Từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine, râm ran thông tin rằng phương Tây đang vận động để Nga bị loại khỏi các tổ chức kinh tài quốc tế như Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), nhóm 20 nền kinh tế lớn thế giới (G20)... Hệ quả sẽ thế nào với Nga và với thế giới một khi viễn cảnh này xảy ra?
Hội thảo về an ninh lương thực của WTO tổ chức ngày 26-4. Ảnh: WTO
Trả lời tờ Newsweek, chuyên gia William Reinsch thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) cho rằng việc bị loại khỏi WTO đương nhiên sẽ gây ra tác động đáng kể lên nền kinh tế Nga.
Ông giải thích rằng thông qua việc trở thành thành viên của WTO, các quốc gia sẽ có các quyền lợi nhất định, cụ thể là giao dịch thương mại với các quốc gia khác với mức thuế suất thấp.
Nếu Nga không phải là thành viên của WTO thì các nước phương Tây sẽ không bị ràng buộc phải áp dụng quy chế tối huệ quốc cho Nga. Điều này cho phép các nước này tăng thuế lên hàng nhập khẩu từ Nga và khiến sức cạnh tranh các mặt hàng này kém hơn.
Đồng quan điểm với ông Reinsch là chuyên gia Kristy Tsun-Tzu Hsu, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ASEAN - Đài Loan thuộc Viện Nghiên cứu kinh tế Chung Hoa (Đài Loan).
“Nếu Nga bị trục xuất khỏi các thể chế kinh tài quốc tế, Nga chắc chắn sẽ phải chịu những tác động tiêu cực tùy vào bản chất và chức năng của từng tổ chức. Ví dụ, có thông tin cho rằng Nga trong hơn chục năm qua đã không nhận được bất kỳ khoản vay nào từ WB và nếu nước này bị loại khỏi WB thì sẽ ít bị tổn thương hơn” - bà Kristy Hsu làm rõ hơn khi trả lời phỏng vấn của báo Pháp Luật TP.HCM.
Bên cạnh đó, chuyên gia Kristy Hsu còn phân tích ảnh hưởng đối với cộng đồng quốc tế khi Nga bị loại khỏi các tổ chức nói trên.
Bà lấy WTO để làm rõ: “Nếu Nga bị loại khỏi WTO thì sẽ gây hậu quả tới kinh tế của thành viên WTO khác, đặc biệt là các đối tác thương mại của Moscow. Chi phí thương mại sẽ tăng trong thời gian tới”.
Làm rõ ý này, ông Reinsch cho rằng khi Nga bị loại khỏi WTO, đồng nghĩa với việc các mặt hàng nguyên liệu từ Nga, bao gồm uranium phải chịu thuế suất cao. Khi đó, các nhà sản xuất ở châu Âu và Mỹ sẽ “chạy đua” để giành nguồn cung nguyên liệu giá rẻ, điều này gây ra sự gián đoạn nguồn cung và khiến giá thành của sản phẩm đội lên rất nhiều.
Ông André Liebich, chuyên gia về Chiến tranh lạnh tại Viện Sau đại học Geneva (Thụy Sĩ), cho rằng việc cô lập Nga ở các tổ chức, diễn đàn quốc tế làm suy yếu chủ nghĩa đa phương và không mang lại bất kỳ lợi ích lâu dài nào cho phương Tây.
Lý do Nga là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và là thành viên quyền lực trong hầu hết tổ chức quốc tế. Nếu cô lập hoặc tìm cách loại Nga khỏi các thể chế này thì các cuộc đàm phán ở Liên Hợp Quốc và các tổ chức khác sẽ bị đình trệ và trở nên khó khăn hơn.