này công ty sẽ tăng thêm 5-7% giá cước vận chuyển" - ông Thắng nói.
Theo phương án kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực logistics, giá nhiên liệu dầu trong năm 2022 ước tính khoảng 12.000 - 16.000 đồng/lít. Thế nhưng sau đợt điều chỉnh chiều 11-5 vừa qua, giá dầu đã lên mức 26.740 đồng/lít, tăng hơn 10.000 - 12.000 đồng/lít so với tính toán ban đầu của doanh nghiệp.
Trong khi đó, đối với hoạt động logistics đường bộ, chi phí nhiên liệu chiếm lớn nhất, vào khoảng 35 - 40% chi phí vận hành các loại xe container, xe tải nặng, chưa kể phí BOT và nhiều loại thuế phí khác. Trong khi hợp đồng vận tải thường kỳ theo tháng, quý, thậm chí theo năm căn cứ vào giá nhiên liệu ước đoán đầu năm.
Vì vậy, khi kỳ điều chỉnh giá xăng dầu ngày càng ngắn, các doanh nghiệp vận tải bị động trong việc cân đối chi phí kinh doanh. Doanh nghiệp có lượng tiêu thụ xăng dầu càng lớn sẽ càng lỗ nặng.
Tìm cách chịu đựng
Theo các doanh nghiệp, nếu giá nhiên liệu giữ ở mức cao và kéo dài, các đơn vị vận tải sẽ đồng loạt tăng giá cước. Điều này chắc chắn sẽ tác động đến giá hàng hóa nói chung và cuối cùng người tiêu dùng sẽ "lãnh đủ".
Để tránh thua lỗ, các doanh nghiệp vừa tìm cách sống chung với bão giá, vừa tính tới phương án tăng giá cước. "Tuy nhiên, nếu giá nhiên liệu cứ duy trì cao, các doanh nghiệp logistics sẽ rơi vào tình trạng cầm chừng, gây cản trở tốc độ hồi phục, tăng trưởng của toàn bộ nền kinh tế", ông Trương Nguyên Linh cho biết.
Theo ông Trần Văn Thành - tổng giám đốc Công ty CP vận tải Á Châu (quận 12, TP.HCM), để kìm giá cước trong bối cảnh giá nhiên liệu tăng cao, công ty này vừa đặt mua thêm hàng chục xe đầu kéo và đặt nhiều container dài 17m thay vì 12m như thông thường. Các loại thùng container siêu dài này sẽ tăng thêm sức chứa cho hàng vận chuyển Bắc - Nam.
"Sức chứa tăng thêm khoảng 30%, chúng tôi linh hoạt gom các đơn hàng lẻ để tối ưu cho một chuyến xe. Tăng thêm nguồn hàng chở nên chúng tôi không tăng giá cước đợt này" - ông Thành khẳng định.
Bà Đặng Thị Minh Phương, chủ tịch Hiệp hội Logistics TP.HCM (HLA), gợi ý các doanh nghiệp có nguồn lực về tài chính có thể tính toán tới việc mua trước giá nhiên liệu. "Tức là đặt hàng từ nhà cung cấp, nhiên liệu vẫn nằm trong kho của nhà cung cấp, doanh nghiệp chỉ trả trước chi phí" - bà Phương giải thích.
TTO - Nhiều tài xế công nghệ than ngắn thở dài trước thông tin giá xăng tiếp tục tăng gần 30.000 đồng/lít từ chiều 11-5. Điều này trực tiếp ảnh hưởng đến thu nhập trên từng cuốc xe.