Chiều muộn hôm nay 17-5, phiên toà xét xử nguyên thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường và 13 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế đã kết thúc phần tranh tụng. Trước khi vào nghị án, Hội đồng xét xử sơ thẩm TAND TP Hà Nội đã cho các bị cáo nói lời sau cùng.
Các bị cáo trong vụ án - Ảnh: Hùng Anh
Mở đầu lời nói sau cùng, vị nguyên thứ trưởng Bộ Y tế cho biết thời điểm khi bị cáo làm Cục trưởng Cục Quản lý Dược (từ năm 2008, 2009, 2010), khoảng thời gian đó rất nhiều hồ sơ. Lúc đó, bị cáo mới lên đảm nhận chức vụ, tiếp quản một hệ thống văn bản, quy phạm pháp luật rất đơn giản, rất thiếu. Khi bắt đầu xây dựng hệ thống văn bản mới, các doanh nghiệp phải nộp hồ sơ nên quá tải.
"Anh em Cục Quản lý Dược trong đó có các bị cáo ở đây, phải làm việc quá tải, cơ sở vật chất thiếu thốn, trang thiết bị nghèo nàn. Kính đề nghị quý tòa xem xét để có thể giảm nhẹ nhất cho anh em. Trong điều kiện như vậy, họ đã là những con người rất tuyệt vời, làm việc rất mẫn cán, rất trách nhiệm, tôi là người hiểu họ rất kỹ, mong quý tòa xem xét để họ có mức án thấp nhất" - bị cáo Trương Quốc Cường nói.
Tiếp tục nói lời sau cùng, bị cáo Trương Quốc Cường cho biết khi xây dựng xong hệ thống văn bản và pháp luật, chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế, nhưng rất không may có vụ nhập thuốc giả nguồn gốc xuất xứ xảy ra.
"Đặc biệt là sau khi vụ án bị khởi tố, ngành Dược chững lại, các chuyên gia từ chối thẩm định, từ chối ký hợp đồng với Cục Quản lý Dược dẫn đến không có thuốc điều trị. Khi thiếu, thậm chí khi gia hạn số đăng ký, ngành Y tế, lãnh đạo Bộ Y tế không dám gia hạn… đấy là một nỗi buồn. Tất cả đều sợ, từ nhân viên y tế đến lãnh đạo bộ" - bị cáo Cường phân trần.
Theo bị cáo Trương Quốc Cường, việc đó dẫn đến ngành Dược hiện nay đứng trước tình cảnh khó khăn, bao công sức của cán bộ, bao thế hệ bị hủy, đổ xuống sông, xuống biển. "Với lý do đó, mong quý tòa xem xét điều kiện khách quan, chủ quan, mức độ, cho anh em được hưởng mức án phù hợp, tạo điều kiện cho ngành Dược sớm hồi phục, mặc dù phải hàng chục năm sau mới có thể hồi phục lại"- nguyên thứ trưởng Bộ Y tế nói.
Bị cáo Cường phân trần trước đây một năm thì có thể 4.000 đến 5.000 số đăng ký để sản xuất, hiện nay năm 2019 được 98 số đăng ký, 2020 được 96 số đăng ký, 2021 vừa rồi là 99 số đăng ký, không thể có thuốc cho người dân, hậu quả rất nặng nề. "Đối với tôi, cả đời phấn đấu, rất ý thức về ngành Dược, là ngành cấp phép rất nhạy cảm, rất tự rèn mình, rất ý thức mình nhưng rất không may có chuyện này xảy ra, dẫn đến hôm nay đứng ở vòng lao lý, đấy là nỗi mất mát lớn nhất, to lớn nhất không có gì so được. Vì vậy đề nghị, xin quý tòa xem xét mọi khía cạnh, điều kiện sao cho tôi có mức án không mang thêm đau khổ cho tôi, gia đình tôi" - bị cáo Cường kết thúc lời nói sau cùng.
Các bị cáo khác gửi lời xin lỗi đến gia đình, vì sự thiếu hiểu biết mà dẫn tới sai phạm, vi phạm pháp luật. Các bị cáo thể hiện sự ăn năn, hối lỗi và mong được xem xét để sớm trở về với gia đình.
Theo thông báo của HĐXX, chiều 19-5, toà sẽ tuyên án.
Trước đó, đại diện VKSND Hà Nội đã đề nghị tòa sơ thẩm tuyên bị cáo Trương Quốc Cường mức án từ 7 đến 8 năm tù; đề nghị tuyên bị cáo Nguyễn Việt Hùng, nguyên phó cục trưởng Quản lý Dược thuộc Bộ Y tế, 3-4 năm tù; Lê Đình Thanh, nguyên cán bộ hải quan TP HCM, 2-3 năm tù cùng về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Bị cáo Phạm Hồng Châu, nguyên trưởng phòng thuộc Cục Quản lý Dược, bị đề nghị 7-8 năm tù; Nguyễn Thị Thu Thủy, nguyên phó phòng, bị đề nghị 4-5 năm tù cùng về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Đối với nhóm bị cáo tội Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, VKSND đề nghị phạt bị cáo Nguyễn Minh Hùng, nguyên chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc VN Pharma, và Võ Mạnh Cường, nguyên giám đốc Công ty Hàng hải quốc tế M&C, cùng 20 năm tù. Tổng hợp với các bản án trước, VKSND đề nghị phạt 2 bị cáo này tổng mức án 30 năm tù.
Theo Nguyễn Hưởng
NLĐ