Pakistan siết chất lượng chè nhập khẩu
Trong vòng 4 tháng đầu năm, có tới 2 lần thương vụ Việt Nam tại Pakistan - thị trường nhập khẩu chè lớn nhất của Việt Nam,phát đi thông báo cho biết Chính phủ nước này siết chặt việc kiểm tra chất lượng chè nhập khẩu từ Việt Nam.
Pakistan tiêu thụ đều đặn khoảng 30% sản lượng chè xuất khẩu của Việt Nam mỗi năm. Thời gian tới, nước này sẽ tiếp tục kiểm soát chặt hàm lượng độc tố aflatoxin trong chè của Việt Nam.
"Các doanh nghiệp cần nghiên cứu quy định của thị trường Pakistan về sản phẩm chè, hàm lượng độc tố là bao nhiêu hay những quy định chứng nhận về Halal thì doanh nghiệp mình phải nghiên cứu tìm hiểu rất kỹ, đáp ứng những quy định này. Trong năm 2021 và 4 tháng đầu năm 2022, chúng ta xuất khẩu chè sang Pakistan đều đạt tiêu chuẩn", ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết.
Chuẩn hóa chất lượng, tìm kiếm thị trường mới
Không chỉ bị siết các quy định về an toàn thực phẩm, 4 tháng đầu năm sản lượng chè xuất khẩu của Việt Nam giảm tới 13%, giảm mạnh nhất trong nhóm các loại nông sản xuất khẩu chủ lực. Nguyên nhân theo các doanh nghiệp chủ yếu do sự sụt giảm từ thị trường Nga, vốn là thị trường nhập khẩu chè nhiều thứ 2 của Việt Nam.
Vùng chè sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ tại thị trấn Sông Cầu, huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên). (Ảnh: TTXVN)
Trước những khó khăn trên, điều đầu tiên các doanh nghiệp cần làm đó là chuẩn hóa lại chất lượng chè xuất khẩu, tìm kiếm thị trường tiềm năng như Đài Loan, Mỹ, EU… Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng chè xuất khẩu, đa dạng hóa sản phẩm chế biến cũng cần thời gian.
1/5 sản lượng chè của Vinatea trước đây xuất khẩu vào thị trường Nga, nhưng khi việc xuất khẩu sang Nga gặp khó, họ phải tính đến việc xoay trục, chuyển hướng đến khách hàng Đài Loan, EU. Tuy nhiên việc này không dễ, họ gần như phải làm lại từ đầu.
"Tìm kiếm những khách hàng đối tác chiến lược, như Unilever, Đài Loan, Mỹ để bàn bạc, tương tác với khách hàng; tích hợp những bộ tiêu chuẩn và tập trung khâu thay đổi trong sản xuất, chế biển nhằm đáp ứng đề bài của khách hàng", ông Nguyễn Hồng Anh, Tổng Giám đốc Vinatea, chia sẻ.
Để chinh phục thị trường khó tính, doanh nghiệp cho biết, việc đầu tiên và khó nhất là phải quy chuẩn hóa vùng trồng trên 3.000 ha chè, từ việc áp dụng bộ tiêu chuẩn RA, đến việc quản lý giám sát sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, đặc biệt là phải quản lý chặt chẽ khâu thu hái...
Sau khi thu hái, chè được đưa về nhà máy cách đó không xa để đưa vào chế biến ngay, đảm bảo chất lượng chè cao nhất. Cũng theo đại diện doanh nghiệp, hiện họ phải tương tác và làm theo yêu cầu của khách hàng, có như vậy mới mở rộng được thị trường.
Theo tính toán của các doanh nghiệp, nếu xuất khẩu ổn định vào được những thị trường khó tính thì giá trị cũng theo đó tăng lên hàng chục %. Hiệp hội chè Việt Nam cho biết, hiện đang có xu hướng các doanh nghiệp đầu tư sản xuất chè chất lượng cao
"Nhiều doanh nghiệp đang cam kết và tìm mọi giải pháp để cải thiện vùng trồng và đảm bảo được nguồn nguyên liệu đưa vào sản xuất, đảm bảo chất lượng, quy định của nước nhập khẩu", ông Hoàng Vĩnh Long, Phó Tổng Thư ký, Hiệp hội chè Việt Nam, cho hay.
Việt Nam đứng thứ 6 về sản lượng chè trên thế giới, nhưng tổng doanh thu của ngành chè chỉ vỏn vẹn khoảng 500 triệu USD. Việc chuyển hướng, coi thị trường khó tính là đích đến đang được các doanh nghiệp kỳ vọng sẽ thay đổi thực tế trên.
Định hướng phát triển chè Shan tuyết
Ngoài việc tìm kiếm thị trường mới, chuẩn hóa chất lượng dòng chè đen, chè xanh là 2 loại chè chủ yếu của Việt Nam, một vài năm trở lại đây, dòng chè đặc sản, chè Shan tuyết lại là đích ngắm của nhiều địa phương và doanh nghiệp, hướng đến phát triển, xuất khẩu
Hợp tác xã Xà Phìn có 50 ha chè Shan tuyết cổ thụ, mỗi gốc cây ở đây đều có hàng trăm năm tuổi. Từ khi liên kết với doanh nghiệp, mỗi gốc cây chè được đánh số để bảo vệ, chăm sóc, thu hái theo đúng quy trình doanh nghiệp đưa ra.
Đóng gói sản phẩm chè Shan tuyết ở HTX Sơn Trà, xã Hồng Thái, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang. (Ảnh: TTXVN)
"Công ty Việt Nam đặt tiêu chuẩn chất lượng rất cao nên bà con rất phải cẩn thận trong thu hái, không bị dập chè, sáng hái, chiều mang đến xưởng để chế biến", ông Tương Văn Chóng, Hợp tác xã Xà Phìn, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang, cho biết.
Chè được chế biến theo đúng chuẩn để ra thành phẩm cuối cùng. Theo đại diện địa phương, hiện những sản phẩm chè Shan tuyết của họ đã xuất khẩu sang một số thị trường khó tính.
Trong bối cảnh các quy định về chất lượng và an toàn thực phẩm của EU, Hoa Kỳ ngày càng nghiêm ngặt, theo Hiệp hội chè Việt Nam, thúc đẩy dòng chè hữu cơ, chè cổ thụ đặc sản là hướng đi vừa đúng, vừa trúng và nâng tầm giá trị cho cả ngành chè Việt Nam.
"Chè Shan đặc sản của các tỉnh miền núi phía Bắc, hiện nay chúng ta có những cân chè xuất bán ra nước ngoài với giá hàng chục triệu", ông Hoàng Vĩnh Long, Phó Tổng Thư ký, Hiệp hội chè Việt Nam, cho hay.
Hướng đi được nhiều doanh nghiệp ưu tiên trong thời gian tới là thay đổi cơ cấu của ngành chè giảm sản lượng, tăng giá trị xuất khẩu.
Cũng theo Hiệp hội chè Việt Nam hiện nay, ngành chè cũng đang tập trung nghiên cứu phát triển thêm nhiều giống chè mới, vừa năng suất vừa đạt chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu thị trường.
VTV.vn - Tuy giá trị kinh tế cao nhưng việc phát triển chè Shan Tuyết hiện còn hạn chế. Bài toán về vùng nguyên liệu, công nghệ chế biến và thị trường còn nhiều khó khăn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.57472653291502202-uahk-taux-ehc-gnoul-tahc-aoh-nauhc/et-hnik/nv.vtv