3 điểm bất thường trong quy trình đấu giá chưa được làm rõ...
Đầu tháng 5/2022, Báo Điện tử VTV News nhận được hồ sơ khiếu nại của ông Liên Tuấn Kiệt là người đại diện pháp luật của công ty TNHH Sản xuất rượu Golden Spirits Việt Nam (Công ty GSI) đóng tại huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Công ty này là đối tượng chấp hành án của 2 phiên tòa dân sự và đã bị tuyên phải trả cho các bên với tổng số tiền 122 tỷ đồng.
Quá trình thi hành án
Theo hồ sơ khiếu nại của ông Kiệt, công ty của ông có trách nhiệm thi hành 2 bản án dân sự:
Bản án thứ nhất có hiệu lực từ tháng 8 năm 2010, buộc công ty GSI của ông Kiệt phải trả cho Ngân hàng TMCP Việt Nam Tín Nghĩa hơn 39 tỷ đồng và có hiệu lực thi hành từ ngày 06/8/2010.
Bản án thứ hai có hiệu lực năm 2015, buộc công ty của ông Kiệt phải trả cho ông Lê Việt Triều 83 tỷ đồng.
Do khi hết thời hạn, công ty GSI không thi hành xong bản án thứ nhất, nên năm 2015, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bình Dương ghép cả hai bản án thành một để ra quyết định thi hành án. Vào thời điểm đó, trừ đi số tiền đã trả trong nhiều lần, công ty GSI có nghĩa vụ phải trả tổng số tiền còn lại là hơn 94 tỷ đồng.
Để buộc công ty GIS thực hiện nghĩa vụ tòa đã tuyên, Cục Thi hành án Dân sự tỉnh Bình Dương tổ chức bán đấu giá tài sản là một thửa đất của công ty GSI.
Quá trình đấu giá tài sản được tóm tắt như sau:
- Tháng 3 đến tháng 8/2016 tiến hành đo đạc lại thửa đất làm tài sản đấu giá vì diện tích trên thực tế và trên bản vẽ có sự chênh lệch.
- Tháng 6/2017: Ra quyết định đấu giá tài sản.
- Tháng 8/2017: Chốt giá khởi điểm bán đấu giá là 246 tỷ đồng.
- Tháng 12/2017: Thông báo chọn Công ty Công Lập làm công ty đấu giá tài sản.
- Tháng 6/2018: Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bình Dương và Công ty Công Lập ký hợp đồng bán đấu giá tài sản.
- Từ tháng 6/2018 - đến tháng 2/4019: 04 lần thông báo đấu giá tài sản. 03 lần đầu không có người đăng ký, đến lần thứ 4 mới có 02 doanh nghiệp tham gia đấu giá.
- Ngày 21/02/2019: Đấu giá tài sản. Công ty CP Cao su Tài Phát trúng đấu giá ở mức 211,700 tỷ đồng.
Vị trí lô đất hơn 15ha của Công ty GSI tại Bến Cát - Bình Dương là tài sản đấu giá để thi hành án
Sau khi trúng đấu giá, công ty CP Cao su Tài Phát đã thực hiện các bước để được sang tên thửa đất. Còn hai khoản nợ của công ty GSI đã được Cục Thi hành án Dân sự tỉnh Bình Dương thi hành cho ngân hàng và cá nhân ông Lê Việt Triều.
Tuy nhiên, từ đó tới nay, quá trình thi hành án vẫn chưa thể kết thúc. Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bình Dương chưa quyết toán, bàn giao số tài sản còn lại cho Công ty GSI bởi công ty này liên tục khiếu nại cho rằng, trong quá trình đấu giá, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bình Dương và Công ty Công Lập đã có quá nhiều sai phạm, khiến họ bị thất thoát tài sản.
Những khiếu nại của GSI đã được Thanh tra Bộ Tư pháp ra thông báo Kết luận Thanh tra số 50 ngày 24/12/2019. Tuy nhiên, vẫn còn 3 điểm chưa được làm rõ trong kết luận này khiến doanh nghiệp tiếp tục làm đơn khiếu nại gửi lên các cấp.
3 điểm bất thường trong quy trình đấu giá chưa được làm rõ
Điểm thứ nhất, theo Công ty GSI, có một khoảng cách khá xa giữa thời điểm các bên chốt mức giá khởi điểm để đấu giá và thời điểm Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bình Dương cùng Công ty Công Lập ký hợp đồng tổ chức đấu giá. Tuy nhiên, khi tổ chức bán đấu giá vẫn áp giá khởi điểm được xác định trước gần một năm là không phù hợp.
Trao đổi vấn đề này với phóng viên, ông Đỗ Văn Hùng - Cục phó Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bình Dương cũng là Chấp hành viên thi hành án vụ việc này cho rằng, thời điểm tiến hành thông báo đấu giá đã có thông báo niêm yết ở Công ty Công Lập và gửi đến Công ty GSI nhưng "không thấy ai có ý kiến" nên Cục tiến hành đấu giá theo mức cũ: 246 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo luật sư Lê Ngọc Hà - Đoàn Luật sư TP Hà Nội, đối chiếu theo quy định tại khoản 3 Điều 32 Luật Giá năm 2012 và khoản 7 của Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam thì kết quả thẩm định giá chỉ có giá trị không quá 6 tháng kể từ thời điểm chứng thư thẩm định giá có hiệu lực. Với thực tế giá trị bất động sản tại tỉnh Bình Dương tăng giá hàng tháng, hàng quý trong những năm gần đây, việc không định giá lại tài sản thi hành án khi chứng thư thẩm định giá hết hiệu lực đã dẫn đến hậu quả tài sản bán đấu giá đã không phản ánh đúng giá trị của tài sản tại thời điểm đấu giá và có nguy cơ gây ra thiệt hại cho người phải thi hành án là Công ty GSI.
Biên bản đấu giá chỉ có một vòng, Kết luận thanh tra của Thanh tra Bộ Tư pháp nêu rõ sai phạm và biên bản chốt giá 246 tỷ đồng tại thời điểm tháng 8/2017.
Điểm bất thường thứ hai là những điều kiện mà Công ty Công Lập áp đặt đối với người tham gia đấu giá ở các đợt thông báo đấu giá đầu tiên.
Từ tháng 6/2018 đến tháng 01/2019, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bình Dương và Công ty Công Lập thông báo 03 lần về việc đấu giá thửa đất với điều kiện là: "Người đăng ký tham gia đấu giá phải có năng lực tài chính để thực hiện dự án; có ngành nghề kinh doanh phù hợp với dự án, không vi phạm quy định của pháp luật về đất đai với trường hợp nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án trước đó".
Sau khi tiến hành thanh tra, đoàn thanh tra của Bộ Tư pháp cũng đã nêu rõ trong Kết luận thanh tra khoản 2.2 rằng: "Có dấu hiệu hạn chế khách hàng tham gia đấu giá, vi phạm Khoản 1, Điều 38 Luật đấu giá tài sản 2016".
Công ty GSI cho rằng, chính những điều kiện này khiến cho 03 đợt thông báo đấu giá không có bên nào tham gia. Chỉ đến đợt thông báo thứ tư, khi đã bỏ các điều kiện trên thì mới có 02 công ty tham gia. Tuy nhiên, sau mỗi lần thông báo lại, giá khởi điểm lại bị điều chỉnh giảm xuống 5%. Tới thời điểm đấu giá, giá khởi điểm chỉ còn là 211,200 tỷ đồng. Công ty GSI cho rằng, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bình Dương và Công ty Công Lập phải chịu trách nhiệm khắc phục thiệt hại hàng chục tỷ đồng đó chứ không thể chỉ "nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm" như được nêu trong Kết luận của Thanh tra Bộ Tư pháp.
Về việc này, luật sư Lê Ngọc Hà cho biết, căn cứ theo quy định tại điểm b, khoản 9 Điều 22 của Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, thi hành án dân sự thì khi có hành vi "hạn chế người tham gia đấu giá trong quá trình tham gia đấu giá" và hành vi đó làm sai lệch kết quả đấu giá, có thể buộc tổ chức đấu giá tài sản thực hiện các thủ tục để đề nghị hủy kết quả đấu giá.
Điểm bất thường thứ ba nằm trong Biên bản đấu giá. Theo Công ty GSI, mặc dù là đấu giá công khai nhưng lại không thực hiện tại hội trường mà chỉ làm biên bản. Hai ngày trước ngày đấu giá (21/02/2021) chỉ có 02 công ty làm thủ tục tham gia là Công ty Cổ phần BĐS Lộc Đại Phát và Công ty Cổ phần Cao su Tài Phát. Giá khởi điểm là 211,200 tỷ đồng. Mỗi bước giá nhảy 500 triệu đồng. Tuy nhiên, chỉ sau đúng một bước nhảy giá, Công ty Cổ phần BĐS Lộc Đại Phát đã dừng việc trả giá. Nhờ vậy, Công ty Cổ phần Cao su Tài Phát trúng đấu giá ở mức 211,700 tỷ đồng. Trước sự bỏ cuộc quá dễ dàng của Công ty Cổ phần BĐS Lộc Đại Phát, Công ty GIS đặt vấn đề nghi vấn về hành vi thông đồng, móc ngoặc giữa hai công ty tham gia đấu giá này để dìm giá.
Về vấn đề này, luật sư Lê Ngọc Hà cho biết, nếu nghi vấn của Công ty GSI được xác định là có thật, Công ty GSI có quyền kiến nghị cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xem xét việc hủy bỏ kết quả đấu giá. Luật pháp quy định như vậy khi có căn cứ xác định đấu giá viên, người tham gia đấu giá có hành vi thông đồng dìm giá nhằm trục lợi, làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác.
Hiện tại, đại diện pháp luật của Công ty GSI vẫn theo đuổi các khiếu nại đối với Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bình Dương, còn Cục này vẫn tiếp tục thi hành các biện pháp cưỡng chế tài sản của GSI mặc dù doanh nghiệp này chưa nhận được bất cứ một khoản tiền nào còn lại từ việc thi hành án trên. Những điểm bất thường chưa được làm sáng tỏ một cách thuyết phục khiến doanh nghiệp mòn mỏi khiếu kiện. Đồng thời, cũng ít nhiều gây ảnh hưởng tới môi trường thu hút đầu tư của địa phương.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.34783640181502202-gnoud-hnib-iat-na-hnah-iht-os-oh-tom-gnort-gnouht-tab-meid-ab/taul-pahp/nv.vtv