Sở GD&ĐT TP.HCM đang tiếp tục lấy ý kiến cho dự thảo ban hành nghị quyết quy định mức học phí đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập từ năm học 2022-2023.
Bên cạnh đồng tình việc cần áp dụng mức học phí mới, nhiều ý kiến cũng cho rằng cần có những phương án giảm dần gánh nặng tiền trường cho phụ huynh, học sinh (HS), hỗ trợ được những em khó khăn.
Tăng học phí, các khoản thu khác có được giảm?
Ủng hộ khung học phí mới, bà Nguyễn Thị Vân, Hiệu trưởng Trường Mầm non Anh Đào (quận Gò Vấp), cho biết mức học phí nhiều năm nay rất thấp khiến việc chi trả cho các hoạt động, chăm lo đội ngũ, đầu tư trang thiết bị dạy học rất hạn chế, chi tiêu phải gói ghém. Vì học phí thấp nên dù trường được giữ lại 60% để chi các hoạt động trong trường nhưng cũng không dám chi nhiều.
“Có những đồ dùng, đồ chơi rất cũ kỹ nhưng không dám mua, ngân sách nhà nước chi sửa chữa mua sắm hằng năm cũng rất hạn chế nên chủ yếu tự trường phải xoay xở. Vì vậy, học phí tăng lên là rất cần thiết, trường sẽ có thêm nhiều nguồn kinh phí để đầu tư, cải cách tiền lương, nâng cao chất lượng nuôi dạy trẻ hơn” - bà Vân bày tỏ.
Học sinh Trường Mầm non 19-5, quận 1, TP.HCM trong giờ học. Ảnh: NGUYỆT NHI |
Ở góc độ quản lý, lãnh đạo một trường THCS tại TP Thủ Đức cho rằng việc tăng học phí từ 60.000 đồng/tháng lên 300.000 đồng/tháng là tin vui với các trường, dù thông tin này không phải mới vì đã được Chính phủ ban hành từ đầu năm học này.
“Học phí thấp khiến các trường rất áp lực, triển khai công việc gì cũng phải xin kinh phí, chờ ngân sách duyệt, mà có khi chờ cả năm không có. Không xin từ Nhà nước thì xin từ phụ huynh, rất vất vả. Giờ thấy tăng học phí dù chưa phải cao nhưng cũng yên tâm hơn” - vị này bày tỏ.
Tuy nhiên, ở góc độ phụ huynh, mức học phí mới sẽ thêm áp lực không nhỏ vì ngoài học phí, phụ huynh phải đóng nhiều khoản tiền khác cho bán trú hoặc học buổi hai mà không phải ai cũng có điều kiện theo học.
Theo vị này, học phí tăng, việc kéo giảm các khoản thu khác sẽ rất khó hoặc giảm không đáng kể. Vì các khoản thu thỏa thuận hiện nay các trường thực hiện theo quy định và thỏa thuận với phụ huynh, chỉ đủ đáp ứng hoạt động tăng thêm cho HS.
“Trường cũng đang trông chờ mức phân bổ từ học phí mới cho trường là bao nhiêu. Nếu thu cao mà trích cho trường ít cũng sẽ rất khó cho trường, nếu được trích cao, trường dồi dào kinh phí sẽ ít nhiều hỗ trợ được thêm cho HS ở các khoản thu khác như bồi dưỡng HS, hỗ trợ HS khó khăn…” - vị này chia sẻ.
Ở một góc nhìn khác, phó hiệu trưởng trường tiểu học ở quận 12 cho rằng Sở GD&ĐT đề xuất học phí tiểu học ở nhóm 1 là 300.000 đồng/tháng và nhóm 2 là 100.000 đồng/tháng để làm căn cứ hỗ trợ HS tư thục ở địa bàn chưa đủ trường tiểu học công lập và các HS tiểu học tư thục thuộc đối tượng được hưởng chính sách miễn, giảm học phí theo quy định là quá thấp.
Theo phó hiệu trưởng này, như quận 12 hằng năm rất áp lực về chỗ học cho HS vì dân cư đông mà trường công lập hạn chế. Khi đó, các trường tư hỗ trợ sẵn sàng đón các em tiểu học vào học. Chi phí các trường tư bỏ ra rất lớn, môi trường và điều kiện học so với trường công cũng cao hơn nên mức hỗ trợ đề xuất của TP là quá thấp, gây khó khăn cho các trường.
Sẽ tiến tới chỉ còn một khoản thu trong trường học
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Cao Thanh Bình, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội (HĐND TP.HCM), cho biết thực chất, dự thảo mức học phí đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập mà Sở GD&ĐT TP.HCM đang lấy ý kiến là thực hiện theo đúng Nghị định 81/2021 của Chính phủ. Quan điểm của TP là lấy mức thấp nhất trong khung quy định chứ không thể thấp hơn.
Theo ông Bình, lẽ ra TP phải xây dựng khung học phí từ năm 2021 đến năm 2025 nhưng do năm qua TP bị ảnh hưởng nặng từ dịch COVID-19 nên ban có đề nghị Sở GD&ĐT trình đề xuất một năm học và TP đã chủ trương miễn học phí cho HS.
Vì vậy, năm nay, sở tiếp tục trình mức học phí cho năm học tới theo đúng quy định. Đồng thời, ban cũng đề nghị Sở GD&ĐT phải nghiên cứu, đánh giá lại tác động đến xã hội.
Ông Bình cho biết TP rất đắn đo khi đưa ra khung học phí mới với mong muốn chất lượng giáo dục ngày càng được nâng cao hơn, đội ngũ được chăm lo hơn.
“Theo tôi, học phí tăng sẽ tăng thêm nguồn để đào tạo, bồi dưỡng cho HS khá giỏi hoặc phụ đạo cho những HS còn yếu kém với mục đích cuối cùng là ngày càng kéo giảm việc các em phải học thêm. Từ đó từng bước hướng tới chỉ còn một khoản thu chính thống trong trường học chứ không phải nhiều khoản như hiện nay” - ông Bình chia sẻ.
Tuy nhiên, theo ông Bình, để hạn chế gánh nặng cho phụ huynh từ việc tăng học phí, Ban Văn hóa - Xã hội sẽ cùng với ngành giáo dục tiếp tục tăng cường giám sát, quản lý việc thực hiện thu chi tại các trường để làm sao đúng quy định, không xảy ra tình trạng lạm thu. Những khoản nào các trường thu xếp được thì không nên thu của phụ huynh. Và nhất là trong thời điểm khó khăn như hiện nay, các trường không nên tăng các khoản thu khác.
Với HS khó khăn, hộ nghèo, cận nghèo, diện chính sách, TP đều thực hiện miễn, giảm học phí theo quy định. Các địa phương, các đơn vị giáo dục, hội đoàn cũng có nhiều chương trình an sinh xã hội, học bổng hỗ trợ trực tiếp cho HS để đảm bảo không có bất kỳ HS nào phải nghỉ học vì khó khăn.
“Ban Văn hóa - Xã hội đang yêu cầu Sở GD&ĐT phải nghiên cứu, đánh giá lại tác động đến xã hội, tính toán lại dự toán thu chi. Trong đó, xem xét nguồn ngân sách của TP khả năng đến đâu, miễn, giảm học phí được đến mức nào để có phương án tính toán chính sách hỗ trợ phù hợp. Quan điểm của TP là không để bất kỳ HS nào phải nghỉ học vì học phí hay gặp khó khăn, các em đều cần phải được bảo trợ” - ông Bình bày tỏ.
Từ năm học 2025-2026, học sinh THCS sẽ được miễn học phí
Theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, HS tiểu học không phải đóng học phí. Bên cạnh đó, có 19 trường hợp HS được miễn học phí, gồm các đối tượng diện chính sách, khuyết tật, có hoàn cảnh gia đình khó khăn, HS dân tộc thiểu số…
Trong đó, từ tháng 9-2021, trẻ mầm non năm tuổi ở thôn/bản đặc biệt khó khăn, xã khu vực III vùng dân tộc và miền núi, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo theo quy định của cơ quan có thẩm quyền được miễn học phí. Những trẻ năm tuổi không thuộc đối tượng này sẽ được miễn học phí từ năm học 2024-2025 (được hưởng từ ngày 1-9-2024).
HS THCS ở thôn/bản đặc biệt khó khăn, xã khu vực III vùng dân tộc và miền núi, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo theo quy định của cơ quan có thẩm quyền được miễn học phí từ năm học 2022-2023 (được hưởng từ ngày 1-9-2022). HS THCS không thuộc đối tượng này được miễn học phí từ năm học 2025-2026 (được hưởng từ ngày 1-9-2025).