Nhóm tình nguyện lắp phao trên cầu Chương Dương (Hà Nội) - Ảnh: Khánh Barbarian
Liên quan vụ phao cứu sinh trên các cây cầu bắc qua sông Hồng bỗng dưng "biến mất", qua tìm hiểu, những chiếc phao trên không phải do các đối tượng xấu lấy cắp mà do đơn vị quản lý cầu - Công ty công trình giao thông Hà Nội thu về để "làm rõ cơ chế phối hợp".
Sáng 20-4, Tuổi Trẻ Online đã liên hệ với bà Đỗ Thị Thanh Thủy - phó giám đốc Công ty công trình giao thông Hà Nội - để tìm hiểu rõ về sự việc.
Theo bà Thủy, phao được đơn vị thu về bởi những người thực hiện lắp đặt phao chưa xin phép đơn vị quản lý cầu nhưng đã "tự ý làm".
"Khi thực hiện bất cứ một việc gì, các bạn tình nguyện viên cũng phải liên hệ các đơn vị quản lý để có sự thống nhất chung. Không thống nhất mà họ tự ý làm như thế là không phù hợp, tạo tiền lệ xấu", bà Thủy nói và băn khoăn "nếu những người dân khác cũng lắp đặt những thứ khác lên trên cầu thì sẽ ra sao".
Lãnh đạo Công ty công trình giao thông Hà Nội cho biết thêm hiện đơn vị đã mời đại diện nhóm tình nguyện viên lắp đặt phao đến cơ quan làm việc, đồng thời báo cáo đơn vị chủ quản là Sở Giao thông vận tải Hà Nội để thống nhất về phương thức triển khai.
"Ai sẽ là người giữ gìn, ai sẽ là người giúp đỡ người dân, cách lắp đặt như thế nào để đảm bảo an toàn giao thông cho người đi lại trên cầu thì cũng cần phải có thống nhất chung", vị lãnh đạo trên nói thêm.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, anh Nguyễn Ngọc Khánh - đại diện nhóm tình nguyện lắp đặt phao cứu sinh - cho biết đã nhóm đã liên hệ với Công ty công trình giao thông Hà Nội, thứ 2 tuần tới sẽ tới cơ quan này làm việc.
"Công ty chưa nói gì cả, chỉ nói lên làm việc. Tôi nghĩ việc cơ quan này mời lên làm việc để làm rõ hơn về cơ chế phối hợp, đúng thủ tục hành chính", anh Khánh nói.
Nói về lý do lắp đặt phao trên các cây cầu nhưng "không xin phép", anh Khánh cho biết trước đó nhóm tình nguyện không có thông tin rõ ràng là phải xin phép đơn vị nào, thủ tục ra sao, nên dẫn tới việc những chiếc phao vừa lắp đã bị thu giữ.
Trước đó, từ ngày 6 đến 15-5, nhóm tình nguyện của anh Nguyễn Ngọc Khánh đã lắp hơn 100 trong số 400 chiếc phao cứu sinh trên những cầu bắc qua sông Hồng của 10 tỉnh.
Những chiếc phao được lắp với mong muốn cung cấp công cụ cho những người đuối nước, người muốn cứu nạn có thêm hy vọng sống, thay vì chỉ đứng trên cầu hô hoán, hay "khi nhảy xuống mới hối hận".
Tuy nhiên, ghi nhận của Tuổi Trẻ Online trong ngày 19-5, nhiều chiếc phao được nhóm tình nguyện trên lắp đặt tại cầu Nhật Tân, Chương Dương, Vĩnh Tuy... đã "không cánh mà bay".
Những chiếc phao cứu sinh đột nhiên biến mất khiến nhóm tình nguyện đặt giả thuyết bị kẻ xấu lấy cắp.
TTO - Vừa lắp đặt được 4 ngày, nửa số phao trên các cây cầu qua sông Hồng do nhóm tình nguyện của anh Nguyễn Ngọc Khánh thực hiện đã biến mất.