Dự án làm đường gom đường vào cầu Rạch Miễu là một trong những dự án được đề xuất bố trí vốn trong chương trình. Trong ảnh là phối cảnh cầu Rạch Miễu 2.
Yêu cầu trên được đưa ra trong văn bản mới nhất của Bộ Kế hoạch và đầu tư gửi các bộ ngành, địa phương ngày 18-5 đề nghị rà soát danh mục các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, cho ý kiến về việc phải hoàn thành các thủ tục đầu tư chậm nhất sau 30 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo tổng mức vốn.
Phần lớn nguồn vốn dành cho hạ tầng giao thông
Trước đó, trong báo cáo về danh mục và tổng mức vốn bố trí cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Kế hoạch và đầu tư cho biết trong tổng số vốn ngân sách được Quốc hội thông qua về tăng chi đầu tư phát triển là 176.000 tỉ đồng để thực hiện chương trình.
Trong khi đó, các bộ và cơ quan trung ương, địa phương đề xuất bố trí vốn cho 393 dự án với tổng số vốn là 135.665 tỉ đồng (không bao gồm 40.000 tỉ đồng hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh).
Trong đó, Bộ Y tế đã đề xuất bố trí vốn cho các dự án đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mua sắm trang thiết bị... với tổng số tiền là 13.845 tỉ đồng cho 272 dự án.
Đối với nhóm dự án đầu tư xây mới, cải tạo, hiện đại hóa các cơ sở trợ giúp xã hội, đào tạo việc làm, Bộ Lao động - thương binh và xã hội đề xuất bố trí 3.150 tỉ đồng cho 36 dự án.
Nguồn vốn cũng được đề xuất để bố trí cấp vốn điều lệ, cấp bù lãi suất. Cụ thể, đề xuất bố trí 5.000 tỉ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện cấp bù lãi suất; hỗ trợ lãi suất theo chương trình tín dụng cho khoản vay hiện hành là 6%/năm là 3.000 tỉ đồng; cấp vốn điều lệ cho Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch là 300 tỉ đồng…
Đáng chú ý, phần lớn nguồn vốn được đề xuất dành cho các dự án ngành giao thông với 103.164 tỉ đồng. Bao gồm 6 dự án do Bộ Giao thông vận tải đề xuất với tổng vốn bố trí là 87.430 tỉ đồng; dự án do địa phương đề xuất là 15.734 tỉ đồng cho 7 dự án.
Khó thực hiện và giải ngân hết số vốn bố trí trong 2022-2023
Ngoài ra là các dự án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển, đảm bảo an toàn hồ chứa, thích ứng biến đổi khí hậu, khắc phục hậu quả thiên tai. Bao gồm: Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đề xuất bố trí vốn cho 46 dự án với tổng vốn 5.000 tỉ đồng; các dự án công nghệ thông tin, chuyển đổi số theo đề xuất của 10 bộ ngành là 5.206 tỉ đồng cho 22 dự án.
Theo Bộ Kế hoạch và đầu tư, danh mục các dự án được đề xuất có sự thay đổi so với danh mục dự án Chính phủ đã báo cáo Quốc hội trước đó, do một số có trùng lặp hoặc chưa phê duyệt thủ tục. Đánh giá về khả năng thực hiện và giải ngân hết số vốn, bộ này cho rằng để thực hiện trong năm 2022 - 2023 là khó khả thi. Cũng bởi cần nhiều thời gian để hoàn thiện thủ tục đầu tư theo quy định, nhất là các dự án có tổng mức đầu tư lớn, tính chất phức tạp, đặc thù.
Chưa kể, quy trình giao vốn cho các nhiệm vụ, dự án phải trải qua nhiều bước như phải được thông báo về danh mục và mức vốn dự kiến, các đơn vị mới triển khai hoàn thiện thủ tục, làm cơ sở để giao kế hoạch vốn, báo cáo Thủ tướng, Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi phân bổ vốn, mới có căn cứ để quyết định giao vốn.
Đề xuất danh mục 113 nhiệm vụ, dự án với 149.201 tỉ đồng
Trên cơ sở tổng hợp, Bộ Kế hoạch và đầu tư kiến nghị Thủ tướng cho phép thay đổi, cập nhật, bổ sung điều chỉnh dự án nhưng không làm thay đổi tổng mức vốn bố trí cho từng lĩnh vực, phù hợp với nguyên tắc, tiêu chí được Quốc hội thông qua.
Thông báo danh mục 113 nhiệm vụ, dự án với mức vốn triển khai là 149.201 tỉ đồng để làm thủ tục đầu tư. Bao gồm dự án: cải tạo, xây mới, hiện đại hóa hệ thống y tế là 3.150 tỉ đồng; 5.000 tỉ đồng cấp bù chênh lệch lãi suất; 300 tỉ đồng vốn điều lệ cho Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch.
Cùng với đó là 9 dự án giao thông với tổng vốn 91.330 tỉ đồng; dự án chống sạt lở bờ sông, bờ biển, ứng phó biến đổi khí hậu… với 5.000 tỉ đồng cho 46 dự án; dự án công nghệ thông tin và chuyển đổi số là 4.421 tỉ đồng.
Triển khai hỗ trợ lãi suất cho vay từ ngân sách nhà nước với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh với tổng vốn 40.000 tỉ đồng.
Với số vốn còn lại là 26.799 tỉ đồng dự kiến phân bổ cho lĩnh vực y tế, các dự án cao tốc, sẽ thông báo khi đủ điều kiện. Còn lại 965 tỉ đồng không đủ điều kiện, đề xuất bố trí cho 2 dự án đầu tư công trình thiết yếu trên địa bàn huyện Thuận Nam và Ninh Hải và dự án đường gom đường vào cầu Rạch Miễu 2.
TTO - Phó thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu tập trung đầu tư vào những dự án trọng điểm có sức lan tỏa và cấp bách để hoàn thành sớm, tạo ra không gian và động lực mới, dứt khoát không bố trí dàn trải, chia đều, manh mún.