Đài RT dẫn lời Tổng thống Recep Tayyip Erdogan hôm 16-5 cho biết Thổ Nhĩ Kỳ "không đồng ý” việc Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương), đồng thời nhấn mạnh thêm rằng bất kỳ nỗ lực nào nhằm thuyết phục Ankara thay đổi quan điểm của mình sẽ không có kết quả.
Phần Lan và Thụy Điển đã chính thức công bố ý định gia nhập khối quân sự do Mỹ dẫn đầu vào cuối tuần rồi. Thổ Nhĩ Kỳ đã cảnh báo rằng họ có thể phản đối động thái này, ông Erdogan thậm chí còn gọi hai quốc gia Bắc Âu này là “nơi trú ngụ của các tổ chức khủng bố”.
“Hai quốc gia này không có lập trường rõ ràng dứt khoát trong việc chống lại các tổ chức khủng bố. Thụy Điển là trung tâm ươm mầm của các tổ chức này. Họ đưa những kẻ khủng bố đến nói chuyện trong quốc hội của họ. Làm sao chúng ta có thể tin tưởng họ?” - ông Erdogan tuyên bố.
“Chúng tôi sẽ không chấp thuận với việc họ muốn gia nhập NATO, một tổ chức tập trung về an ninh. Họ sẽ cử phái đoàn đến Thổ Nhĩ Kỳ để thuyết phục chúng tôi. Xin lỗi, họ không cần phải bận tâm làm như vậy đâu” - ông nói thêm.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Ảnh: RT |
Trước đó cùng ngày, Bộ Ngoại giao Thụy Điển cho biết các quan chức cấp cao của Helsinki và Stockholm sẽ tới Thổ Nhĩ Kỳ để thảo luận về vấn đề này. Tuy nhiên, Tổng thống Erdogan đã nói rõ trong cuộc họp báo sau đó rằng những cuộc nói chuyện như vậy sẽ là vô nghĩa.
Để gia nhập NATO, tư cách thành viên của Phần Lan và Thụy Điển phải được tất cả 30 thành viên của khối nhất trí thông qua. Nhiều khả năng Ankara sẽ bị Mỹ thúc ép để đảo ngược quan điểm phản đối của họ.
Phó Tổng thư ký NATO Mircea Geoana đã từng khẳng định rằng ông chắc chắn NATO sẽ có thể vượt qua sự dè dặt của Thổ Nhĩ Kỳ để chấp thuận Phần Lan và Thụy Điển gia nhập khối này.
Tuy nhiên, sự phản đối của Thổ Nhĩ Kỳ vẫn có thể trở thành một trở ngại nghiêm trọng trong quá trình xét duyệt tư cách thành viên của Phần Lan và Thụy Điển.
Hai quốc gia Bắc Âu này có lịch sử trung lập về quân sự kéo dài suốt hai thế kỷ qua và đều chọn đứng ngoài các cuộc chiến tranh kể từ năm 1814. Tuy nhiên, việc Nga triển khai chiến dịch quân sự nhắm vào Ukraine đã buộc hai nước phải xét lại quan điểm của mình.
Theo các cuộc thăm dò gần đây, đa số người dân ở cả hai nước đều ủng hộ việc gia nhập NATO.
Quyết định xin gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển cũng bị chính quyền Moscow lên án. Theo ý kiến của Tổng thống Nga Vladimir Putin, động thái này có thể làm trầm trọng thêm tình hình an ninh quốc tế vốn đã phức tạp.