Đoàn khảo sát đã xuống thị sát tại một số khu vực dự kiến xây dựng các nút giao với tuyến đường vành đai 3 như: nút giao với cao tốc Bến Lức - Long Thành, nút giao Bình Chuẩn và nút giao Tân Vạn - Ảnh: TỰ TRUNG
Sáng nay 19-5, đoàn công tác Ủy ban Kinh tế của Quốc hội do ông Vũ Hồng Thanh - chủ nhiệm ủy ban - làm trưởng đoàn đi khảo sát trực tiếp dự án đầu tư xây dựng vành đai 3 TP.HCM.
Dự án dự kiến sẽ được Chính phủ trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư vào kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.
Tham gia cùng đoàn khảo sát có đại diện lãnh đạo UBND, Sở Giao thông vận tải, đại biểu Quốc hội TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An và đơn vị cố vấn.
Hiện nay chưa có đường vành đai 3, nhiều tuyến đường quốc lộ và cao tốc đi qua các tỉnh thành Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM bị kẹt xe nghiêm trọng - Ảnh: TỰ TRUNG
Trao đổi với báo chí sau buổi khảo sát, ông Vũ Hồng Thanh cho biết qua chuyến khảo sát, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội sẽ có thêm thông tin, cơ sở phục vụ việc thẩm tra các tờ trình về dự án vành đai 3 TP.HCM mà Chính phủ trình Quốc hội sắp tới.
Chuyến khảo sát ngắn nhưng đoàn công tác cảm nhận rõ sự quyết liệt vào cuộc của các địa phương trong đầu tư dự án. Các địa phương cũng đã cam kết sớm có phiên họp HĐND bất thường để thông qua nghị quyết đầu tư dự án, trong đó cam kết bố trí vốn cho dự án.
"Hôm nay đoàn có cảnh sát giao thông dẫn đường nhưng cũng tốn rất nhiều thời gian để di chuyển. Nhiều thành viên trong đoàn cho rằng nếu tuyến vành đai 3 TP.HCM được đầu tư sớm hơn nữa càng tốt.
Cho nên phải có những biện pháp kỹ thuật để xử lý, làm rõ những vấn đề mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến để Quốc hội sớm xem xét thông qua dự án quan trọng này", ông Thanh chia sẻ.
Đoàn đã đến thực địa khu vực đường nhánh cao tốc TP.HCM - Trung Lương đang xây dựng nối với vành đai 3 và tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành (Long An) - Ảnh: TỰ TRUNG
Ông Lương Minh Phúc - giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư các công trình giao thông TP.HCM - cho biết từ đây đến ngày 23-5, TP.HCM cùng với các địa phương Bình Dương, Đồng Nai, Long An tiếp tục giải trình, bổ sung các nội dung liên quan dự án.
Mặt khác, các địa phương đang gấp rút chuẩn bị trước công tác triển khai ngay sau khi Quốc hội phê duyệt chủ trương.
Bản đồ hướng tuyến vành đai 3 TP.HCM, đoạn từ Tân Vạn - Nhơn Trạch - Ảnh: TỰ TRUNG
Cụ thể gồm chuẩn bị cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng vì đây là khâu quan trọng. Các địa phương đã thống kê khảo sát, chuẩn bị tái định cư, nhân lực, bộ máy...
Tiếp tục rà soát thống kê các mỏ vật liệu đảm bảo cho công trình. Cuối cùng là bộ máy quản lý vận hành dự án này, làm sao đảm bảo kết nối giữa TP.HCM và các địa phương.
Theo ông Phúc, qua đánh giá có 4 khó khăn thách thức phải vượt qua để đảm bảo tiến độ dự án là vốn, giải phóng mặt bằng, quản lý điều hành và vật liệu.
Riêng về vốn thì hiện nay trung ương và địa phương đã có cam kết nên có thể yên tâm. Các vấn đề còn lại các địa phương đang chủ động triển khai để ngay sau khi Quốc hội phê duyệt chủ trương là có thể triển khai ngay một số bước để đẩy nhanh tiến độ.
Cuối chuyến khảo sát, chiều 19-5, đoàn sẽ có buổi làm việc với lãnh đạo các địa phương tại TP.HCM để làm rõ nhiều vấn đề liên quan đến dự án này.
Dự án vành đai 3 dự kiến quy mô khoảng 76,3km, 4 làn xe cao tốc hạn chế; tốc độ thiết kế 80km/h, bề rộng là 19,75m.
Dự án phân chia thành 8 dự án thành phần, tách riêng phần giải phóng mặt bằng và phần xây dựng triển khai độc lập theo địa giới hành chính giữa các địa phương, thực hiện theo hình thức đầu tư công.
Sơ bộ tổng mức đầu tư là 75.378 tỉ đồng, trong đó giai đoạn 2021 - 2025 là 61.056 tỉ đồng.
TTO - Để đảm bảo tính khả thi và bố trí vốn cho các dự án quan trọng khác, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giãn tiến độ đường vành đai 4 vùng thủ đô, đến năm 2027 hoàn thành toàn bộ dự án. Trong khi đó, đường vành đai 3 TP.HCM cơ bản xong năm 2025.