Mới đây, tại tọa đàm "Bứt tốc ngành F&B hậu Covid-19" do iPOS.vn và ngân hàng KBank tổ chức, các khách mời đã có những thảo luận vô cùng thẳng thắn về cơ hội của ngành ẩm thực và đồ uống (F&B) hậu Covid.
Nhận định sự ảnh hưởng Covid-19 tới ngành F&B
Theo chia sẻ của bà Nguyễn Trúc Chi, CEO Green F&B, chuyên gia tư vấn ngành F&B với 25 năm kinh nghiệm, bà nhận định ngành F&B dù bị ảnh hưởng nặng nề, nhưng đã kịp thời thích nghi tốt với thời cuộc. Tuy nhiên, thách thức đặt ra tại điều kiện bình thường mới, doanh nghiệp gần như cạn kiệt nguồn vốn để trụ vững và giữ được đội ngũ nhân sự. Tuy nhiên, đây chính là cơ hội của những nhà đầu tư mới, họ có thể mua lại cổ phần doanh nghiệp với giá rẻ nhất, hoặc thuê lại những mặt bằng đẹp với giá mềm hơn so với trước kia.
Với diễn viên Lan Phương – CEO Lalina Kids Café, doanh nghiệp của cô hiện cũng gặp nhiều thách thức hậu Covid-19, đặc biệt là thói quen ăn ngoài và nhu cầu tiêu dùng của khách hàng giảm trong thời gian qua. Lo ngại có thêm một biến chủng mới cũng luôn thường trực trong các kịch bản mà Lan Phương cùng các cộng sự phác thảo, tuy vậy cô nhấn mạnh rằng, bất kỳ doanh nghiệp F&B nào cũng đã thích nghi tốt hơn, và sẵn sàng đối mặt với bất kỳ khó khăn không lường trước sắp tới.
Diễn viên Lan Phương – CEO Lalina Kids Café.
Đồng quan điểm với 2 diễn giả, ông Vũ Thanh Hùng – CEO iPOS.vn, cũng nhấn mạnh vào thói quen dịch chuyển tiêu dùng sang kênh trực tuyến. Tuy nhiên, đứng trên góc độ của một doanh nghiệp công nghệ, ông Hùng nhận định: "Cần phải biến công nghệ đơn giản nhất có thể, sao cho việc áp dụng trở nên dễ dàng hơn cho tất cả khách hàng. Bên cạnh đó, nguồn lực cũng cần phân bổ hợp lý, như kênh này bán món nào, kênh tự bán sẽ truyền thông ra sao,… việc phân bổ như vậy giúp cho doanh nghiệp duy trì và sống sót trong đợt dịch".
Cả 3 diễn giả cũng đồng quan điểm rằng, các nhóm khách hàng thu nhập cao không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi đại dịch, và thậm chí còn có xu hướng tăng lên, để bù đắp cho những ngày tháng "bó chân" tại nhà. Nhóm khách hàng thu nhập trung bình gặp nhiều ảnh hưởng hơn về tài chính cá nhân, tuy vậy lại có xu hướng sử dụng dịch vụ giải trí mạnh hơn trong tương lai, do khối lượng công việc sau dịch của nhóm khách này có phần quá tải. Tựu trung, văn hoá thưởng thức ẩm thực và café bên ngoài vẫn là trải nghiệm tuyệt vời mà mọi người đều không thể có khi ở nhà.
Chiến lược phục hồi & phát triển sau cơn đại dịch Covid-19
Ảnh hưởng nặng nề là vậy, tuy nhiên nhà hàng của diễn viên Lan Phương vẫn đặt tôn chỉ là giữ an toàn vệ sinh một cách tối đa, thường xuyên lau bằng dung dịch sát khuẩn, và xịt khuẩn toàn bộ không gian vào cuối ngày. Được biết, mô hình Premium Kids Café (Khu vui chơi trẻ em kết hợp nhà hàng và quán café) của bà đón nhận rất nhiều lượt thăm quan từ các bạn nhỏ, đây là nhóm độ tuổi dễ bị tổn thương do sức đề kháng còn yếu, và chưa được tiêm vắc xin phòng chống dịch Covid-19. Coi đó là chiến lược một cách lâu dài, bà mong muốn mọi gia đình đều cảm thấy yên tâm khi đến với không gian của nhà hàng.
Với bà Trúc Chi, bà cũng thẳng thắn nhận định về điểm yếu lớn nhất của ngành này, là không có một hiệp hội chính thức nào cả. "Có những hiệp hội nhỏ như hội Bartender Việt Nam, Hội Đầu bếp Việt Nam,… nhưng chưa có hiệp hội chính thức nào dành cho chủ nhà hàng, café cả. Hơn nữa, pháp lý Kinh doanh của doanh nghiệp ngành này cũng vô cùng đa dạng, từ hộ kinh doanh cá thể, công ty TNHH, công ty Cổ phần, thậm chí nhiều người chủ còn không đăng ký kinh doanh, dẫn đến sự khó khăn trong quản lý và sự trợ giúp từ chính phủ" – Bà Trúc Chi nhận nhận định.
Bà cũng đánh giá, nhiều mô hình Kinh doanh chưa có kế hoạch và hạch toán tài chính cụ thể, cũng khó có thể tiếp cận được các nguồn vốn vay từ Ngân hàng và các tổ chức tài chính. Theo bà Trúc Chi, hầu hết các doanh nghiệp F&B vừa và nhỏ hiện tại vẫn huy động vốn từ người thân và bạn bè, hoặc vay ngân hàng theo hình thức tiêu dùng cá nhân, chứ không từ hoạt động kinh doanh của mình.
Khó khăn là vậy, tuy nhiên 3 diễn giả đều đánh giá vô cùng tích cực về ngành F&B trong tương lai gần.
Với diễn giả Vũ Thanh Hùng, ông thấy được một vài yếu tố chuyển đổi số ngành này đã trở thành tiêu chuẩn cho bất kỳ nhà hàng mở mới nào, như hệ thống máy tính tiền, kiểm tra báo cáo real-time (Theo thời gian thực). Ông nhận định, công nghệ đang làm rất tốt nhiệm vụ, là đưa trải nghiệm tới khách hàng mạnh mẽ hơn, và giúp doanh nghiệp phát triển thêm nhiều nguồn doanh thu. "Tôi hoàn toàn có thể đặt món ăn vỉa hè quen thuộc, mà không phải cất công đến tận nơi như trước nhờ các ứng dụng giao đồ ăn trực tuyến", ông Hùng lấy ví dụ. Ông dự đoán nửa cuối năm 2022 và đầu năm 2023 sẽ là sự bùng nổ và phát triển rất mạnh mẽ.
Ông Vũ Thanh Hùng – CEO iPOS.vn.
Với diễn viên Lan Phương, cô thấy được nhu cầu rất lớn của khách hàng, khi càng ngày nhiều bố mẹ mong muốn con được vui chơi ở nơi nào sạch sẽ, và trải nghiệm ẩm thực ngon nhất có thể. Trải nghiệm tại chỗ và sự gắn kết gia đình thì rất quan trọng, bà tin rằng lượng khách sẽ tăng trưởng trong thời gian tới.
Với diễn giả Trúc Chi, bà nhận thấy chưa bao giờ chứng kiến được sự cân bằng giữa các doanh nghiệp F&B Việt Nam và quốc tế. Người làm F&B tại Việt Nam bắt đầu có tư duy kinh doanh rõ ràng hơn, chứ không phải là thích thì ra kinh doanh như trước, đây cũng có thể coi là tín hiệu tốt. Theo bà nhận định, giữa năm 2023, ngành F&B sẽ trở về với doanh số như đầu năm 2020.
http://tintuc.vdong.vn/05/1351485.htmKiều Anh
Theo Nhịp Sống Kinh Tế