100% mặt hàng tạp hóa tại chợ tăng giá
Trong các mặt hàng tạp hóa thiết yếu tại chợ, khoảng vài tháng qua, chỉ có dầu ăn, nước mắm tăng giá mạnh nhất. Tuy nhiên hiện hầu như tất cả mặt hàng tạp hóa tại chợ đều đã tăng giá.
Chủ sạp Thiện (chợ An Đông, Q.5) cho biết: Sạp chị có gần 100 mặt hàng tạp hóa thiết yếu, tất cả đều đã tăng từ 1.000 - 20.000 đồng/sản phẩm. Chẳng hạn bột ngọt Ajinomoto, Vedan mới tăng từ 28.000 đồng lên 30.000 đồng/gói 450g (tăng 4.000 đồng/kg).
Khách đang mua thực phẩm tại chợ Hòa Hưng (Q.10) - Ảnh: Thanh Hoa |
Các thương hiệu dầu ăn Simply, Cooking Oil, Neptune, Cái Lân, Happi Koki đều tăng giá chung một thời điểm. Đầu tháng Tư, giá dầu ăn Simply từ 62.000 đồng/lít tăng lên 64.000 đồng/lít, giờ là 70.000 đồng/lít; dầu Cái Lân từ 45.000 đồng/lít tăng lên 48.000 đồng/lít và nay là 50.000 đồng/lít. “Từ đầu năm 2022 đến nay, dầu ăn đã có 3 - 4 lần điều chỉnh giá, tổng cộng mức tăng từ 15.000 - 20.000 đồng/lít” - chủ sạp này nói.
Anh Vị - chủ sạp Hoa Phượng, chợ An Đông - thông tin thêm, mới đây các loại bột đã bắt đầu khan hiếm và tăng giá. Ví dụ giá bột mì, bột năng tăng từ 12.000 đồng lên 14.000 đồng/gói 400g (gần 5.000 đồng/kg). Một số sản phẩm làm từ bột mì như mì sợi (làm từ bột và trứng) tăng từ 45.000 đồng/kg lên giá 60.000 đồng/kg, mì gói thông thường tăng 9.000 đồng/thùng.
Dịp tết Nguyên đán vừa qua, giá đường cát tinh luyện Biên Hòa tăng mạnh khoảng 7.000 đồng/kg, lên 28.000 đồng/kg; đường cát thường tăng 2.000 đồng/kg, lên 20.000 đồng/kg nhưng sau tết, giá đường giảm và ổn định trong suốt vài tháng qua. Tuy nhiên hiện giá đường tinh luyện Biên Hòa đã tăng trở lại mức giống dịp tết là 28.000 đồng/kg, đường cát trắng là 20.000 đồng/kg.
Cách đây khoảng một tháng chỉ có nước mắm Chinsu, Liên Thành, Nam Ngư tăng giá, giờ thì có thêm thương hiệu Hưng Thịnh, Hồng Hạnh cũng đã thông báo tăng giá thêm 2.000 - 3.000 đồng/chai. Cà phê pha phin của Trung Nguyên cũng tăng thêm 6.000 đồng/kg. “Hàng hóa đồng loạt tăng giá khiến sức mua giảm sút hơn 50% so với lúc trước”, anh Vị nói.
Giá thực phẩm tăng, sức mua giảm
Vừa tấp xe vào sạp rau củ của chị Hà ở khu chợ nhỏ gần chung cư Hà Đô (Q.Gò Vấp), chúng tôi nghe chị thở dài: “Giá hàng tăng cao, khó bán quá. Khách chưa quen giá mới tưởng mình bán đắt, hỏi giá rồi rồ xe đi luôn”. Chị Hà cho biết hơn một tuần nay, giá mặt hàng nào cũng tăng từ 5.000 - 10.000 đồng/kg. Các loại rau phổ biến như mồng tơi, cải ngồng, cải thìa… trước đây giá bán lẻ 20.000 - 25.000 đồng/kg, giờ lên tới 30.000 - 35.000/kg. Khách chê mắc ít mua nên chị không dám nhập hàng nhiều.
Nhiều tiểu thương cho hay, do giá tăng việc buôn bán bị ảnh hưởng rất nhiều. Ảnh: Nguyễn Cẩm |
Theo chị Thu - bán rau củ tại chợ Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh) - giá sỉ các loại rau củ hiện đã lên 20.000 - 30.000 đồng/kg, giá bán lẻ từ 25.000 - 35.000 đồng/kg. Chị vừa nhập vào 3kg rau mồng tơi giá sỉ lên tới gần 30.000 đồng/kg. Giá khổ qua, cà chua, đậu que, bầu, bí… tăng ít hơn, khoảng 5.000 đồng/kg. Hiện, giá bán lẻ cà chua từ 40.000 - 60.000 đồng/kg, đậu que 35.000 - 40.000 đồng/kg, khổ qua 25.000 - 30.000 đồng/kg; bầu, bí 25.000 đồng/kg…
Chuyên nhập hàng từ quê Bình Định vào TPHCM bán, chị Hiền (chợ Bàn Cờ, Q.3) cho biết lấy lý do giá xăng dầu tăng, nhà xe tăng cước một thùng hàng từ 70.000 đồng lên 120.000 đồng. Dù muốn bán hàng giá tốt để giữ khách nhưng chị buộc lòng phải cộng thêm 50.000 đồng cước phí này vào giá bán lẻ, chưa kể giá sỉ hàng nhập vào đã tăng ít nhất 5.000 - 10.000 đồng/kg. Hiện giá bán lẻ rau, củ, hành, tỏi, bánh hỏi, bánh bèo… tăng 10.000 - 15.000 đồng/kg.
Bán đặc sản Bình Thuận cả kênh trực tiếp và online, chị Hà (chợ Rạch Ông, Q.8) cho biết do thời tiết xấu, hàng khan hiếm nên giá bị đẩy cao khoảng 10 - 20%. Cộng thêm cước vận chuyển tăng khoảng 20 - 25% khiến giá bán lẻ tăng từ 20 - 25%, khách chưa quen nên ít mua, hàng bán chậm.
Tăng giá nhiều nhất là các loại cá kèo, cá bớp… Anh Tân - chuyên doanh thủy hải sản tươi sống ở chợ Rạch Ông - cho hay: cá kèo trước giá sỉ 170.000 - 180.000 đồng/kg, giờ bán lẻ 400.000 đồng/kg. Cá bớp nguyên con giá sỉ trước 190.000 - 200.000 đồng/kg, giờ giá bán lẻ nguyên con 250.000 đồng/kg; khứa nạc giá 380.000 - 400.000 đồng/kg. Tôm, mực các loại cũng tăng giá từ 10.000 - 20.000 đồng/kg, giá bán lẻ mực ống 260.000 đồng/kg, tôm sú từ 230.000 - 270.000 đồng/kg. “Giá cao quá tôi chỉ dám nhập vào 5kg mỗi loại, bán chỉ lời khoảng 10.000 đồng/kg. Các loại cá kèo, cá bớp khách dặn trước tôi mới dám lấy hàng. Chợ đã vắng khách mà giá hàng hóa còn tăng cao, khó bán”, anh Tân nói.
Tiểu thương kinh doanh thủy hải sản ở chợ Gò Vấp, Tân Sơn Nhất (Q.Gò Vấp) cũng cho biết giá các loại cá nục, cá thu, cá ngừ, tôm, mực… cũng tăng từ 10.000 - 20.000 đồng/kg. Giá cá thu 220.000 đồng/kg cắt lát, nguyên con 190.000 đồng/kg; cá ngừ nguyên con 70.000 - 90.000 đồng/kg; cá ngân 90.000 đồng/kg; cá chim 120.000 đồng/kg; mực ống 180.000 - 270.000 đồng/kg; tôm thẻ từ 150.000 - 220.000 đồng/kg… Các loại cá biển có giá dưới 100.000 đồng/kg được khách chọn mua nhiều, còn các loại cá đắt tiền nói trên khi có khách đặt hàng tiểu thương mới dám lấy hàng.
Đại diện chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức cho biết tổng lượng rau củ quả về chợ giảm nhiều so với trước dịch COVID-19, từ 3.200 - 3.300 tấn/đêm còn 2.200 - 2.300 tấn/đêm, vào ngày lễ, rằm, lượng hàng tăng thêm khoảng 500 - 600 tấn/đêm. Dù cước vận chuyển tăng nhưng sức mua yếu nên thương nhân không tăng giá sỉ. Chỉ một số loại rau xanh tăng giá khoảng 3.000 - 5.000 đồng/kg do ảnh hưởng thời tiết ở một số vùng trồng. Đại diện chợ đầu mối Bình Điền cho biết, hiện lượng hàng hóa về chợ đã khôi phục lại bình thường so với thời điểm trước dịch COVID-19 là 2.000 tấn/đêm. Giá tại chợ vẫn ổn định.
Nguyễn Cẩm - Thanh Hoa
Xem thêm: lmth.1573641a-hnam-gnat-mahp-cuht-aoh-gnah-aig/nv.moc.enilnounuhp.www