Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi trao đổi tại buổi làm việc - Ảnh: TỰ TRUNG
Chiều 19-5, sau khi đi khảo sát thực địa các khu vực sẽ làm dự án đường vành đai 3 TP.HCM, đoàn công tác do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với lãnh đạo TP.HCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An để trao đổi các thông tin về dự án này.
Tại buổi làm việc, đa số các thành viên đoàn công tác đều nhất trí với sự cần thiết, cấp bách đầu tư dự án đường vành đai 3 TP.HCM để "giải phóng" giao thông cho các tuyến đường quốc lộ, đường liên tỉnh đã quá tải.
Các thành viên đề nghị TP.HCM và các tỉnh giải trình thêm về việc chuẩn bị nguồn vốn đầu tư, kế hoạch giải phóng mặt bằng, tái định cư cho người dân và việc xây dựng cơ chế phối hợp giữa các địa phương nhằm đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ trong thực hiện đền bù, cũng như đầu tư xây dựng các dự án thành phần.
Trao đổi lại, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết sau buổi làm việc với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, TP.HCM và các địa phương đã tiếp thu và khẩn trương hoàn thành hồ sơ để trình Chính phủ xem xét trình Quốc hội. Trong tuần này, các địa phương cùng đơn vị tư vấn sẽ hoàn thành hồ sơ để gửi Chính phủ.
Về việc sắp xếp vốn, theo ông Mãi, các địa phương Long An, Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM đều đã có nghị quyết của HĐND. Đây là những địa phương có điều kiện thu ngân sách nên có thể bố trí đủ vốn để làm dự án này.
Ông Mãi cho biết trước đây, các địa phương đề xuất cơ chế cho Chính phủ vay bằng phát hành trái phiếu, sau đó cho địa phương vay lại. Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến của Chủ tịch Quốc hội tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, TP.HCM và các địa phương sẽ tính toán việc tự phát hành trái phiếu chính quyền địa phương.
Theo đó, TP.HCM và các địa phương sẽ chủ động rà soát cân đối nguồn vốn ngân sách địa phương để làm dự án đường vành đai 3 TP.HCM. Trường hợp cần thiết sẽ phát hành trái phiếu chính quyền địa phương để huy động thêm nguồn vốn.
"TP.HCM đã có kinh nghiệm phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, thời gian qua phát hành được hơn 2.800 tỉ. TP sẽ tiếp tục phát huy kinh nghiệm và chia sẻ với các địa phương trong dự án để có sự chuẩn bị việc phát hành trái phiếu.
Việc này chúng tôi sẽ bám sát các bộ, ngành trung ương, đặc biệt là Bộ Tài chính để hướng dẫn việc địa phương phát hành trái phiếu. Như vậy vốn của địa phương tham gia dự án, cộng vốn khi có phát sinh, kế hoạch vốn sẽ tuân thủ", ông Mãi cho hay.
Đoàn công tác do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh làm trưởng đoàn khảo sát các khu vực làm đường vành đai 3 TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG
Về giải phóng mặt bằng, Chủ tịch UBND TP cho hay đây là vấn đề khó nhất của dự án. Theo quy mô giải tỏa, TP.HCM là địa phương khó khăn nhất, sau đó là Đồng Nai, Bình Dương.
Dù vậy, đến thời điểm này, TP.HCM đã hoàn thành kế hoạch giải phóng mặt bằng trên địa bàn TP. Dự kiến sau khi Quốc hội thông qua, Bí thư Thành ủy TP.HCM sẽ tổ chức hội nghị với các địa phương, các ngành liên quan để cùng bàn việc đẩy nhanh giải phóng mặt bằng, dự kiến cuối năm 2023 hoàn thành giải phóng mặt bằng.
Liên quan đến việc tái định cư cho người dân, người đứng đầu UBND TP cho biết hiện tại TP.HCM có số hộ dân trong diện phải di dời đông và phải tái định cư nhiều. Tuy nhiên, điểm thuận lợi là TP có quỹ nhà công lớn nên sẽ rà soát kỹ và có phương án có thể tạm cư người dân di dời.
TP cũng rà soát xây dựng thêm các khu tái định cư theo nguyên tắc cố gắng tái định cư người dân gần khu vực sinh sống để người dân phát triển sinh kế đời sống. Mặt khác, đảm bảo quyền lợi cao nhất cho người dân, vừa đảm bảo giá đền bù thỏa đáng, tái định cư thuận lợi và tạo các điều kiện ổn định sinh kế, đào tạo nghề giúp cho bà con ổn định cuộc sống.
TTO - Sáng 19-5, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh chia sẻ qua khảo sát thực địa, nhiều thành viên trong đoàn giám sát cho rằng "nếu tuyến vành đai 3 TP.HCM càng đầu tư sớm hơn nữa thì càng tốt".