Các cuộc biểu tình trên khắp Iran vì giá lương thực tăng cao trong tuần qua đã khiến 5 người thiệt mạng, đài RT đưa tin hôm 15-5. Hiện phía chính quyền Tehran vẫn chưa xác nhận về bất kỳ vụ thương vong nào.
RT dẫn một số bài viết trên mạng xã hội cho thấy kể từ ngày 13-5 đã có 5 người thiệt mạng trong các cuộc biểu tình ở Iran. Một đoạn video chưa được xác minh được đăng tải trên Twitter cho thấy khoảnh khắc một trong số những người biểu tình bị bắn.
Người dân Iran đổ xuống đường biểu tình phản đối quyết định cắt giảm trợ cấp nhập khẩu thực phẩm của chính phủ. Nguồn: TWITTER |
Trường hợp tử vong đầu tiên được báo cáo vào ngày 13-5, là một thanh niên 21 tuổi có tên là Omid Soltan. Trường hợp này được cho là đã bị lực lượng an ninh ở TP Andimeshk (miền tây Iran) bắn chết.
Các cuộc biểu tình chống chính phủ đã nổ ra ở khắp các thành phố trên toàn Iran như Dorud, Farsan, Jooneghan, Borujerd, Cholicheh, Dehdasht và Ardebil. Một số cuộc biểu tình đã trở nên hỗn loạn khi người dân đốt cháy nhiều cửa hàng.
Theo hãng thông tấn IRNA, lực lượng an ninh cũng đã bắt giữ hàng chục người tham gia biểu tình.
Tình hình bất ổn tại quốc gia này bùng phát sau quyết định của chính phủ cắt giảm trợ cấp nhập khẩu thực phẩm, như một phần của kế hoạch “thắt lưng buộc bụng” do Tổng thống Ebrahim Raisi công bố hồi đầu tuần.
Việc loại bỏ trợ cấp nhập khẩu thực phẩm đã khiến giá các mặt hàng thường ngày như dầu ăn, thịt gà, trứng và sữa tăng lên gấp 300%.
Tình trạng hỗn loạn tại một cửa hàng thực phẩm ở Iran. Nguồn: INSTAGRAM |
Chính quyền Tehran đang cố gắng hết sức để cứu vãn nền kinh tế đất nước vốn đang bị tàn phá trầm trọng trước các lệnh trừng phạt của phương Tây, cũng như tình trạng lạm phát tăng cao sau cuộc xung đột ở Ukraine.
Iran đã cam kết sẽ hỗ trợ tiền mặt hàng tháng nhằm giúp người dân có thu nhập để đối phó với tình trạng lạm phát tăng cao, tuy nhiên hiện người dân nước này vẫn đang phải vật lộn để có thể mua được những mặt hàng cơ bản mỗi ngày.
Hàng hóa tại Iran thời gian này chẳng những giá cao mà còn khan hiếm. Các cửa hàng thực phẩm trên khắp Iran khoảng thời gian gần đây thường xuyên phải đối mặt với tình trạng người dân xếp hàng dài chờ để được mua hàng.
Kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine vào cuối tháng 2, giá lương thực đã tăng chóng mặt trên toàn cầu, làm dấy lên mối lo ngại về một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu.
Nga và Ukraine là hai trong số các nhà xuất khẩu nông sản lớn nhất thế giới. Theo Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), Kiev và Moscow chiếm 53% sản lượng xuất khẩu dầu và hạt hướng dương cũng như chiếm 27% sản lượng lúa mì toàn cầu.
UNCTAD cảnh báo việc giá lương thực và nhiên liệu tăng “sẽ ảnh hưởng đến những người dễ bị tổn thương nhất ở các nước đang phát triển, gây áp lực lên các hộ gia đình nghèo dành phần thu nhập của họ cho việc mua lương thực, dẫn đến khó khăn và đói kém”.