vĐồng tin tức tài chính 365

Lực lượng đặc nhiệm và cuộc chiến trong bóng tối - Kỳ 2: Vì sao Mỹ lập lực lượng tác chiến đặc biệt?

2022-05-19 10:03
Lực lượng đặc nhiệm và cuộc chiến trong bóng tối - Kỳ 2: Vì sao Mỹ lập lực lượng tác chiến đặc biệt? - Ảnh 1.

Binh sĩ SOF làm nhiệm vụ bí mật ở Afghanistan tháng 4-2014 - Ảnh: Quân đội Mỹ

Từ một đội giải cứu con tin nhỏ vào năm 1979, lực lượng này liên tục phát triển, đến nay đã lên khoảng 75.000 quân hoạt động trên hơn 80 quốc gia, bao gồm cả các nhà thầu dân dụng.

Phi vụ Iran bất thành, JSOC ra đời

Từ những năm 1950, quân đội Mỹ sử dụng thuật ngữ "lực lượng đặc biệt" để chỉ lính mũ nồi xanh bộ binh. Vài thập niên gần đây, thuật ngữ này đã được thay thế bằng cụm từ "lực lượng tác chiến đặc biệt" (SOF). 

Danh hiệu SOF bao quát hơn vì bao gồm biệt đội SEAL của hải quân, biệt đội Delta và mũ nồi xanh của lục quân, biệt động quân của thủy quân lục chiến hoặc đội điều không của không quân.

Tác giả Mark Bowden nhận xét trên tạp chí The Atlantic (Mỹ): muốn biết vì sao các chiến dịch đặc biệt chiếm vai trò trung tâm trong hoạt động quân sự Mỹ, cần điểm qua quá trình phát triển của SOF. 

Trong quá khứ, các đơn vị quân đội Mỹ hoạt động theo kiểu "duy ngã độc tôn", không ai tán thành lập ra một lực lượng tinh nhuệ hơn hẳn làm nhiệm vụ đặc biệt. Tổng thống John F. Kennedy đã đi ngược với suy nghĩ đó khi quyết định phát triển mạnh lực lượng mũ nồi xanh.

Sau đó, đại tá Charlie Beckwith từng phục vụ một thời gian ngắn trong lực lượng đặc biệt không quân Anh (SAS) tại Malaysia đã đề xuất thành lập lực lượng Delta bắt chước theo mô hình SAS. Kế hoạch của Beckwith bị bỏ xó. 

Đến đầu tháng 11-1979 đã xảy ra sự kiện các sinh viên Iran tràn vào Đại sứ quán Mỹ ở Tehran bắt giữ con tin. Trước đó có hai vụ giải cứu con tin ngoạn mục. Năm 1976, đội đặc nhiệm Israel giải cứu hơn 100 hành khách trên chuyến bay bị không tặc ở sân bay Entebbe (Uganda). Một năm sau, đặc nhiệm Đức lập chiến công tương tự ở Mogadishu (Somalia).

Lầu Năm Góc sực nhớ tới kế hoạch của Beckwith. Chiến dịch Móng vuốt đại bàng (Eagle Claw) nhằm giải cứu con tin Mỹ ở Iran bằng lực lượng đặc biệt khởi động vào ngày 24-4-1980 song đã không vượt qua chặng đầu tiên là bay đến Tehran. 

Các máy bay trực thăng loại lớn phải hạ cánh ban đêm trên sa mạc Iran để tiếp nhiên liệu. Quả cầu lửa bùng phát ở bãi đáp làm tám binh sĩ thiệt mạng. Đây là một trong những chiến dịch giải cứu thất bại nặng nề nhất trong biên niên sử quân đội Mỹ.

Kết quả điều tra của Ủy ban Holloway xác định Lầu Năm Góc không chuẩn bị gì cho các chiến dịch mang tính chất táo bạo, phối hợp, chính xác đồng thời có tình trạng thiếu hợp tác giữa các cơ quan như phải trầy trật mới có bản thiết kế đại sứ quán ở Iran hay các phi công hải quân lái trực thăng qua sa mạc không tập luyện trước theo yêu cầu. Từ đó, Ủy ban Holloway khuyến nghị thành lập Bộ chỉ huy Các chiến dịch đặc biệt hỗn hợp (JSOC).

Các binh chủng không thích ý tưởng này. Sau khi ra đời, JSOC bị đối xử như con ghẻ, chưa có ngân sách riêng và hệ thống chỉ huy làm việc rất miễn cưỡng. Tháng 10-1983, Tổng thống Ronald Reagan ra lệnh đánh chiếm đảo quốc Grenada với lý do đưa 600 sinh viên y khoa Mỹ trên đảo về nhà. JSOC giữ vai trò chủ công trong chiến dịch.

Nhà Trắng khen ngợi chiến dịch thành công, thật ra chiến dịch diễn ra hết sức lộn xộn. JSOC chủ yếu sử dụng bản đồ du lịch vì bản đồ địa hình quân sự không có. Bốn binh sĩ SEAL chết đuối trong quá trình thám sát. JSOC không nắm chính xác các binh sĩ Grenada và Cuba ở đâu trên đảo, quân số bao nhiêu, sử dụng vũ khí nào. 

Các toán không liên lạc được vì tần số vô tuyến không được điều phối. Trong bốn trực thăng Black Hawk nhồi nhét 15 biệt động quân mỗi chiếc đã có ba chiếc rơi xuống biển. Thêm ba người chết. Rốt cuộc trong doanh trại Calivigny không có binh sĩ Cuba hay Grenada nào. Thiếu tướng Richard Scholtes chỉ huy JSOC phải điều trần thất bại trước ủy ban quân lực Thượng viện vào tháng 8-1986.

Lực lượng đặc nhiệm và cuộc chiến trong bóng tối - Kỳ 2: Vì sao Mỹ lập lực lượng tác chiến đặc biệt? - Ảnh 2.

Trực thăng Mỹ giải cứu con tin bốc cháy trong sa mạc Iran ngày 26-4-1980 - Ảnh: AP

Tổ chức mạng lưới tình báo - tấn công phối hợp

Sau sai lầm ở Grenada, Bộ chỉ huy Các chiến dịch đặc biệt Mỹ (SOCOM) được thành lập. Nhờ hai thượng nghị sĩ Sam Nunn và William Cohen bảo trợ, SOCOM có hệ thống quản lý và ngân sách riêng. 

Ngân sách hằng năm hiện nay khoảng 13 tỉ USD, chiếm 2% chi tiêu quân sự. Uy tín của SOCOM tăng lên vì chỉ huy là một vị tướng hoặc đô đốc bốn sao. Các chiến dịch đặc biệt của SOCOM được báo cáo trực tiếp cho bộ trưởng quốc phòng.

Sử dụng quân đội chính quy giống như sử dụng búa tạ, còn sử dụng lực lượng đặc nhiệm giống như dùng con dao đa năng Thụy Sĩ. Nhiệm vụ của SOF được mở rộng hơn. SOF nổi như cồn sau vụ đột kích ở Panama năm 1989 bắt giữ nhà độc tài Manuel Noriega áp giải về Mỹ truy tố các tội buôn ma túy và rửa tiền. 

Trong chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, Iraq bắn tên lửa Scud sang Israel. Chỉ trong vài ngày, các toán JSOC (thuộc SOCOM) đã lập chốt thám sát trong sa mạc và loại bỏ các dàn tên lửa Iraq. Tìm kiếm và tiêu diệt đã trở thành một đặc sản khác của SOF.

Viễn thông hiện đại đã thay đổi chiến tranh không quy ước. Định nghĩa về JSOC cũng đã thay đổi lần nữa. SOF không chỉ là các đặc nhiệm hay xạ thủ nhảy toán từ trực thăng mà trở thành mạng lưới tình báo - tấn công phối hợp toàn diện. Giải cứu con tin, săn người, tìm và diệt đã trở thành các hoạt động chính. Kịch tính nhất là chiến dịch tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden ở Pakistan năm 2011.

Các toán SOCOM đã đảm trách cuộc chiến chống các mạng lưới khủng bố Hồi giáo ở châu Phi và châu Á chủ yếu thông qua công tác huấn luyện quân đội địa phương. Mạng lưới tình báo và các phương tiện không quân của Mỹ đã mang đến cho các chiến binh người Kurd, người Iraq và người Syria lợi thế áp đảo trước tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS).

Dưới thời Tổng thống Barack Obama, SOCOM hoạt động rất tích cực. Ngoài các hoạt động triển khai lớn ở Trung Đông còn có các đơn vị nhỏ hơn ở Niger, Chad, Mali, Hàn Quốc, Philippines, Colombia, El Salvador, Peru và hàng chục quốc gia khác. SOCOM được ưu ái vì hai lý do: một là lực lượng tinh nhuệ và hai là lực lượng thực hiện nhiệm vụ với giá rẻ (chỉ cần cử 10 đặc nhiệm thực hiện một công việc thay vì điều động 100.000 quân).

Đến thời Tổng thống Donald Trump, tuy ông đã tiến hành nhiều đợt rút quân, nhất là ở Syria và Afghanistan nhưng nhiệm vụ của SOCOM cứ tiếp tục phình to. Mục tiêu ưu tiên là chống chủ nghĩa cực đoan bạo lực như Taliban, IS, Al Qaeda và al-Shabaab (Somalia).

SOCOM đã tổ chức không kích tiêu diệt thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi ở Syria năm 2019, sử dụng máy bay không người lái giết chết thiếu tướng Iran Qassem Soleimani ở Iraq năm 2020. SOCOM còn được giao nhiệm vụ phát triển các phương án dự phòng cho xung đột với Iran và CHDCND Triều Tiên. 

SOF được điều động đến châu Âu giáp với Nga và soạn thảo kế hoạch ngăn chặn Trung Quốc. Năm 2017, trách nhiệm kiểm soát vũ khí hủy diệt hàng loạt đã được chuyển giao từ Bộ tư lệnh Chiến lược Mỹ cho SOCOM.

Đi đầu sử dụng trí tuệ nhân tạo

Khi tướng Stanley McChrystal chỉ huy JSOC vào năm 2003, ông đã cải tiến JSOC và SOCOM để biến lực lượng tác chiến đặc biệt trở thành thợ săn-sát thủ hiệu quả. Ông nhận ra khả năng số hóa thông tin có thể dẫn đến mục tiêu nhanh chóng.

Các toán đặc nhiệm nhờ công nghệ hỗ trợ đã phát hiện và kết liễu Abu Musab al-Zarqawi cầm đầu Al Qaeda ở Iraq vào tháng 6-2006. Để cạnh tranh trên chiến trường hiện đại có máy tính hỗ trợ, SOCOM đã đi đầu trong việc sử dụng trí tuệ nhân tạo.

---------------------

Tình báo Israel lần ra dấu vết Abu Jihad cách Israel hơn 2.400km. Lực lượng Sayeret Matkal xuất quân phối hợp cùng lực lượng đặc nhiệm hải quân và đặc vụ Mossad thực thi kế hoạch tiêu diệt.

Kỳ tới: Ám sát mục tiêu cách Israel hơn 2.400km

Lực lượng đặc nhiệm và cuộc chiến trong bóng tối - Kỳ 1: Vụ đào thoát kỷ lục của đặc nhiệm AnhLực lượng đặc nhiệm và cuộc chiến trong bóng tối - Kỳ 1: Vụ đào thoát kỷ lục của đặc nhiệm Anh

TTO - Lực lượng đặc nhiệm gồm các đơn vị tinh nhuệ được huấn luyện nhiều kỹ năng chuyên biệt để thực thi nhiệm vụ đặc biệt trong chiến tranh không quy ước như hoạt động trong lòng địch, chống khủng bố, giải cứu con tin.


Xem thêm: mth.16615349091502202-teib-cad-neihc-cat-gnoul-cul-pal-ym-oas-iv-2-yk-iot-gnob-gnort-neihc-couc-av-meihn-cad-gnoul-cul/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“Lực lượng đặc nhiệm và cuộc chiến trong bóng tối - Kỳ 2: Vì sao Mỹ lập lực lượng tác chiến đặc biệt?”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools