Chiều 18/5, mở đầu phiên xét hỏi 17 bị cáo trong vụ án sai phạm hơn 200 tỷ đồng tại Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM), cựu chủ tịch VEAM Trần Ngọc Hà phủ nhận mọi cáo buộc của VKSND Tối cao, xung quanh 3 sai phạm trong thời gian đương nhiệm.
Cáo trạng nêu, năm 2013, Tổng giám đốc VEAM Lâm Chí Quang, Vũ Từ Công bảo lãnh cho công ty con Vetranco vay trái quy định. Vetranco sau đó không có khả năng trả nợ, khiến VEAM bị các ngân hàng cưỡng thu và phải trả nợ thay tổng cộng hơn 146 tỷ đồng.
Trước cáo buộc khi là Chủ tịch Hội đồng Thành viên của VEAM đã "biết và tạo điều kiện" cho hai cấp dưới này bảo lãnh vay trái quy định, ông Hà ít nhất 7 lần phủ nhận. Ông cho rằng "không phải biết và thực tế không có điều kiện để biết" về việc làm của họ.
Bị cáo khai, nếu khoản bảo lãnh không quá 20% vốn điều lệ của VEAM, tổng giám đốc Quang có thể tự quyết. Vì thế, với vốn điều lệ VEAM năm 2013 khoảng 2.300 tỷ, khoản vay 460 tỷ đồng sẽ thực hiện theo cách này. "Ký một tờ A4 với ngân hàng là xong, không cần xin phép tôi hay Hội đồng Thành viên", cựu chủ tịch VEAM nói.
Về sai phạm thứ hai liên quan dự án "Đầu tư sản xuất máy kéo bốn bánh hạng trung", ông Hà bị cáo buộc khi chưa được Bộ Công Thương quyết định đầu tư vẫn ký hợp đồng với đối tác Nhật Bản, gây thiệt hại hơn 56 tỷ đồng.
Ông Hà tiếp tục phủ nhận sai phạm này, cho rằng dự án đã được Hội đồng Quản trị VEAM biểu quyết thông qua với tỷ lệ 100%, tại cuộc họp hôm 23/4/2017. Ông nói theo quy định, Chủ tịch Hội đồng Quản trị là ông Bùi Quang Chuyện phải ký quyết định thông qua nhưng "không hiểu lý do tại sao không ký".
"Nếu ông Chuyện ký quyết định thông qua và dự án không bị Bộ Công Thương đột ngột quyết định dừng vào tháng 11/2018 thì nó đã đi vào hoạt động và sinh lợi lớn cho đất nước", ông Hà nêu quan điểm.
Khi chủ toạ Trần Nam Hà truy vấn về việc dự án này có cần được Bộ Công Thương cho phép mới được thực hiện, ông Hà trình bày: "Tôi thấy có nơi thì bảo thuộc thẩm quyền HĐTV, có văn bản bảo phải xin ý kiến Bộ chủ quản".
"Theo ông, tất cả quy định đã thực hiện đúng, mà đến giờ không thực hiện được và thất thoát 56 tỷ, thì có sai phạm?", chủ toạ hỏi. Cựu chủ tịch VEAM nói "không thấy có sai phạm cũng không lãng phí thất thoát gì".
Bị cáo Hà dẫn chứng, khi VEAM thanh toán 56 tỷ đồng, đối tác Nhật Bản đã bàn giao các license (quyền sở hữu công nghiệp với một loại tài sản trí tuệ). License sau đó đã được các bộ phận Nghiên cứu phát triển của VEAM mang về nghiên cứu. Ông Hà do đó "không thấy sai phạm gì".
Với sai phạm thứ ba tại chương trình hợp tác với Công ty T-King (Trung Quốc), ông Hà (khi đó là Tổng giám đốc) bị quy kết thực hiện kế hoạch đầu tư mà không có nghị quyết của HĐTV và không nằm trong kế hoạch sản xuất kinh doanh đã được VEAM phê duyệt. Ông Hà chuyển tạm ứng 400.000 USD, tương đương gần 10 tỷ đồng, cho đối tác. Song kế hoạch không thực hiện được và không thu hồi được tiền, do đó được xác định là thiệt hại.
Với cáo buộc này, ông Hà dẫn chứng, hơn 30 năm hoạt động của VEAM, Hội đồng Thành viên hằng năm chỉ ban hành kế hoạch sản xuất nhưng chỉ ở dạng các mục tiêu doanh số, đơn vị tỷ đồng. Còn Tổng giám đốc, khi đó là ông, phải xây dựng kế hoạch sản xuất cụ thể sản phẩm gì. "Cáo trạng nói tôi không xin phép Hội đồng Thành viên là vô lý, vì thực chất đó là quyền của tôi. Việc người kế nhiệm không thực hiện nốt việc tôi đang làm dở dang, tôi không phải chịu trách nhiệm", ông nói và cho rằng khi đó việc hợp tác với T-King đang triển khai "rất tốt đẹp".
Trước khi kết thúc phần trả lời kéo dài gần một tiếng, ông Hà tự đánh giá là người "hết sức năng động và đam mê công việc, dấn thân vì nhận ra những việc có lợi. Các cáo buộc là không đúng".
VKSND Tối cao xác định, 2011-2013, Kế toán trưởng VEAM Vũ Từ Công tham mưu, đề xuất, soạn thảo văn bản trình Tổng Giám đốc Lâm Chí Quang, ký 5 chứng thư bảo lãnh thanh toán ngân hàng cho Vetranco vay tổng số 193 tỷ đồng.
Từ việc bảo lãnh của VEAM, Vetranco vay tiền tại các ngân hàng để kinh doanh với các Công ty Công ty cổ phần Đầu tư Minh Quang, Công ty cổ phần Thép Minh Quang, Công ty cổ phần đầu tư Tương Lai và Công ty TNHH đầu tư thương mại và xuất nhập khẩu Hải Đăng. Hiện các công ty này đã dừng hoạt động không còn tài sản gì, không có khả năng trả nợ cho Vetranco.
Do Vetranco không có nguồn tiền trả nợ ngân hàng, VEAM bị các ngân hàng cưỡng thu hoặc phải trả nợ thay Vetranco tổng số tiền gần 76 tỷ đồng.
Ngoài ra, khi sử dụng nguồn tiền vay ngân hàng do VEAM bảo lãnh, Giám đốc Vetranco Đào Quốc Việt đã cho Trần Quang Tiến, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần đầu tư Tập đoàn Đại Nam, vay lại để hưởng lãi.
Theo cáo buộc, để che giấu việc cho vay tiền trái quy định, Việt và Tiến thỏa thuận hợp thức bằng cách lập các hợp đồng mua bán hàng hóa khống. Trần Quang Tiến không hoàn trả được 15 khoản vay phát sinh từ tháng 5/2013-8/2013, gây thiệt hại cho Vetranco số tiền gần 183 tỷ đồng.
Các cơ quan tố tụng xác định khi thực hiện Dự án đầu tư sản xuất máy kéo bốn bánh hạng trung và ký kết và thực hiện 2 thỏa thuận VEAM-ZIBO đầu tư phát triển xe ôtô tay lái bên phải, nhóm cán bộ VEAM đã gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 66 tỷ đồng.
VKSND Tối cao xác định, vụ án còn liên quan một số cán bộ, cá nhân thuộc Hội đồng thành viên VEAM, Phòng Kỹ Thuật đầu tư, Phòng Kinh doanh, Phòng Tài chính, nguyên Chủ tịch HĐQT Vetranco, nguyên Ủy viên Hội đồng quản trị Vetranco... nhưng cho rằng sai phạm của họ chưa đến mức phải xử lý hình sự. VKS kiến nghị với cơ quan quản lý VEAM, Bộ Công Thương xem xét xử lý kỷ luật.
Ngày mai toà tiếp tục làm việc.
Thanh Lam
Xem thêm: lmth.1694644-ig-mahp-ias-gnohk-iot-maev-hcit-uhc-uuc/ten.sserpxenv