Thành Đại La - kinh thành Thăng Long xưa, nơi Thái Sư Lưu Cơ đã có 40 năm cai quản đợi ngày "giao chìa khóa" cho vua Lý Công Uẩn - Ảnh tư liệu BTC cung cấp
Hướng tới kỷ niệm 1010 năm ngày mất của Thái sư Lưu Cơ (1013-2023), ngày 15-5, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam phối hợp với Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội và Hội đồng Lưu tộc Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học "Vai trò lịch sử của Thái sư Lưu Cơ".
Tại Hội thảo, các nhà sử học đã đưa ra nhiều dẫn chứng cho thấy Thái sư Lưu Cơ là một danh nhân lịch sử, có nhiều công lao to lớn với dân tộc trải qua 3 triều đại: Nhà Đinh, nhà Tiền Lê và nhà Lý.
Người trao chìa khóa thành Đại La cho Lý Công Uẩn dời đô về Thăng Long
GS.TSKH Vũ Minh Giang - phó chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam - trích dẫn Đại Việt sử ký toàn thư khẳng định đây là một trong những vị khai quốc công thần nhà Đinh, có công giúp Đinh Tiên Hoàng thống nhất 12 sứ quân.
Lưu Cơ là một trong tứ trụ triều đình (Tể tướng Nguyễn Bặc, Thái sư Lưu Cơ, Ngoại giáp Đinh Điền và Thượng thư Trịnh Tú) đã có nhiều đóng góp tích cực trong việc thống nhất đất nước, phò tá triều đình và ổn định xã hội.
Ông Giang dẫn theo Đại Việt sử lược cho biết Thái sư Lưu Cơ kiêm nhiệm chức vụ Đô hộ phủ sĩ sư, chức quan đầu triều trông coi hình án, tư pháp, hình ngục.
Ông cai quản vựa lúa lớn nhất, cũng là kho người, kho của ở Lĩnh Nam là Giao Châu (đồng bằng Bắc Bộ) liên tục 40 năm (971-1010), xuyên suốt 3 triều đại phong kiến nhà Đinh, Tiền Lê và đầu nhà Lý.
Ông Giang khẳng định Lưu Cơ là người đầu tiên biến tòa thành Đại La, trung tâm đô hộ của phong kiến phương Bắc thành kinh đô của nước Đại Việt độc lập tự chủ.
Trong quá trình tu sửa, ông đã cho cổng thành quay về hướng Nam, hướng về kinh đô Hoa Lư, thay vì hướng về phương Bắc như chính quyền đô hộ đã làm. Điều này theo ông Giang là biểu hiện sâu sắc của ý thức dân tộc.
Thái sư Lưu Cơ còn là người chuẩn bị mọi điều kiện cơ sở hạ tầng cho cuộc dời đô của Lý Công Uẩn. Điều này giải thích tại sao chỉ trong một thời gian rất ngắn, triều đình nhà Lý đã có thể di chuyển từ Hoa Lư ra Thăng Long.
"Sau hơn 40 năm trông coi, tu tạo thành Đại La, chính Lưu Cơ là người đã trao chìa khóa và ‘sổ đỏ’ tòa thành này cho vua Lý Công Uẩn", TS Nguyễn Việt - giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á cũng khẳng định.
Nhưng sau này, Thái sư Lưu Cơ không được nhà Lý trọng dụng và nhắc đến nhiều trong sử sách, hậu thế ít người biết đến ông, nên việc ghi nhận, tôn vinh và truyền bá công lao của ông thì còn nhiều thiếu sót.
Đình Đại Từ - Di tích Lịch sử cấp tỉnh tại xã Đại Đồng (Văn Lâm, Hưng Yên) thờ Thái sư Lưu Cơ - Ảnh: BTC cung cấp
Đề xuất đặt tên đường Thái sư Lưu Cơ tại Hà Nội
Đồng tình với quan điểm phải ghi nhận, tôn vinh xứng đáng với Thái sư Lưu Cơ, nhà sử học Dương Trung Quốc kiến nghị các nhà quản lý văn hóa xem xét để Thái sư Lưu Cơ có một vị trí tôn vinh trong di tích Hoàng thành Thăng Long và Thủ đô Hà Nội.
Ông Quốc nói việc "làm rõ thân thế và sự nghiệp của Thái sư Lưu Cơ không chỉ vì vinh quang của một cá nhân hay gia tộc mà là sự tôn trọng lịch sử, sự tôn vinh công lao của các bậc tiền nhân".
Bà Nguyễn Thị Dơn - phó chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Thăng Long - Hà Nội - cho rằng những tư liệu lịch sử về Thái sư Lưu Cơ sẽ đóng góp, bổ sung cho việc trưng bày thường xuyên và trưng bày chuyên đề giai đoạn lịch sử tiền Thăng Long của Bảo tàng Hà Nội, Di tích Hoàng thành Thăng Long.
Ngoài ra, bà Dơn kiến nghị, với công lao 40 năm cai quản thành Đại La, chuẩn bị mọi tiền đề cho công cuộc dời đô ra Thăng Long của vua Lý Thái Tổ, Thái sư Lưu Cơ rất xứng đáng được đặt tên cho một đường phố ở Hà Nội.
GS.TS Trương Quốc Bình - nguyên phó vụ trưởng Vụ Bảo tồn - bảo tàng (tiền thân của Cục Di sản văn hóa ngày nay) - cũng đánh giá Thái sư Lưu Cơ xứng đáng được đưa vào nội dung thuyết trình tại Di tích Hoàng thành Thăng Long, được đặt tên đường phố và trường học tại Hà Nội.
TTO - Trong kịch bản vở Huyền thoại gò Rồng Ấp , chi tiết 'ám chỉ' vua Lý Công Uẩn chính là con của thiền sư Vạn Hạnh đã được đưa vào.