Ngày 18/5, trao đổi với PV Tiền Phong, Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, đầu năm 2021, Bộ Xây dựng kết luận chỉ ra những vi phạm ở nhiều đồ án quy hoạch tại UBND tỉnh Hòa Bình.
Theo đó, Thanh tra Bộ Xây dựng nêu rõ công tác triển khai nhiều dự án đầu tư Khu đô thị (KĐT) mới tại Hòa Bình còn phụ thuộc vào nhu cầu của các nhà đầu tư. Các đề xuất về vị trí, quy mô, tính chất của đồ án quy hoạch của các nhà đầu tư đều được cơ quan quản lý nhà nước chấp thuận. Điều này dẫn tới nhiều quy hoạch chi tiết các dự án đô thị được đồng ý trước khi quy hoạch chung thành phố Hòa Bình (được phê duyệt).
Có thể kể đến các trường hợp KĐT cao cấp Yên Quang, KĐT Trung Mường, Khu nhà ở cao cấp Phú Đạt, KĐT sinh thái Phúc Tiến, KĐT sinh thái Hòa Bình xanh… được phê duyệt quy hoạch chi tiết trước khi hai bên tuyến đường Hòa Lạc - Hòa Bình hình thành (được quy hoạch).
Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Hòa Bình đến năm 2035 do Sở Xây dựng làm chủ đầu tư, đơn vị tư vấn lập điều chỉnh (quy hoạch) là Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia. Cơ quan thẩm định (Sở Xây dựng) với diện tích lập quy hoạch hơn 14.440ha, dân số đến năm 2015 khoảng 300.000 người.
Theo kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng, thời gian lập điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Hòa Bình chậm 16 tháng, vi phạm quy định về thời gian lập quy hoạch chung đô thị đối với thành phố thuộc tỉnh (tại nghị định số 37 năm 2010 của Chính phủ về lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch đô thị).
Bên cạnh những sai phạm trong lập đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Hòa Bình đến năm 2035 của các đơn vị liên quan, kết luận thanh tra của Bộ Xây dựng cũng chỉ ra hàng loạt sai phạm trong điều chỉnh một số dự án KĐT trên địa bàn.
Cụ thể, đồ án quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 khu đô thị mới tại phường Thịnh Lang, thành phố Hòa Bình đã tăng diện tích đất xây biệt thự, nhà liền kề sai quy định. Thanh tra Bộ Xây dựng chỉ rõ tại ô đất số 21, theo quy hoạch chung thành phố được xác định xây dựng trung tâm tài chính, thương mại dịch vụ cấp vùng, tỉnh. Thế nhưng theo quy hoạch chi tiết, dự án đã chuyển đổi 34.133m2 thành đất ở để xây biệt thự và nhà liền kề, không phù hợp với định hướng của quy hoạch chung được duyệt.
Quy hoạch chi tiết 1/500 khu đô thị mới này có diện tích đất ở vượt hơn 80.450m2 so với diện tích đất ở được phê duyệt trong quy hoạch chung thành phố Hòa Bình đến năm 2035.
Bên cạnh đó, tại dự án khu đô thị mới Trung Minh, quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 do liên danh Cty CP Thương mại Ngôi Nhà Mới - Cty CP Tập đoàn đầu tư Tài chính Việt Nam làm chủ đầu tư có diện tích đất ở vượt hơn 78.800m2 so với diện tích đất ở theo đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Hòa Bình đến năm 2035 đã được duyệt.
Ồ ạt làm dự án để “xí chỗ”?
Đề cập về nhóm lợi ích liên quan tới đất đai, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Đặng Hùng Võ cho biết, việc các chủ đầu tư làm dự án ồ ạt để “xí chỗ” là tình trạng chung diễn ra trên cả nước, không riêng tại Hòa Bình. Ông Võ cho rằng, hầu hết các dự án đều triển khai trái với tinh thần của Luật Đất đai 2013. Theo đó, luật quy định rõ, Nhà nước thu hồi đất của dân rồi đấu giá hoặc giao đất cho thuê để làm tăng giá trị đất đai.
Luật Đất đai 2013 triển khai 10 năm nhưng thời gian vừa qua, rất ít chủ dự án tham gia đấu giá đất. “Theo tôi, tỉnh Hòa Bình, đặc biệt là xã Quang Tiến phê duyệt 35 dự án trong đó có đến 5 dự án sân golf, nhưng hầu hết chậm tiến độ đều làm trái so với luật quy định, không đúng với quy hoạch”, ông Võ nói.
Theo ông Võ, trong khi đó, các dự án chậm tiến độ đều có quy định thời hạn rõ ràng nhà nước thu hồi đất và tiền trên đất. “Theo tôi có 3 nơi chịu trách nhiệm trước cái sai, một là xã quản lý, UBND thành phố Hòa Bình và UBND tỉnh Hòa Bình cấp dự án. Chúng ta phải vận dụng khung hình sự vào giải quyết vấn đề này”, ông Võ nói.
Theo ông Võ, chính quyền tỉnh có sai nhưng các cơ quan chức năng khác ở đâu ví dụ như Bộ Tài nguyên và Môi trường? “Một số cơ quan chức năng làm trái nguyên tắc, tìm mọi cách lách và có kết hợp nhóm lợi ích giữa chính quyền địa phương và nhà đầu tư, gạt lợi ích người dân, quốc gia ra ngoài”, ông Võ nói.
Còn ông Nguyễn Bá Ngãi, Tổng Thư ký hội Chủ rừng Việt Nam cho rằng, theo Chỉ thị 13 của Ban chấp hành Trung ương (2017) đã ngăn và cấm chuyển đổi đất rừng tự nhiên, trừ những chương trình dự án có tính chất quốc gia. Quy định này rõ ràng, ngay cả cấp tỉnh cũng không được phép chuyển đất rừng đó từ 1 ha trở lên. Nhà nước hiện nay không cho phép chuyển, ai chuyển đất rừng tự nhiên ra khỏi mục tiêu phục vụ lâm nghiệp đều sai.
Ông Ngãi nhấn mạnh, rừng sản xuất được chuyển đổi nhưng phải theo quy hoạch của địa phương. “Địa phương không có quy hoạch, không ai được phép chuyển đổi đất rừng. Cơ chế chính sách của Nhà nước rất chặt chẽ. Việc chuyển đất rừng sang đất dịch vụ không tạo ra giá trị vật chất cho địa phương càng phải hạn chế”, ông Ngãi nói.
Theo ông Ngãi, từ việc các sân golf tại xã Quang Tiến, UBND thành phố Hòa Bình được cấp phép nhưng nguồn gốc đất là các chủ đầu tư đã chuyển nhượng, mua gom đất rừng trước đó. “Để giải quyết được vấn đề này, chúng ta phải kiểm tra, thậm chí thanh tra xem đất rừng thuộc loại gì? Đất này có nằm trong quy hoạch hay không? Việc mua bán vào thời điểm nào, trước hay sau quy định của Chính phủ. Tuy nhiên, có điều rõ ràng rằng, quản lý đất đai hay quản lý rừng trước hết là trách nhiệm của chủ tịch UBND tỉnh…”, ông Ngãi cho hay.
“Chúng ta có quy định về lâm nghiệp đầy đủ, vấn đề là địa phương có làm đúng hay không? Phải xem lại văn bản trước khi UBND cấp tỉnh chuyển đổi mục đích đất rừng sang làm sân golf vào thời điểm nào?”, ông Ngãi nhấn mạnh.
Theo Ngọc Mai
Tiền Phong
Xem thêm: nhc.99533049091502202-hcaoh-yuq-na-od-cac-iat-mahp-iv-ueihn-hnib-aoh/nv.zibefac