Các đánh giá, chia sẻ giúp ích nhiều cho các ứng viên - Ảnh chụp màn hình
Ngày nay người trẻ chủ động chọn lọc doanh nghiệp trước khi ứng tuyển. Để thu hút và giữ chân thế hệ này, các công ty cần phải bắt kịp xu hướng thời đại, từ bỏ những thứ lỗi thời.
"Điều tra" lý lịch công ty từ nhiều nguồn
Trước khi nộp hồ sơ ứng tuyển, nhiều bạn trẻ sử dụng Internet để điều tra doanh nghiệp. Chỉ cần gõ trên thanh tìm kiếm những từ khóa như "review công ty + (tên công ty)", Google sẽ trả về hàng chục nhận xét của nhân viên và nhân viên cũ. Họ dựa trên dữ liệu đó và cân nhắc.
Ngoài ra, hội nhóm đánh giá doanh nghiệp trên mạng xã hội cũng là một trong những nguồn tham khảo phổ biến của các ứng viên trẻ.
"Mình thường vào các nhóm như Hội Review Công ty Có Tâm!, REVIEW CÔNG TY, Review Công Ty và Than Thở Công Sở... xem mọi người nói gì về doanh nghiệp, rồi mới cân nhắc ứng tuyển", Minh Thư (sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) cho biết.
Thư thông tin: "Có nhiều cảnh báo về ‘độ bào’ của công ty, và thứ nhân viên nhận được khác xa so với những gì bộ phận tuyển dụng đã hứa hẹn. Tuy nhiên, đánh giá trên mạng cũng chỉ mang tính chất tham khảo. Mình không chỉ dựa vào chúng mà còn kết hợp nhiều nguồn khác nữa".
Thư tham khảo nhiều nguồn thông tin khác nhau trước khi ứng tuyển vào một doanh nghiệp - Ảnh: NVCC
Tương tự Thư, Trần Minh (sinh viên Trường ĐH quốc tế APU, Nhật Bản) cũng sử dụng các trang web tìm việc trung gian để tìm hiểu doanh nghiệp. "Mình luôn tìm hiểu công ty trước khi nộp hồ sơ, thông qua các website tìm việc trung gian như mynavi, rikunabi hoặc trực tiếp từ trang web của công ty", Minh nói.
Học quản trị du lịch nhà hàng khách sạn, sau khi tìm hiểu kỹ, Minh hiện đợi cơ hội phỏng vấn từ một khách sạn tại Nhật - Ảnh: NVCC
Đối với Thu Thảo (nhân viên marketing), nguồn thông tin đáng tin cậy nhất là từ người quen, anh chị đi trước. Bạn cho biết: "Bước tìm hiểu này còn cho mình biết được tính chất, tầm nhìn và triển vọng của công ty đó, không chỉ về danh tiếng".
Các bạn cũng tích cực và chủ động đặt câu hỏi trong cuộc phỏng vấn với bộ phận tuyển dụng. "Mình luôn đặt 3 câu hỏi cho bộ phận tuyển dụng. Một là lý do họ chọn công ty này. Hai là công ty có sức hút gì đặc biệt so với công ty khác. Ba là công ty chú trọng điều gì ngoài chất lượng công việc", Minh thông tin.
Minh cho hay từ những câu hỏi trên, bạn có thể biết đánh giá đôi phần về cảm nhận thật sự của nhân viên và cốt lõi văn hóa doanh nghiệp.
Quan trọng không gian phát triển và tự do sáng tạo
Giá trị vật chất như lương, thưởng không phải mối quan tâm hàng đầu của nhiều bạn trẻ khi tìm việc. Họ chú ý nhiều đến tiêu chí liên quan đến tinh thần, cụ thể là cảm giác được sáng tạo linh hoạt, có không gian tự do phát triển.
Khác với Thư và Minh, Trần Quyên (chuyên viên marketing) không "kỹ tính" tìm hiểu doanh nghiệp trước, nhưng chủ động quan sát hoạt động công ty và cấp trên để đưa ra quyết định gắn bó. Trong một năm, Quyên đã nhảy việc ba lần.
Đối với Quyên, sếp phải giỏi chuyên môn mới giữ chân bạn được - Ảnh: NVCC
"Lương thu hút mình nộp đơn, nhưng sếp mới là tiêu chí quyết định khả năng gắn bó của mình với công việc. Sếp phải giỏi chuyên môn thì mới khiến mình nể, có cảm giác học hỏi và phát triển. Theo sếp giỏi mới có tương lai", Quyên khẳng định.
Tuy công việc trước trả lương cao so với mặt bằng chung của sinh viên mới tốt nghiệp, Quyên vẫn nghỉ vì sếp và đồng nghiệp đem lại cảm giác trì trệ, không thể phát triển. Trước khi nghỉ việc, Quyên cũng thẳng thắn góp ý với họ.
Xuân Huy (sinh viên Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM) thì chú trọng không gian sáng tạo, tự do linh hoạt và cảm giác được tôn trọng. Nếu lương cao, nhưng ý kiến cá nhân không được trọng dụng, Huy vẫn sẵn sàng đổi công việc khác. "Còn nếu lương cao quá, mình sẽ ráng làm một thời gian tầm 1-2 năm để kiếm vốn rồi làm riêng", Huy nói.
Tương tự, Thu Thảo thừa nhận nhảy việc khá nhiều để tìm kiếm không gian tự do, linh hoạt. Bạn cho hay nếu cấp trên không tạo điều kiện triển khai ý tưởng đột phá, thách thức, thì bạn dần mất động lực và tìm công việc khác.
Thách thức doanh nghiệp
Nhiều bạn trẻ hiện nay đề cao cảm xúc cá nhân, và kỹ tính chọn lựa doanh nghiệp, thách thức nhà tuyển dụng trong việc thu hút và giữ chân nhân tài.
Ông Lê Hồng Phúc, người sáng lập và chủ tịch CLB Nhân sự Việt Nam (VNHR), chia sẻ tại tọa đàm Gắn kết nhân viên trong trạng thái "bình thường mới" hôm 12-5: "Thế hệ lao động trẻ gen Y, gen Z thật sự có những tính cách và nhu cầu vô cùng khác. Điều này buộc bộ phận nhân sự phải thay đổi. Không đi theo cách truyền thống, doanh nghiệp phải dần có chính sách cá nhân hóa, dành cho từng nhóm đối tượng cụ thể, thậm chí từng cá nhân".
TTO - Chưa kịp vui mừng vì các hạn chế được nới lỏng, một số người trẻ Hàn Quốc cảm thấy ngán ngẩm với những buổi tụ tập sau giờ làm hoặc gặp gỡ cuối tuần.
Xem thêm: mth.87745856151502202-ceiv-mit-ihk-yt-gnoc-hcil-yl-art-ueid-nad-neid-oav-ert-iougn/nv.ertiout