vĐồng tin tức tài chính 365

EU công bố kế hoạch khủng nhằm thoát phụ thuộc năng lượng Nga

2022-05-20 05:43

Hôm 18-5 (giờ địa phương), Ủy ban châu Âu (EC) - cơ quan điều hành của Liên minh châu Âu (EU) đã công bố kế hoạch đầy tham vọng mang tên RePowerEU trị giá 210 tỉ euro (khoảng 221 tỉ USD) nhằm đặt dấu chấm hết cho sự phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng hóa thạch Nga. Các ưu tiên của kế hoạch này bao gồm tìm thêm nguồn cung khí đốt khác ngoài Nga, tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo và tìm kiếm các giải pháp tiết kiệm năng lượng, theo hãng tin Reuters.

RePowerEU sẽ được thực hiện ra sao?

Chủ tịch EC - bà Ursula von der Leyen cho biết RePowerEU sẽ cần ít nhất năm năm, tức tới năm 2027 mới có thể đưa EU độc lập khỏi nguồn năng lượng Nga. Hiện mục tiêu trước mắt là nỗ lực giảm 66% hoạt động nhập và tiêu thụ khí đốt của Nga trên toàn khối.

EU công bố kế hoạch khủng nhằm thoát phụ thuộc năng lượng Nga ảnh 1

Đường ống dẫn khí đốt của Tập đoàn dầu khí Nga Gazprom thuộc dự án Nord Stream 2 đặt tại vùng Siberia (Nga) hồi tháng 4. Ảnh: TASS

Về khoản đầu tư 221 tỉ USD, số tiền sẽ được phân phối theo các hạng mục như sau: 90 tỉ USD cho năng lượng tái tạo, 28,3 tỉ USD cho cơ sở hạ tầng năng lượng hydrogen; 30,4 tỉ USD cho mạng lưới dây dẫn điện và 59,7 tỉ USD cho các biện pháp tiết kiệm năng lượng. EC cũng cho biết là có thể sẽ cần thêm một số khoản đầu tư cho các nước nằm sâu trong lục địa ở Trung và Đông Âu, do những nước này không dễ dàng tìm kiếm các nguồn cung năng lượng thay thế Nga.

Ngoài ra, EC cũng đề xuất nâng tỉ lệ sử dụng năng lượng tái tạo của EU lên mức 45% vào năm 2030, thay vì mục tiêu 40% như hiện nay. Điều này sẽ là điều kiện để EU tăng gấp đôi công suất năng lượng tái tạo lên 1.236 gigawatt (GW) vào năm 2030 và nỗ lực đơn giản hóa quy trình cấp giấy phép cho các dự án năng lượng gió/năng lượng mặt trời tư nhân.

EC công bố gói RePowerEU về các hành động ngắn hạn của quốc gia nhằm cắt giảm nhu cầu đối với năng lượng của Nga, trùng với các cuộc thảo luận đang được tiến hành trong khối kể từ năm ngoái về việc đặt ra các mục tiêu năng lượng tái tạo và tiết kiệm năng lượng đầy tham vọng hơn của EU cho năm 2030. Các mục tiêu này, vốn đang được Nghị viện châu Âu và các nước đàm phán, là một phần trong cam kết của khối nhằm cắt giảm 55% lượng khí nhà kính vào cuối thập niên này, so với mức phát thải năm 1990 và tiến đến trung hòa khí hậu vào năm 2050.

Theo số liệu của hãng tin AP, Nga hiện cung cấp 40% khí đốt và 27% dầu cho nhu cầu tiêu thụ của EU mỗi năm.

RePowerEU liệu sẽ thành công?

Trả lời tờ Financial Times về các nỗ lực của EU nhằm chấm dứt phụ thuộc vào năng lượng Nga, Giám đốc điều hành Tập đoàn khai thác dầu khí Woodside (Úc) Meg O’Neill nhận định rằng có thể còn có bất đồng về quãng thời gian đó kéo dài bao lâu nhưng quyết tâm của EU là kiên định hơn bao giờ hết.

“Châu Âu thời hậu chiến tranh thứ hai từng cho rằng sẽ không còn xảy ra bất kỳ cuộc chiến tranh nào khác nữa ở châu lục này trong tương lai. Tôi nghĩ rằng những gì đang diễn ra tại Ukraine đang khiến EU bị sốc và tôi cho rằng họ sẽ không thản nhiên tiếp tục mua năng lượng của Nga trong tương lai” - bà O’Neill đánh giá.

Theo bà, dĩ nhiên là EU cần có thời gian để đạt được mục tiêu tham vọng như vậy, tuy nhiên một khi đã “thoát” thành công, EU sẽ không bao giờ quay lại với năng lượng Nga.

Ông Simone Tagliapietra, một chuyên gia năng lượng tại tổ chức tư vấn Bruegel ở Brussels, cũng cho rằng sự thành công cuối cùng của RePowerEU phụ thuộc vào ý chí chính trị các nước trong khối, khi “hầu hết các hành động trong kế hoạch đều yêu cầu sự thực hiện của quốc gia hoặc sự phối hợp chặt chẽ giữa các quốc gia thành viên”.

Trong khi đó, tổ chức tư vấn năng lượng Đức Agora Energiewende cho rằng kế hoạch của EU “tập trung quá ít vào các sáng kiến ​​cụ thể làm giảm nhu cầu nhiên liệu hóa thạch trong ngắn hạn, do đó bỏ lỡ cơ hội tăng cường an ninh năng lượng của châu Âu và đáp ứng các mục tiêu khí hậu của châu Âu”.•

Ông Putin: Châu Âu đang “tự sát” khi trừng phạt năng lượng Nga

Ngày 17-5 (giờ địa phương), Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng lạm phát năng lượng ở các nước phương Tây là do sai lầm của họ chứ không nên đổ lỗi cho Nga. Ông Putin nói rằng Liên minh châu Âu (EU) đang “tự sát về kinh tế” khi trừng phạt năng lượng của Moscow, đài RT đưa tin.

Theo ông Putin, châu Âu thừa nhận chưa thể từ bỏ hoàn toàn các nguồn năng lượng của Nga, song lại hành động như vậy “mà không quan tâm đến những thiệt hại mà họ đã gây ra cho nền kinh tế của chính họ”.

“Tất nhiên, một vụ tự sát kinh tế như vậy là chuyện nội bộ của các nước châu Âu” - ông Putin nói trong một hội nghị truyền hình về lĩnh vực dầu mỏ.

“Họ đang cố gắng đổ lỗi cho Nga là tác nhân gây ra lạm phát năng lượng, họ đổ lỗi mọi thứ cho Moscow. Như tôi đã nói, những sai lầm mang tính hệ thống của chính họ mới là nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng” - ông Putin nói.

Theo hãng tin AFP, ông Putin đang hy vọng chuyển hướng nguồn cung đến các quốc gia thân thiện khi châu Âu tìm cách cắt giảm nguồn cung từ Nga. Ông nói thêm rằng “các hành động hỗn loạn” của châu Âu không chỉ gây tổn hại cho nền kinh tế của chính họ mà còn giúp Nga tăng nguồn thu từ dầu khí.

Xem thêm: lmth.328086tsop-agn-gnoul-gnan-couht-uhp-taoht-mahn-gnuhk-hcaoh-ek-ob-gnoc-ue/nv.olp

“EU công bố kế hoạch khủng nhằm thoát phụ thuộc năng lượng Nga”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools