Hiện nay, Việt Nam là một trong những quốc gia xuất khẩu lớn nhiều loại gia vị phổ biến như hạt tiêu, quả thảo, hành, tiêu, ớt, tỏi, sả, gừng… “Gia vị Việt Nam ngày càng được người tiêu dùng thế giới ưa chuộng. Ngay cả những thị trường khó tính như Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan, Đức... người dân cũng có thể sử dụng các loại muối chấm của Việt Nam hay các loại gia vị nấu, gia vị phở... Tôi hy vọng thị trường Mỹ sẽ mở ra một tương lai mới cho ngành gia vị Việt Nam” - ông Nguyễn Trung Dũng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm DH Foods, nói.
Thua Thái Lan ở khâu tiếp thị, quảng bá sản phẩm
Ông Nguyễn Trung Dũng kể những năm 1980 khi du học sinh ở Ba Lan ông nhận thấy hàng Việt Nam nói chung, gia vị nói riêng cực kỳ hiếm trên các kệ siêu thị, trong khi hàng Thái Lan lại rất nhiều. Sau đó, ông cùng nhóm bạn thành lập công ty xuất nhập khẩu nhưng để tìm được sản phẩm Việt Nam đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang châu Âu rất khó.
Nhiều sản phẩm gia vị Việt Nam ngày càng được đầu tư về mẫu mã bao bì phục vụ thị trường trong nước lẫn xuất khẩu. Ảnh: TÚ UYÊN |
Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao nhận định thị trường gia vị còn nhiều tiềm năng và có mức tăng trưởng hằng năm 4%-5%. Riêng năm 2021, ước tính vào khoảng 16-17 tỉ USD, dự đoán năm 2029 đạt 25 tỉ USD.
“Rất may, trong một lần mang mì ăn liền từ Việt Nam sang thì bạn bè rất thích, nên chúng tôi quyết định lần đầu tiên xuất khẩu mì Vifon sang Ba Lan. Tiếp đến chúng tôi xuất khẩu tương ớt, bún khô, phở khô sang thị trường này. Đến thời điểm hiện nay các sản phẩm gia vị như muối tôm, muối ớt… của Việt Nam đã có mặt ở Nhật Bản, Mỹ, Đức, Nga và nhiều thị trường khác” - ông Dũng kể.
Lãnh đạo Công ty cổ phần Thực phẩm DH Foods thông tin thêm hiện nay đang sản xuất và xuất khẩu hơn 100 sản phẩm gia vị như muối chấm, sốt chấm, các dòng gia vị nấu nướng. Đáng chú ý, khách hàng châu Âu chuộng thực phẩm vùng miền, được sản xuất công nghiệp và theo công thức tự nhiên.
“Công thức tự nhiên là tương lai của gia vị Việt Nam, bởi nếu các công ty Việt sử dụng hóa chất, hương liệu trong sản xuất gia vị sẽ thua Thái Lan. Mong sau này ngoài nhắc đến phở, cà phê, bánh mì của Việt Nam thì người nước ngoài còn biết đến các gia vị vùng miền” - ông Dũng nói.
Đại diện một số công ty Việt khác thừa nhận một số loại gia vị Việt Nam không hề thua kém gia vị Thái Lan. Có điều gia vị của Thái Lan được chế biến, làm tiếp thị, truyền thông tốt hơn Việt Nam nên chiếm ưu thế. Bà Ong Kim Ngân, Phó Giám đốc Công ty TNHH Khai thác thủy hải sản chế biến nước mắm Thanh Hà, nói từng có thời điểm ở thị trường châu Âu, tất cả nước mắm Phú Quốc đều là “Made in Thailan”, thậm chí có ghi tiếng Việt trên nhãn nhưng lại viết sai chính tả.
May mắn sau này nước mắm Phú Quốc đã có bảo hộ chỉ dẫn địa lý châu Âu nên tình trạng này giảm bớt. Không chỉ nước mắm mà nhiều sản phẩm gia vị đặc trưng khác của Việt Nam cũng tương tự. “Điều này khiến tôi trăn trở làm sao để thế giới biết đây là những sản phẩm đặc trưng của Việt Nam, được sản xuất tại Việt Nam chứ không phải của Thái Lan” - bà Ngân nói.
Đừng quên thị trường nội địa
Dù tiềm năng xuất khẩu gia vị rất lớn nhưng nhiều chuyên gia lưu ý không nên bỏ quên thị trường nội địa. Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Group Phan Minh Thông thông tin hiện công ty cung cấp nông sản, gia vị cho thị trường nhiều nước với khoảng 6.000 container tiêu/năm, doanh số 250-300 triệu USD. Nhưng điều làm ông trăn trở nhất là cà phê Việt Nam.
Bởi hằng năm công ty xuất khẩu 3.500 container cà phê, gia vị ra thị trường thế giới. Cà phê Việt được khách hàng thế giới đánh giá “rất tuyệt vời” nhưng họ lo ngại cà phê Việt trộn bắp, đậu nành. Đây là một trong những lý do khiến thế giới thường chỉ biết đến cà phê Colombia hay Lavata thương hiệu của Ý dù 70% cà phê thương hiệu này mua từ Việt Nam.
“Chúng tôi bán nhiều nông sản, gia vị ra thế giới và là một trong những đơn vị bán tiêu nhiều nhất vào thị trường Mỹ. Nhưng chợt nhớ, thật sự Việt Nam mới là thị trường lớn nhất. Nếu công ty không đóng góp, không cải thiện chất lượng từ hạt tiêu, cà phê ngon lành cho người Việt thì khó đòi hỏi người khác làm” - ông Thông nói.
Cùng nhìn nhận trên, bà Ong Kim Ngân, Phó Giám đốc Công ty Thanh Hà, cho biết thị trường ban đầu của công ty là xuất khẩu. Nhiều năm nhìn thấy các container nước mắm chất lượng cao nhất toàn xuất sang Nhật Bản nên bà cảm thấy chạnh lòng “vì sao sản phẩm chất lượng, ngon không dành cho người Việt”. Vì vậy, công ty “đi bằng cả hai chân”, tức vừa xuất khẩu vừa bán tại thị trường nội địa.
Tuy nhiên, khi bán tại thị trường nội địa gặp nhiều khó khăn do khách hàng chưa hiểu nhiều về nước mắm truyền thống. Họ nhận xét nước mắm mặn quá, không ngon mà giá lại cao nên những năm đầu bán ở thị trường nội địa toàn lỗ. Nay thì người dùng đã hiểu thế nào là nước mắm truyền thống.
Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM Lê Huỳnh Minh Tú cho rằng việc giới thiệu, biểu dương các sản phẩm gia vị đã chế biến và đang xuất khẩu tốt cũng là tạo động lực cho doanh nghiệp kinh doanh gia vị và thực phẩm phát triển bền vững. Đồng thời nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng qua trải nghiệm nông sản, gia vị Việt cũng như tiếp cận những sản phẩm chế biến sẵn.
Ngành công thương TP.HCM sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tìm kiếm nguyên liệu mới, phương thức chế biến mới, thị trường mới và tạo ra những bước tiến trong phát triển nông sản nói chung và gia vị nói riêng.
Học từ Thái Lan quảng bá hình ảnh thương hiệu
Theo chuyên gia thị trường Ngô Đình Dũng, lâu nay hình ảnh thương hiệu Việt Nam đều làm theo cách tự phát thông qua quảng bá từ các nhà hàng phở, bánh mì đường phố… nên tốc độ lan tỏa chưa cao. Muốn đẩy nhanh hình ảnh thương hiệu sản phẩm Việt Nam dễ dàng, nhanh hơn, cơ quan quản lý nhà nước cần có chương trình hỗ trợ như Thái Lan.
Chẳng hạn, ở giai đoạn đầu khi các doanh nghiệp nhỏ mở nhà hàng sẽ được chính phủ hỗ trợ quảng bá hình ảnh chuẩn, giúp nhà kinh doanh giảm được chi phí. Sau đó họ làm những hội thảo chuyên đề, đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm. Đây là giải pháp giúp giảm chi phí cho các công ty khởi nghiệp khi đưa sản phẩm ra thị trường.
“Tôi nghĩ Việt Nam có thể làm được nếu có chiến lược tốt. Hiện nay, chúng ta làm các chương trình xúc tiến mang tính ngẫu hứng hoặc chạy theo các chủ đề của nước ngoài và cũng không có sự chọn lọc” - ông Dũng nhận xét.