Ngày 18-5, Liên Hợp Quốc (LHQ) cảnh báo cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu có thể kéo dài nhiều năm nếu không được kiểm soát, trong bối cảnh Ngân hàng Thế giới (WB) đã công bố gói hỗ trợ 12 tỉ USD nhằm giảm thiểu "những tác động tàn phá" của nó, hãng AFP đưa tin.
Tình trạng mất an ninh lương thực đang leo thang do tác động từ việc nhiệt độ ấm dần lên, đại dịch COVID-19 và cuộc xung đột Nga-Ukraine, dẫn đến tình trạng thiếu ngũ cốc và phân bón nghiêm trọng.
Tại cuộc họp của LHQ về an ninh lương thực toàn cầu, Tổng thư ký Antonio Guterres cho biết chiến sự ở Ukraine "có nguy cơ đẩy hàng chục triệu người đến bờ vực mất an ninh lương thực".
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres. Ảnh: LIÊN HỢP QUỐC |
Tiếp theo đó là "tình trạng suy dinh dưỡng, nạn đói trên diện rộng trong một cuộc khủng hoảng có thể kéo dài trong nhiều năm", theo ông Guterres.
Nga và Ukraine sản xuất 30% nguồn cung lúa mì toàn cầu. Việc Moscow triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine và phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Moscow đã làm gián đoạn nguồn cung phân bón, lúa mì và các mặt hàng khác từ cả hai nước, đẩy giá lương thực và nhiên liệu lên cao, đặc biệt là ở các nước đang phát triển.
Trước khi nổ ra xung đột, Ukraine được coi là vựa lương thực của thế giới, xuất khẩu 4,5 triệu tấn nông sản mỗi tháng qua thông qua các cảng của nước này. Tuy nhiên, do Nga đã tấn công các khu vực cảng của Ukraine như Odessa, Chornomorsk, việc vận chuyển bị gián đoạn và chỉ có thể thông qua các tuyến đường bộ và kém hiệu quả hơn nhiều, theo AFP.
Ông Guterres nói: “Không có giải pháp hữu hiệu nào cho cuộc khủng hoảng lương thực mà không phục hồi hoạt động sản xuất lương thực ở Ukraine. Nga phải để số ngũ cốc lưu trữ tại các cảng của Ukraine được xuất khẩu một cách an toàn”.
Theo LHQ, tình trạng mất an ninh lương thực đã bắt đầu leo thang ngay cả trước khi xung đột nổ ra. Chỉ trong hai năm đại dịch, số người bị lâm vào tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng đã tăng gấp đôi, từ 135 triệu người trước đại dịch lên đến 276 triệu người hiện nay.
LHQ cho biết thêm rằng hiện có hơn nửa triệu người đang sống trong điều kiện đói kém, tăng hơn 500% kể từ năm 2016.
Trong bối cảnh đó, WB cam kết sẽ hỗ trợ thêm 12 tỉ USD giúp thúc đẩy sản xuất lương thực và phân bón, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho thương mại và hỗ trợ các hộ gia đình và nhà sản xuất dễ bị tổn thương.
Trước đó, WB đã công bố tài trợ 18,7 tỉ USD cho các dự án liên quan đến "các vấn đề an ninh lương thực và dinh dưỡng" ở châu Phi và Trung Đông, Đông Âu, Trung Á, và Nam Á.