Sân vận động Mỹ Đình náo nhiệt cổ vũ điền kinh
16h ngày 18/5, sân vận động Mỹ Đình (Hà Nội) đón hàng vạn khán giả đến cổ vũ môn điền kinh. Điểm gửi xe máy trong sân phải mở rộng lên gấp đôi vì tình trạng quá tải. Khắp các khán đài, không khí cuồng nhiệt của người hâm mộ cùng cờ, hoa, băng rôn, kèn, trống,… như tiếp sức cho các vận động viên.
Ngọc Minh, 26 tuổi, nhân viên văn phòng, vừa cổ vũ môn chạy tiếp sức, vừa làm việc trên khán đài. Cô nói mỗi ngày đều dành thời gian đến các sân vận động, nhà thi đấu ở Hà Nội, xem một bộ môn thể thao trong khuôn khổ SEA Games 31.
Tại sân Mỹ Đình, mỗi khi vận động viên chạy trên đường băng, qua khu vực Minh ngồi, cô lại gạt máy tính sang một bên, đứng dậy vỗ tay reo hò. Điều cô ấn tượng nhất, không chỉ là những tấm huy chương, mà là tình yêu của người hâm mộ nước nhà dành cho kì đại hội thể thao lần này.
"Mỗi khi Việt Nam dành huy chương vàng, đứng dậy cùng hát Quốc ca với mọi người, là giây phút tôi tự hào nhất", Minh kể.
Sân vận động Mỹ Đình phủ kín khán giả chiều 18/5 (Ảnh: Minh Nhân)
Nữ nhân viên văn phòng quan sát, trên sân vận động Mỹ Đình, không chỉ người lớn, mà trẻ nhỏ cũng được bố mẹ đưa đến sân trải nghiệm không khí SEA Games mà 19 năm mới quay lại Việt Nam. Tiếng hò reo, cổ vũ liên hồi giúp các vận động viên dưới đường chạy, ở các hố nhảy, ném, đẩy,… càng thêm tự tin.
Không chỉ sân Mỹ Đình, Cung thể thao dưới nước, Cung thể thao Quần Ngựa, Nhà thi đấu Cầu Giấy... những ngày này luôn đầy ắp khán giả dõi theo các cuộc tranh tài đỉnh cao của thể thao Đông Nam Á.
"Hôm qua, tôi có đến Cung Quần Ngựa xem môn thể dục dụng cụ. Khán giả Việt Nam rất nhiệt tình, bất kể vận động viên nước nào thi đấu, đều cổ vũ nhiệt liệt. Có những màn trình diễn tuyệt vời khiến khán giả đứng dậy, vỗ tay không ngớt. Rất khí thế và sôi động", Minh kể.
Theo Minh, trải qua 2 năm đại dịch Covid-19, SEA Games như liều vaccine hiệu quả nhất để "hàn gắn những vết thương". Qua theo dõi, cô biết, không chỉ tại Hà Nội mà 11 tỉnh/ thành khác diễn ra các môn thi đấu trong khuôn khổ SEA Games đều bao trùm bầu không khí háo hức, vui vẻ và thân thiện.
"Không riêng bóng đá, mọi môn thể thao đều được cổ vũ. Theo tôi, chính thể thao đã kết nối chúng ta với nhau, nuôi dưỡng những giá trị tinh thần tốt đẹp. Mỗi người nên thử cảm giác đến các sân vận động, nhà thi đấu, theo dõi một trận đấu, để cảm nhận tình yêu thể thao bất tận của người dân Việt Nam", Minh tâm sự.
Hàng vạn khán giả đã đến cổ vũ các đội tuyển điền kinh tại sân vận động Mỹ Đình trong nhiều ngày qua (Ảnh: Minh Nhân)
Ông Nguyễn Trọng Hổ, Giám đốc Khu liên hợp Thể thao Quốc gia cho biết, tại SEA Games 31, mỗi trận điền kinh thu hút hơn 10.000 khán giả đến cổ vũ, trên tổng 40.000 ghế ngồi tại sân Mỹ Đình. Lượng người hâm mộ gấp khoảng 20 lần so với các giải đấu khác.
Trong nhiều trận đấu, cổ động viên phải đến sớm để xếp hàng vào sân, "tranh" vị trí đẹp để thuận tiện theo dõi.
"SEA Games lần này ghi nhận một lượng khán giả đến cổ vũ các môn thể thao rất lớn, không chỉ riêng bóng đá. Một số khu thi đấu riêng như bơi lội, bắn cung nhiều lúc phải đóng cửa, ngừng nhận khán giả vì sân quá tải", ông Nguyễn Trọng Hổ nói.
Bản thân ông Hổ rất bất ngờ khi số lượng cổ động viên rất lớn, đặc biệt các vòng tranh huy chương. Điều này vừa là động lực, vừa là thách thức đối với ban quản lý trong công tác vệ sinh, an ninh và đảm bảo tốt nhất để các vận động viên thi đấu.
Cổ động viên đội mưa 3 trận liên tiếp cổ vũ U23 Việt Nam
Với tình yêu bóng đá, yêu đội tuyển U23 Việt Nam, cổ động viên đã có 3 ngày liên tiếp đội mưa đội gió tiếp sức cho thầy trò huấn luyện viên Park Hang-seo trên sân vận động Việt Trì (tỉnh Phú Thọ).
Trong khi đó, tại sân Thiên Trường (tỉnh Nam Định) đăng cai tổ chức bảng B, dù không có sự hiện diện của U23 Việt Nam, nhưng mỗi trận đấu tại đây, khán đài đều chật cứng người hâm mộ. Không khí trên sân Thiên Trường làm cho các đội bóng có cảm giác như đang được đá trên chính sân nhà của mình. Điều này đã gây ấn tượng mạnh với bạn bè Đông Nam Á.
Tại sân vận động Cẩm Phả (tỉnh Quảng Ninh), từ sáng sớm, nườm nượp người dân xếp hàng chờ nhận vé xem trận bán kết giữa tuyển nữ Việt Nam và Myanmar. Khán đài tối 18/5 phủ đỏ sắc cờ Tổ quốc, cổ vũ những cô gái vàng của thể thao nước nhà.
Khán đài sân vận động ở Phú Thọ tràn ngập sắc đỏ của cổ động viên Việt Nam (Ảnh: Phương Thảo)
Chị Hạnh - một cổ động viên nhiệt thành đến từ Hải Phòng, đã dõng dạc tuyên bố trên sân Việt Trì ngay trận mở màn giữa Việt Nam và Indonesia: "Tôi sẽ tặng đội tuyển bóng đá nam 300 triệu đồng, đội tuyển bóng đá nữ 500 triệu đồng nếu giành được chức vô địch SEA Games".
Đây không phải lần đầu tiên chị Hạnh tuyên bố "thưởng nóng" cho đội tuyển. Với những người yêu bóng đá Việt Nam, chị được biết đến là một cổ động viên "quen mặt" gần 30 năm qua, từ thời lứa cầu thủ Nguyễn Hồng Sơn, Huỳnh Đức.
Trước đó, chị đã từng cùng bạn lặn lội sang Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đầu tháng 1/2019, mang theo 100kg thức ăn cho các cầu thủ. Đến tháng 11/2019, một lần nữa, nữ cổ động viên theo chân tuyển bóng đá nữ sang Philippines tiếp tế 60kg thực phẩm.
Bằng một tinh thần yêu thể thao vô cùng nhiệt huyết, chị cũng từng khẳng định: "Cầu thủ ở đâu, tôi ở đó"!
Cổ động viên nhiệt thành Tuấn Trâu Vàng (Ảnh: Phương Thảo)
Một cổ động viên bóng đá nhiệt thành khác không kém, là ông Nguyễn Quang Tuấn, 73 tuổi, được mệnh danh là "Cổ động viên số 1 Việt Nam" hay "Tuấn Trâu Vàng", 20 năm qua chưa bỏ lỡ kì SEA Games nào. Mỗi kì SEA Games hay bất cứ giải đấu nào, ông đều sáng tạo trang phục và mũ linh vật tương ứng, lên đường đến các sân vận động tiếp lửa cho đội tuyển Việt Nam.
Năm 2020, loài sao la – "kỳ lân Châu Á" được chọn là linh vật của SEA Games 2021 tại Việt Nam. Ông Tuấn lên ý tưởng về cặp mũ sao la, nhưng gián đoạn do sức khỏe yếu, phải nằm viện điều trị 15 ngày. Để kịp tiến độ, ông nhờ người quen dựng trước khung và cắt gọn mũ. Xuất viện, ông dành 5 ngày liên tiếp để làm mũ sao la.
Trên sân vận động Việt Trì (Phú Thọ), ông Tuấn nổi bật với bộ trang phục đỏ và cặp mũ sao la "khổng lồ". Ông cùng các cổ động viên nhiệt thành khác, thắp đỏ tinh thần yêu bóng đá.
Choáng ngợp cảnh cổ động viên "bủa vây" đội tuyển bóng rổ Việt Nam sau chiến thắng
Tối ngày 17/5, sau chiến thắng lội ngược dòng 86-83 đầy cảm xúc trước Singapore, đội tuyển bóng rổ Việt Nam rời nhà thi đấu Thanh Trì trong sự "bủa vây" nồng hậu của người hâm mộ dù phải đợi gần một tiếng.
Sự săn đón cũng như chờ đợi của cổ động viên là minh chứng cho thấy bộ môn trái bóng cam đã và đang có được chỗ đứng trong lòng người hâm mộ yêu thể thao tại Việt Nam. Chính sự cuồng nhiệt từ phía gần 1.000 cổ động viên nán lại đã khiến đội ngũ tình nguyện viên phải rất vất vả trong việc mở đường cho các cầu thủ đi. Một tình nguyện viên thậm chí còn phải bám vào cần gạt nước của ô tô để ngăn cổ động viên tràn lên.
Khung cảnh chật cứng bên ngoài nhà thi đấu Thanh Trì (Ảnh: Huy Phạm)
Người đi đầu tiên là Võ Kim Bản, cầu thủ trẻ gốc Sóc Trăng người đã góp 5 điểm trong chiến thắng 86-83 của tuyển Việt Nam trước Singapore. Những cánh tay chào đón của người hâm mộ hai bên lối đi (Ảnh: Huy Phạm)
Khoảnh khắc choáng ngợp của cổ động viên Việt Nam dành cho môn bóng rổ (Ảnh: Huy Phạm)
Bà con Hòa Bình leo lên đỉnh núi cổ vũ các "cua rơ"
Trong khi đó, tại Hòa Bình, hàng trăm người hâm mộ "phủ kín" đoạn đường xuất phát và về đích, cổ vũ môn xe đạp địa hình SEA Games 31. Không chỉ băng rôn, cờ đỏ sao vàng, người dân còn mang theo nắp, chảo và trống, hòa mình vào không khí sôi động. Bà con thậm chí leo lên đỉnh núi, háo hức xem các "cua rơ" xe đạp trổ tài.
Môn đua xe đạp tranh tài tại Hòa Bình từ ngày 14 đến 22/5, với 8 quốc gia Việt Nam, Philippines, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Campuchia, Lào, Singapore, tổng cộng 260 vận động viên và huấn luyện viên.
Bà con Hòa Bình leo lên đỉnh núi cổ vũ các "cua rơ" môn xe đạp địa hình (Ảnh: An Tô)
Những giây phút thể hiện tình yêu thể thao của người dân Việt Nam (Ảnh: An Tô)
Nhà thi đấu như "mở hội" ngày đầu thi Vovinam
Chiều 18/5, tại nhà thi đấu huyện Sóc Sơn (Hà Nội) đã diễn ra các trận đấu đầu tiên ở bộ môn Vovinam trong khuôn khổ SEA Games 31. Trước trận đấu, các khán đài nhà thi đấu đã ken đặc khán giả, không còn hàng ghế trống.
Nhóm sinh viên nhiều trường Đại học trên địa bàn Hà Nội đã mang theo lân sư rồng, kèn trống, cờ quạt, biến nhà thi đấu như "ngày hội" thể thao. Sự cổ vũ nhiệt tình của các bạn trẻ khiến không khí hết sức sôi nổi.
Đáp lại niềm tin yêu của người hâm mộ, ngày ra quân, đội Vovinam Việt Nam xuất sắc giành 3 tấm huy chương.
Nhà thi đấu Sóc Sơn như mở hội ngày đầu thi đấu Vovinam (Ảnh: Thành Đạt)
Đã đi qua nửa chặng đường, SEA Games 31 chứng kiến tình yêu thể thao mãnh liệt của người hâm mộ Việt Nam (Ảnh tại nhà thi đấu Sóc Sơn - Thực hiện: Thành Đạt)
Vận động viên nước ngoài ấn tượng về cổ động viên Việt Nam
Các cổ động viên Đông Nam Á đều phải thán phục trước khung cảnh chật cứng tại sân Thiên Trường (Nam Định) nơi diễn ra các trận đấu trong vòng loại bóng đá nam SEA Games 31. Trang Fanpage ASEAN Football đăng tải hình ảnh sân Thiên Trường, đồng thời nhấn mạnh: "Thật là bầu không khí cuồng nhiệt. 30.000 cổ động viên có mặt ở sân Thiên Trường tối nay. Đây là kỷ lục mới về trận đấu có nhiều khán giả nhất tại một sân vận động trung lập trong lịch sử SEA Games".
Ấn tượng với sự thân thiện, mến khách của người dân Nam Địn, nữ tỷ phú Nualphan Lamsam (biệt danh Madam Pang) đã ủng hộ Quỹ "Vì người nghèo" tỉnh Nam Định 20 triệu đồng. Bà khẳng định, sự nồng nhiệt của cổ động viên giúp các đội bóng chơi hưng phấn hơn dù chủ nhà U23 Việt Nam không thi đấu tại đây.
Mandy Cebelle Chen, vận động viên Wushu của Malaysia trong buổi sáng thi đấu ngày 14/5, đã phải thốt lên "sự cổ vũ của khán giả Việt Nam là động lực với tôi" khi Nhà thi đấu Cầu Giấy nơi cô tranh tài đón một lượng lớn khán giả đến xem và cổ vũ.
Mandy nói rằng sau những ngày phải tập luyện và thi đấu trong những hội trường không khán giả, chứng kiến những khán đài đầy ắp cổ động viên, cô và nhiều vận động viên nước ngoài khác, đều rất xúc động và có nhiều kỷ niệm đẹp.
Felisberto De Deus khoác lá cờ Tổ quốc, còn trên tay là quốc kỳ Việt Nam (Ảnh: An Tô)
Trong khi đó, Felisberto De Deus, 23 tuổi, vận động viên điền kinh đến từ Timor Leste chia sẻ, chính sự cổ vũ nhiệt tình và "fair-play" của khán giả Việt Nam đã giúp anh có thêm động lực vượt qua sự mệt mỏi trên đường chạy 10.000m. Dù chưa thể bước lên bục cao nhất, nhưng vận động này vẫn rất ấn tượng với những gì đã trải qua.
Anh xuất sắc mang về 2 tấm huy chương bạc quý giá cho đất nước nhỏ bé của mình, có màn ăn mừng đầy cảm xúc quanh sân Mỹ Đình.
"Tôi từng dự SEA Games ở Philippines năm 2019, nhưng lần đó không đoạt huy chương. Bởi vậy, tôi rất vui, hạnh phúc khi mang về thành tích cho Timor Leste tại Hà Nội lần này. Thật hạnh phúc khi được thi đấu trên sân vận động sôi động vì sự cổ vũ nhiệt tình của khán giả như thế này", Felisberto nói.
https://kenh14.vn/sea-games-31-tai-viet-nam-noi-nhung-khan-dai-nhiet-thanh-luon-day-ap-co-dong-vien-20220519102739812.chnTheo Minh Nhân
Tổ Quốc