Thị trường rơi không có nhịp hồi, nhà đầu tư khóc ròng vì lỗ nặng, nhiều người "cháy" tài khoản do dùng vốn vay (margin) cao từ các công ty chứng khoán. Nhà đầu tư càng bức xúc hơn khi chợt nhận ra từ khi thị trường đổ sập từ đỉnh 1.500 điểm xuống 1.182 điểm như hiện nay thì mọi thông tin về hoạt động tự doanh của các công ty chứng khoán đã bị đưa vào diện "bí mật". Bởi từ đầu tháng 3-2022, Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) đã dừng cung cấp gói dữ liệu tự doanh của công ty chứng khoán để "phục vụ việc rà soát, phát triển sản phẩm mới". Các chuyên gia cũng ngỡ ngàng vì trong bối cảnh thị trường chứng khoán cần sự minh bạch, nhà đầu tư càng có nhiều thông tin càng tốt nhưng giao dịch của khối tự doanh lại bỏ ngỏ một cách bất ngờ.
Trên thực tế, trong đợt giảm sốc của thị trường, đã có rất nhiều nhà đầu tư bị các công ty chứng khoán force sell cổ phiếu (bán giải chấp) vì chạm ngưỡng vay, dẫn đến mất trắng hoặc "cháy" tài khoản. Mã nào sẽ bị bán, mã nào cho vay nhiều và tỉ lệ vay của các tài khoản bao nhiêu, bộ phận quản lý tài khoản của các công ty chứng khoán nắm rõ. Điều này khiến nhà đầu tư đặt nghi vấn về sự liên hệ giữa việc không công bố dữ liệu giao dịch tự doanh và bộ phận tự doanh của các công ty chứng khoán biết thông tin này để chủ động giao dịch nhằm kiếm lợi nhuận? Tại sao nhà đầu tư mua số lượng lớn, cổ đông chiến lược đều phải công bố thông tin nhưng các công ty chứng khoán lại không phải công bố thông tin này?
Một chuyên gia tài chính chứng khoán nói ban đầu nhà đầu tư, các nhà chuyên môn còn lý giải được lý do thị trường giảm. Nhưng ở thời điểm hiện tại thì không ai dám lý giải vì diễn biến của thị trường không tuân theo quy luật nào, các phân tích cơ bản lẫn phân tích kỹ thuật đều không còn chính xác. Thậm chí, không ít người đặt nghi vấn thị trường đang bị "thao túng" khi nhiều phiên bị bán tháo không rõ nguyên nhân.
Theo quy định tại khoản 1 điều 72 Luật Chứng khoán, công ty chứng khoán được cấp phép thực hiện một, một số hoặc toàn bộ nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán gồm môi giới chứng khoán, tự doanh chứng khoán, bảo lãnh phát hành chứng khoán và tư vấn đầu tư chứng khoán. Cơ quan quản lý cũng nhìn nhận công ty chứng khoán được cấp phép hoạt động nghiệp vụ tự doanh, quản lý tài khoản khách hàng và tư vấn đầu tư chứng khoán có thể có xung đột lợi ích giữa công ty chứng khoán và khách hàng.
Để hạn chế, ngăn ngừa, Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn đã quy định công ty chứng khoán có nghĩa vụ ưu tiên quyền lợi và bảo vệ tài sản của khách hàng. Tuy nhiên, việc kiểm soát để công ty chứng khoán thực hiện nghĩa vụ "ưu tiên quyền lợi và bảo vệ tài sản của khách hàng" lại không dễ!
Tổng giám đốc một công ty chứng khoán ở TP HCM cũng thừa nhận việc minh bạch, tạo công bằng cho các nhà đầu tư với nhau là rất cần thiết. Quy định trong luật và theo thông lệ quốc tế, hoạt động tự doanh và môi giới của công ty chứng khoán là tách rời, không gộp chung. Nhưng thực tế ra sao, minh bạch, công khai và rõ ràng thế nào phải do cơ quan quản lý, giám sát mới có thẩm quyền kiểm tra. Nếu không kiểm soát tốt, rất khó biết được việc có sự trục lợi từ các thông tin này với nhau hay không.
Trong diễn biến mới nhất, Ủy ban Chứng khoán nhà nước và Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam đã yêu cầu các bên liên quan phải thực hiện công bố thông tin về giao dịch tự doanh của công ty chứng khoán. Đồng thời, cơ quan quản lý sẽ trình sửa đổi thông tư liên quan đến hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, theo các nhà đầu tư và chuyên gia, chỉ yêu cầu công ty chứng khoán phải tiếp tục công bố thông tin giao dịch tự doanh là chưa đủ. Những thiệt hại rất lớn của nhà đầu tư đã xảy ra nên chăng cần giải pháp mạnh tay từ cơ quan quản lý bao gồm cả điều tra có hay không sự mập mờ trên thị trường, sai - đúng cần được làm rõ!
Xem thêm: mth.44384820251502202-hnaod-ut-hcid-oaig-om-pam-yat-os/et-hnik/nv.moc.dln