Các YouTuber livestream trong đám tang của một nghệ sĩ - Ảnh: DUYÊN PHAN
Trong một clip lan truyền gần đây dẫn lời một cô gái trẻ cho rằng "mấy người chạy xe (máy) số thì hơi dơ dơ, giống như mấy người chạy xe ôm..." nhanh chóng gây bão trên mạng. Clip nhận được rất nhiều like và bình luận nhưng nhân vật chính phải hứng nhiều "gạch đá" từ cộng đồng mạng.
Cô gái trong clip xác nhận hình ảnh nhân vật trong clip phỏng vấn đúng là mình nhưng giọng nói thì không phải. Cô cùng bạn đến Đà Lạt du lịch và có trả lời phỏng vấn đường phố từ một người lạ. Nội dung cũng chẳng có câu hỏi nào liên quan đến việc đi xe máy số hay xe ga.
Người ta đã ghi hình cô và lồng tiếng người khác vào sau đó với nội dung gây tranh cãi. Clip câu view có nội dung sai sự thật này ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của cô gái, cô đã gửi đơn trình báo đến công an phản ảnh về việc hình ảnh cá nhân của mình bị cắt ghép thành câu chuyện xúc phạm nhiều người khác.
Người làm clip này sau đó xin lỗi cô gái. Đây chỉ là một trong những vụ hình ảnh cá nhân bị cắt ghép và đưa lên mạng. Người làm clip muốn tạo nội dung khác lạ, gây sự chú ý. Dù vô tình hay cố ý thì tác hại cũng không nhỏ khi video lại có sức lan truyền tiêu cực, ảnh hưởng quá lớn đến người trong cuộc.
Nhiều người từng xuất hiện trong những đoạn clip gây tranh cãi của trang fanpage này đã đồng loạt lên tiếng vì là nạn nhân, khi nội dung phỏng vấn bị cắt ghép. Đây có phải là một việc làm cá biệt, vô tình?
Đã từng có một vụ hình ảnh cá nhân bị sử dụng trái phép cho mục đích thương mại lớn. Hình ảnh của hai mẹ con bà L.T.N.Th. (TP.HCM) bị sử dụng trong video quảng cáo cho một nhãn hiệu sữa mà không có sự đồng ý của bà. Vụ việc khiến cuộc sống của gia đình bà đảo lộn vì hình ảnh, thông tin cá nhân bị công khai. Bà Th. đã phải gửi đơn kêu cứu đến các cơ quan chức năng.
Để tránh bị cắt ghép hình ảnh, sử dụng cho mục đích không lành mạnh, mọi người cần có sự cân nhắc khi nhận lời xuất hiện trước ống kính của người khác.
Trước khi đồng ý cho ai đó quay clip, phỏng vấn phải cần biết mục đích của họ là gì, thông tin của người quay clip... và yêu cầu được xem lại nội dung trước khi được đăng tải và đăng tải ở đâu? Đây là những yêu cầu chính đáng để bảo vệ bản thân và công bằng cho hai phía.
Hiện có những người đang sống bằng nghề tạo ra clip và đăng tải trên các nền tảng mạng xã hội. Nhưng không phải ai cũng hành xử văn minh, tôn trọng pháp luật. Có người bịa đặt thêm thắt thông tin gây ảnh hưởng đến người khác, như vụ một cô gái ngồi quán cà phê đã bị nam thanh niên lạ quay clip sau đó đăng mạng cho rằng... là bạn gái cũ.
Trên mạng cũng đang có nhiều nội dung "chơi khăm" người lạ trên đường, bày trò diễn hài ở công viên, tàu điện... cho nên ai cũng có thể bị quay hình mà không hay biết. Người đưa clip lên mạng cũng bất chấp việc các nhân vật vô tình xuất hiện trong clip đã được cho phép sử dụng hình ảnh hay không?
Cũng có nhiều hình ảnh, lời nói vô tư hồn nhiên của cụ già, người thôn quê, người nghèo, thậm chí là người khuyết tật... được dùng trong các video liên quan đến việc quyên góp từ thiện. Và người được lợi trước nhất là người đăng thông tin lên mạng nếu họ có dụng ý tư lợi, đăng thông tin chưa có sự đồng ý của "người trong ảnh".
Cẩn trọng trước ống kính người lạ để tránh rắc rối, đó là việc của mỗi người để bảo vệ mình. Và cần thêm những tiếng nói phản ảnh khi hình ảnh của mình bị sử dụng bừa bãi, gây ảnh hưởng uy tín và xáo trộn cuộc sống. Cũng cần có những chế tài nghiêm với việc sử dụng bừa bãi hình ảnh, lời nói người khác để trục lợi cá nhân.
TTO - Lợi dụng nhu cầu mua sắm tăng mạnh dịp lễ, nhiều cá nhân và doanh nghiệp nhỏ lẻ tung chiêu khuyến mãi ảo, nhập nhèm giá cả cũng như mẫu mã sản phẩm nhằm trục lợi.
Xem thêm: mth.15995942261502202-al-iougn-hnik-gno-court-gnort-nac/nv.ertiout