vĐồng tin tức tài chính 365

Thương nhớ đò dọc miền Tây - Kỳ 7: Con đò đến nẻo vui

2022-05-16 10:03
Thương nhớ đò dọc miền Tây - Kỳ 7: Con đò đến nẻo vui - Ảnh 1.

Bến vàm sông Trà Cú giờ không còn đò dọc, mà chỉ có chuyến phà ngang cho ai muốn qua lại nhanh đôi bờ - Ảnh QUỐC MINH

Sóng nước ì oạp vỗ vào bờ. Bên bến sông khuya, người lớn rì rầm bàn chuyện vụ lúa được – thất, mức đóng thuế tập đoàn và cả chuyện con cái đi học, ông bà già bệnh tật. Còn đám nhỏ thì ngồi co ro nhìn ra mặt sông lờ mờ dưới ánh trăng thượng tuần. Nhiều đứa ngáp ngắn ngáp dài vì buồn ngủ, nhưng cố mở mắt đợi bóng đò. Con đò dọc sẽ đưa chúng đến vàm sông, nơi có những chuyến xe hướng về Sài Gòn hay thị xã Tân An đông đúc người xe vui tươi và hàng hóa nhiều sắc màu…

Chuyến đò chạy lụt, lánh nạn chiến tranh

Tôi không phải dân gốc Long An, nhưng đã có cả một tuổi thơ từ năm 1976 đến năm 1989 ở vùng bưng biền biên giới huyện Đức Huệ, Long An. Ngày đầu nhà tôi đi kinh tế mới về vùng đất thấp toàn cây tràm rừng và cỏ bàng này, Nhà nước hỗ trợ chuyến xe chở người và đồ đạc về vàm sông Trà Cú, huyện Đức Hòa, để từ đó đi thêm chuyến đò dọc về vùng biên giới.

Ký ức chuyến đò dọc đầu đời xuôi về miền đất phèn của tôi chỉ là hình ảnh lờ mờ nhớ nhớ quên quên, nhưng những chuyến đò lên thì không thể phôi phai được. Ký ức của thằng bé về sống ở quê nhưng luôn vọng lên thành phố, nơi nó được sinh ra.

Và trong hàng trăm chuyến đò dọc ngược xuôi, tôi không thể nào quên được chuyến đò về thành phố năm 1978. Đó là năm miền Tây Nam Bộ bị lụt lớn, nhiều nông dân bị mất trắng miếng ăn vì đồng lúa chìm trong biển nước dâng nhanh từng ngày. Nghiêm trọng hơn là biên giới Việt Nam – Campuchia đã nghe ì ầm tiếng súng đạn chiến sự. Chuyến đò đưa người dân rời vùng bưng biền năm ấy đông người một cách khác thường. Ngoài những người chạy lụt, còn có những người chạy lánh chiến sự đang ngày càng nóng hơn.

Tôi nhớ buổi sáng chờ đò bên bến sông có cả những người chạy dạt từ Campuchia về. Hình ảnh để nhận ra họ là nước da đen đúa, quần áo rách rưới, một số người còn xin cơm ăn và xin cả tiền đi đò dù năm tháng đó ngay dân cố cựu ở địa phương cũng nghèo xác xơ. 

Con đò gỗ dài chừng hơn chục mét, ngang tầm hai mét chật cứng người. Ngày thường, chủ đò bắc hai thanh gỗ cặp mạn trong khoang đò làm ghế cho khách ngồi, khoảng trống giữa đò để đồ đạc, hàng hóa. Nhưng đợt đó, ông ta bắc thêm nhiều thanh gỗ ngang cho khách ngồi được nhiều hơn. Trong đò không đủ chỗ, hành khách ra ngồi cả ở mũi đò, đặc biệt là ngồi kín trên mui đò đóng bằng gỗ. Tôi cũng không hiểu người tài công lái kiểu gì khi trước mặt anh ta toàn là lưng hành khách mà đò vẫn quẹo bờ trái, bờ phải để đón, trả khách và đến bến cuối an toàn…

Ngày tháng ấy, từ bến đò Hội Đồng Sầm tôi đi, theo sông Trà Cú có hai tuyến đò chính từ nội bưng huyện Đức Huệ, Long An lên bến vàm Trà Cú của huyện Đức Hòa hoặc bến ở huyện Thủ Thừa. Ai đi hướng Hậu Nghĩa, Củ Chi lên Sài Gòn thì ra vàm Trà Cú. Còn người nào đi thị xã Tân An (giờ là thành phố Tân An, tỉnh Long An) hoặc đi tiếp lên Bến Lức, Sài Gòn, sẽ ngồi đò về hướng Thủ Thừa, thủy lộ này mất 3-4 tiếng tùy đò, trong khi ngã Trà Cú chỉ khoảng 2 tiếng.

Do đò nhỏ, hành khách nào cao lớn xuống khoang phải đi lom khom sợ đụng đầu, ngồi thì khép gối để khỏi vướng víu. Chủ đò lúc đó thường kiêm luôn tài công, trực tiếp đứng điều khiển máy gắn rời phía sau đuôi. Người phụ hay còn gọi lơ đò thì sắp xếp hàng hóa, chỗ ngồi cho khách, thu tiền vé, nhưng bận rộn nhất là cầm cây sào phụ điều khiển ra, vô đôi bờ đón – trả khách. Anh ta không lúc nào ngơi tay, vì cứ rảnh một chút lại phải chạy vào khoang tát nước. Những con đò gỗ ọp ẹp thời ấy hay bị rỉ nước vào trong, thậm chí xì thành tia nước, phụ đò phải cầm can hì hục tát ra ngoài.

Một hình ảnh nữa khiến tôi khó quên là máy đò, loại máy chạy dầu phun khói đen sì sì và rền tiếng từ rất xa đã nghe rõ. Sau này, tôi còn thấy người ta bê cả máy xe xuống chạy đò nhưng dành cho con đò tương đối lớn hiếm hoi. Và cảnh hành khách ngáp ngắn ngáp dài ngồi chờ chủ đò sửa máy "trở chứng" giữa sông là chuyện thường ngày. 

Thậm chí có lần, tôi còn thấy tự dưng xuất hiện hai cái máy Kohler nhỏ xíu phía sau để thay tạm cho máy tàu phải đưa đi sửa. Con đò dù nhỏ cũng nhồi nhét ít nhất năm, bảy chục hành khách cùng hàng hóa lỉnh kỉnh có tốc độ chậm như… người đi bộ khi chạy máy Kohler mà hồi đó hay gọi chung là "máy đuôi tôm" chỉ chạy xuồng nhỏ chở vài người đi chợ.

Thương nhớ đò dọc miền Tây - Kỳ 7: Con đò đến nẻo vui - Ảnh 2.

Sông xưa giờ đã bắc cầu, thông đường, những chuyến đò dọc năm nào chỉ còn là ký ức - Ảnh: THANH TUẤN

70km, 4 chặng đò, xe

Thời gian như nước trôi qua sông cùng bao dâu bể của thời cuộc hết khó khăn lại đến đói nghèo. Nhắc nhớ chuyện đò xưa, tôi vẫn còn ắp đầy kỷ niệm trong ký ức một thời là thằng nhỏ dãi dầu mưa nắng ở miệt bưng, luôn nôn nao đợi ngày hè được trở lại thành phố Sài Gòn. Từ bến đò Hội Đồng Sầm, tôi ngồi đò sớm về đến vàm Trà Cú để bắt chuyến xe lam lên Hậu Nghĩa, rồi thêm một chuyến xe lam nữa để đến Củ Chi, sau đó lại một chuyến xe nữa ngược quốc lộ 22 tới ngã tư Bảy Hiền gần nhà cũ của tôi ở Sài Gòn.

Đoạn đường chỉ gần 70km, tôi phải qua 4 chặng đò, xe, thậm chí có lần phải đi tới 5 chặng nếu ngày đó đi trúng chiếc xe lam cũ nát, "trở chứng" giữa đường không chịu chạy. Người trẻ thời nay nghe chuyện này chắc lè lưỡi, khó tin, nhưng ngày đó là thật, rất thật, thậm chí là may mắn nếu đón được đò, xe trở lại thành phố.

Trong tuyến đường quê lên phố này, tôi thích nhất là chặng ngồi đò dọc đầu tiên, bởi tôi bị say xe, say đến mức nhiều chuyến về đến nhà còn "cho chó ăn chè". Tháng ngày đó, đò nhỏ chạy sông nhỏ, tốc độ cũng rất chậm nên hầu hết đều an toàn, không bị tai nạn gì. Hiếm hoi đò bị lực lượng liên ngành chống buôn lậu yêu cầu dừng lại để kiểm tra. 

Lối thập niên 1980 còn "ngăn sông cấm chợ", tuyến đò này thỉnh thoảng có người mang lén dầu tràm (tinh dầu được nấu từ cây tràm rừng) và gạo. Đức Huệ hồi đó là vùng đất phèn quạch, nghèo xác xơ. Dưới bưng chỉ có con cá, cây tràm, cỏ bàng mọc dại là "sản vật", trên các giồng đất nhỏ đỡ phèn hơn thì cây lúa cũng cho năng suất thấp.

Hiếm hoi ai đó "khôn lanh" biết buôn lậu chỉ là lén mang một vài can dầu tràm hoặc bao gạo về thành phố. Nhưng trót lọt được chuyến đò sông, họ sẽ còn đối mặt với mấy trạm kiểm soát đường bộ ở Đức Hòa, Củ Chi. Ký ức trong tôi vẫn còn nhớ hình ảnh một bà già giằng co bao gạo với mấy anh công an. Bao gạo bị rách xổ vãi ra. Bà bị quy kết là dân buôn lậu, nhưng một hai thanh minh "tui chỉ mang gạo về cho con cháu ở thành phố ăn".

Hồi quá thiếu thốn miếng ăn đó, cái gì cũng quy ra gạo, ra lúa. Như chuyến đò tôi đi từ bến sông bưng đến vàm Trà Cú cũng trả số tiền tương đương với ba lít gạo. Sau này, cầu bắc qua sông, đường sá thông suốt cho xe cộ phóng vèo vèo, đâu mấy người còn nhớ cảnh bên bến sông đợi đò khuya…

Hành khách thời nay ngồi xe máy lạnh êm ru vẫn còn chê bai này nọ, kể cả tốc độ không ưng ý. Mấy ai biết mới cách đây 30 năm có những chuyến đò dọc miệt bưng biền này không nhanh hơn người đi bộ được mấy, khi đò chở khẳm ngược nước hay máy móc bị trục trặc. Tôi nhớ loáng thoáng hồi đó miệt này chỉ hai, ba nhà có khả năng đóng đò chở khách. Đò nhỏ, máy yếu có số tiền đầu tư quy ra vàng khoảng mười mấy lượng hoặc quy ra lúa "bảy, tám trăm giạ" như miệng ông chủ đò nói lúc khề khà xị mốt xị hai nên không biết chính xác cỡ bao nhiêu.

*****************

Lối sau mùa nước lụt năm 1978, vùng Đồng Tháp Mười xuất hiện một phương tiện chở khách trên các con kênh, có tên gọi ngộ nghĩnh: tắc ráng.

>> Kỳ cuối: Tắc ráng ơi

Thương nhớ đò dọc miền Tây - Kỳ 6: Bên bến sông đợi chuyến đò về Đất MũiThương nhớ đò dọc miền Tây - Kỳ 6: Bên bến sông đợi chuyến đò về Đất Mũi

TTO - Có thời, nhịp sống người dân vùng đất cực Nam đất nước gắn với những con đò cây chui ra khỏi cánh rừng đước. Những con đò này một thời là nguồn liên lạc duy nhất của vùng 'khỉ ho cò gáy này' với chợ búa, văn minh...

Xem thêm: mth.45391639061502202-iuv-oen-ned-od-noc-7-yk-yat-neim-cod-od-ohn-gnouht/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“Thương nhớ đò dọc miền Tây - Kỳ 7: Con đò đến nẻo vui”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools