Trong phòng khách một ngôi nhà ba tầng ở thị trấn Koodathayi, bang Kerala, treo trang trọng bức ảnh một người phụ nữ xinh đẹp tươi cười rạng rỡ. Người trong ảnh là bà chủ nhà, Jolly Joseph.
Bà Jolly sinh ra trong gia đình giàu có, song từ nhỏ đã có vấn đề về đạo đức, bị đuổi học vì tội trộm cắp khi đang học đại học. Jolly che giấu quá khứ này, nói dối tốt nghiệp cao học tại một trường nổi tiếng. Năm 1997, Jolly gặp Roy Thomas, con trai của một gia tộc giàu có khác và kết hôn một năm sau.
Gia tộc Thomas rất được tôn trọng, vì họ có rất nhiều ruộng đồng và cha mẹ của Roy đều là cán bộ sở giáo dục bang Kerala về hưu. Trong nhà ngoài con trưởng Roy còn có một con gái là giáo viên ngoại ngữ và con trai út làm việc tại Mỹ. Mọi thành viên trong nhà đều là tầng lớp tinh anh của Ấn Độ. Không ai ngờ được rằng trong vòng 14 năm sau đó, sáu thành viên trong gia tộc lần lượt bị đầu độc chết. Thủ phạm, không ai khác, chính là nàng dâu, Jolly Joseph.
Nạn nhân đầu tiên của Jolly là mẹ chồng, Annamma, người cầm quyền thực tế của gia tộc, đặc biệt là trên phương diện tài chính. Bà có quyền quyết định tuyệt đối đối với mỗi một khoản chi tiêu trong gia đình, điều này làm cho Jolly rất không thoải mái.
Lúc đầu Jolly không có việc làm, bà Annamma cảm thấy khác thường, vì sao một thạc sĩ lại không tìm được việc? Jolly do đó làm giả thẻ công tác giáo sư học viện khoa học kĩ thuật Calicut, hàng ngày đều đi làm đúng giờ. Nhưng Jolly rất sợ thân phận giả bị lộ tẩy, vì vậy quyết định phải khống chế quyền lực tối cao của gia tộc này. Ngày 8/8/2002, Annamma chết sau khi ăn một bát canh thịt cừu Jolly múc cho. Bà có bệnh nền nên người nhà cho rằng là bệnh cũ đột phát.
Sau khi mẹ chồng chết, Jolly trở thành nữ chủ nhân của gia tộc. Jolly là người thông minh, hướng ngoại, rất giỏi xử lí công việc, đồng thời có quan hệ rộng rãi cả trong và ngoài gia tộc, được mọi người đều yêu quý.
Sau khi nắm quyền tài chính, Jolly mua cho mình một chiếc xe mới, buổi sáng hàng ngày lái xe giả vờ đi làm, buổi tối về nhà. Thời gian này chồng Jolly là Roy bắt đầu nghiện rượu, không làm gì. Bố chồng bán một phần ruộng đồng được 1,8 triệu rupee cho con trai làm ăn.
Chồng Jolly dùng số tiền này kinh doanh một cửa hàng dầu nhớt và một hiệu may nhưng đều thua lỗ, khiến bố rất không hài lòng. Ông nói sẽ không cho con trai một phần nào trong toàn bộ số đất đai còn lại nữa.
Jolly rất tức giận, ngày 26/8/2008 cho thuốc độc vào bát cháo của bố chồng song mọi người cho rằng ông chết do bệnh tim phát tác. Tại Ấn Độ người chết gần như không bao giờ được khám nghiệm tử thi, bởi vì văn hóa truyền thống Ấn Độ cho rằng khám nghiệm tử thi là sự xúc phạm đối với người đã khuất.
Sau khi lặng lẽ giết bố mẹ chồng, Jolly chọn chồng mình là mục tiêu kế tiếp. Jolly và Roy đã kết hôn nhiều năm, sinh được hai đứa con trai nhưng tình cảm không còn lại gì. Jolly cho rằng Roy là kẻ nát rượu, không biết làm ăn, không đáng để mình gửi gắm cả đời. Jolly muốn làm vợ một người đàn ông kinh tế ổn định. Người được cô ta để mắt là Shaju, anh họ của Roy, đã có vợ con. Shaju là giáo viên cấp ba, điều kiện kinh tế rất tốt.
Ngày 30/9/2011, Jolly cho thuốc độc vào cơm cà ri của chồng. Roy chết trong phòng tắm. Lần này bởi vì người chết còn trẻ khỏe, người cậu của Roy nhất quyết yêu cầu khám nghiệm tử thi. Kết quả khám nghiệm cho thấy trong thi thể có kali xyanua - chất hóa học thường dùng trong khai thác quặng và chế tạo kim hoàn.
Jolly khóc lóc nói là chồng tự tử, bởi vì Roy nợ nần đầm đìa. Jolly khẩn cầu cảnh sát không tiếp tục điều tra làm gia tộc phải hổ thẹn nữa. Bởi vì thanh danh hoàn hảo và màn biểu diễn xuất sắc của Jolly, mọi người đều tin tưởng bà ta.
Nhưng lúc này, Jolly quyết định người tiếp theo phải chết sẽ là ông Mathew, em trai của bà mẹ chồng Annamma, cũng chính là người đòi khám nghiệm tử thi khi Roy chết.
Ngày 24/2/2014, Mathew chết sau khi uống một li whisky đã qua tay Jolly. Mọi người cho rằng nguyên nhân do bệnh tim. Bốn thành viên trong gia tộc liên tiếp đột tử, mọi người đều cho rằng gia tộc này bị nguyền rủa, Jolly đương nhiên rất ủng hộ cách nói này.
Người bị hại thứ năm là Alphine. Alphine là con gái của người anh họ Shaju, mới được hai tuổi. Ngày 3/5/2014, trong một buổi tụ tập gia đình, sau khi ăn một miếng bánh mì, Alphine đỏ mặt lên rồi tắt thở. Bác sĩ cho rằng là chết nghẹn, thực ra là Jolly đã bôi thuốc độc lên môi bé gái này.
Người bị hại thứ sáu chính là mẹ cô bé Alphine. Do muốn cưới anh họ Shaju, Jolly xác định chướng ngại duy nhất, chỉ còn chị dâu, Sily. Ngày 11/1/2016, Sily đang đợi khám bệnh trong một phòng nha khoa tư nhân thì "tình cờ gặp" Jolly. Jolly rót cho Sily một cốc nước. Sau khi uống nước xong, Sily ngã xuống. Đương nhiên cũng không ai yêu cầu khám nghiệm tử thi.
Năm 2017, sau một thời gian qua lại, cuối cùng Jolly tái hôn với Shaju. Hai năm sau, tội ác của Jolly bại lộ từ việc tranh chấp tài sản thừa kế. Sau khi chồng qua đời năm 2011, Jolly đưa ra một bản di chúc của bố chồng, nói để lại ngôi nhà cho Roy và Jolly, toàn bộ đất đai còn lại được chia đều cho ba người con.
Di chúc không ghi ngày tháng, cũng không có nhân chứng ký tên. Em trai và em gái của Roy nghi ngờ, khiếu nại với cảnh sát. Trải qua gần 9 năm điều tra, cảnh sát Ấn Độ phát hiện bằng đại học và thạc sĩ của Jolly là giả, việc giảng dạy tại đại học cũng là giả, ngoài ra còn phát hiện rất nhiều vấn đề xung quanh cái chết của những người trong gia đình.
Tháng 10/2019, Jolly bị bắt khi 47 tuổi. Bà ta thừa nhận làm giả giấy tờ, sử dụng kali xyanua giết chết sáu người nói trên. Hai đồng lõa của Jolly cũng bị bắt, chính là nhân tình của Jolly, chủ một cửa hàng kim hoàn và một người thợ kim hoàn đã cung cấp kali xyanua cho Jolly.
Bởi vì tính phức tạp, liên quan nhiều người, vụ án đến nay vẫn đang trong quá trình điều tra.
Khang Diệp (Theo Toutiao)
Xem thêm: lmth.7573644-ca-meih-uad-gnan-yat-ioud-iab-iul-oc-uaig-cot-aig/ten.sserpxenv