Tăng cường giám sát dự án nhà ở xã hội
UBND tỉnh Bình Định cho biết, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng vừa ký văn bản gửi các sở, ban, ngành của tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố về việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và triển khai các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn.
Theo đó, UBND tỉnh giao Sở Xây dựng tiếp tục tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát việc đầu tư, quản lý, sử dụng đối với các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn.
Đồng thời, thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ trong việc theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc việc triển khai đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xã hội, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, đảm bảo phù hợp theo kế hoạch phát triển nhà ở xã hội đã ban hành và tuân thủ theo quy định của pháp luật hiện hành.
UBND tỉnh còn yêu cầu các sở, ban, ngành của tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc, đầy đủ chỉ đạo của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 9/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ, Văn bản số 2775/UBND-KT ngày 23/5/2019 về việc tăng cường công tác quản lý, vận hành nhà chung cư trên địa bàn và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của UBND tỉnh liên quan đến công tác quản lý, phát triển nhà ở xã hội theo quy định.
Theo Sở Xây dựng tỉnh Bình Định, đến thời điểm hiện, trên địa bàn tỉnh có 15 dự án nhà ở xã hội đã và đang được triển khai với khoảng 10.733 căn, diện tích sử dụng căn hộ khoảng 658.903m2, đạt tỷ lệ khoảng 61% đối với dự án nhà ở xã hội tại đô thị.
Trong đó, 4 dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng (kể cả dự án Nhà ở xã hội – Cao ốc Long Thịnh) với 1.587 căn, diện tích sử dụng căn hộ 107.187m2.
6 dự án đang thi công với 3.950 căn, diện tích sử dụng căn hộ 224.979 m2 (trong đó 2 dự án chuẩn bị bàn giao đưa vào sử dụng). 8 dự án đang tiến hành lựa chọn chủ đầu tư, triển khai thủ tục đầu tư xây dựng với khoảng 5.196 căn, diện tích sử dụng căn hộ khoảng 326.737m2.
Ngoài ra, hiện, 18 dự án với khoảng 10.200 căn chưa được triển khai, trong đó dự án nhà ở xã hội tại đô thị là 8.050 căn, dự án nhà ở xã hội cho công nhân là 2.150 căn.
UBND tỉnh Bình Định giao Sở Xây dựng tăng cường công tác quản lý, giám sát việc đầu tư, sử dụng... đối với các dự án nhà ở xã hội.
Triển khai dự án nhà ở công nhân gặp khó
Theo Sở Xây dựng, đơn vị này dựa vào Quyết định số 33/2019/QĐ-UBND ngày 19/7/2019 của UBND tỉnh về sửa đổi, bổ sung Kế hoạch phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh Bình Định giai đoạn 2016-2020 và bổ sung giai giai đoạn 2021-2025 để làm cơ sở kêu gọi đầu tư xây dựng nhà ở xã hội theo quy định. Trong đó, một số khu đất dự kiến để đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân lao động tại khu công nghiệp với khoảng 2.150 căn.
Tuy nhiên, đến nay chưa có dự án nhà ở cho công nhân nào được triển khai. Nguyên nhân chính là do phần lớn công nhân tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp là người địa phương, đã có nhà ở riêng hoặc có chỗ ở chung cùng gia đình, cách nơi làm việc không xa (không quá 30km) có thể đi về trong ngày bằng phương tiện cá nhân hoặc được đưa đón bằng phương tiện của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, tỷ lệ lấp đầy của khu kinh tế, một số khu công nghiệp còn thấp, dẫn đến lực lượng công nhân không nhiều, nhu cầu ít hoặc không có. Hiện, Trung ương cũng chưa ban hành cơ chế, chính sách riêng về đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân khu công nghiệp nên các nhà đầu tư chưa mặn mà đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân khu công nghiệp.
Cũng theo Sở Xây dựng, thời gian quan, việc tiếp cận vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội của người mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhất là đối tượng là hộ nghèo, thu nhập thấp còn rất hạn chế.
Vấn đề này, UBND tỉnh đang giao Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Bình Định đề xuất gói hỗ trợ theo Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình, để cho vay đối với cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.
Theo Nguyễn Tri
Nhà đầu tư
Xem thêm: nhc.65041355181502202-ioh-ax-o-ahn-na-ud-cac-yl-nauq-teis-hnid-hnib/nv.zibefac