Đây là thông tin được ông Lê Anh Dũng, Phó vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước, cho biết tại họp báo về chuỗi sự kiện hưởng ứng "Ngày không tiền mặt 2022", chiều 20-5, do Ngân hàng Nhà nước và Báo Tuổi Trẻ tổ chức.
Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy các kênh thanh toán không dùng tiền mặt tăng nhanh trong thời gian qua. Đến nay, tỷ lệ người dân trưởng thành có tài khoản thanh toán đạt gần 66% với tốc độ tăng trưởng bình quân 11,44% trong giai đoạn năm 2015-2021. Như vậy, cứ mỗi 100 người trưởng thành có khoảng 66 người có tài khoản ngân hàng.
Đồng thời, đã có khoảng 3,4 triệu tài khoản và 1,3 triệu thẻ ngân hàng được mở mới trực tuyến, từ xa qua phương thức điện tử (eKYC). Trong số 1,1 triệu khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ Mobile Money, có gần 660.000 là khách hàng ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo (chiếm hơn 60% tổng số khách hàng đăng ký và sử dụng dịch vụ).
Thanh toán không dùng tiền mặt tăng nhanh và duy trì ở mức cao cả sau dịch Covid-19
Ông Lê Anh Dũng cho biết đến tháng 4-2022, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 69,7% về số lượng, 27,5% về giá trị; giao dịch qua Internet cũng tăng tương ứng 48,3% và 32,7%; qua điện thoại di động tăng tương ứng 97,6% và 86,6%; qua QR code tăng tương ứng 56,5% và 111,6% so với cùng kỳ năm 2021. Tổng số ví điện tử đã kích hoạt tăng 10,37% so với cuối năm 2021.
Để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng thanh toán, tăng cường tích hợp, kết nối với các ngành, lĩnh vực khác để cung ứng dịch vụ thanh toán tiện ích nền tảng số, giúp tăng tính tiện ích, trải nghiệm cho khách hàng.
Như đối với phương thức chuyển tiền nhanh bằng mã VietQR của Công ty CP Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas), ông Nguyễn Đăng Hùng, Phó Tổng giám đốc, cho hay chỉ sau 1 năm triển khai phương thức này tổng giá trị thanh toán qua VietQR đạt 56.000 tỉ đồng, tốc độ tăng trưởng 45-50% hàng tháng. Mức tăng trưởng này cao hơn gấp 7-10 lần các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt khác. Napas sẽ tiếp tục mở rộng VietQR ra thị trường và liên thông với nhiều lĩnh vực khác để phương thức thanh toán này phát triển cả ở thành phố và vùng nông thôn.
Một thông tin đáng chú ý tại họp báo được đại diện Ngân hàng Nhà nước chia sẻ liên quan đến việc ứng dụng CCCD gắn chip vào sản phẩm, dịch vụ ngân hàng. Mới đây, một số ngân hàng như Vietinbank, BIDV đã phối hợp cùng Trung tâm Dữ liệu dân cư Quốc gia - Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) ra mắt dịch vụ rút tiền bằng CCCD.
Ông Lê Anh Dũng thông tin hiện đang có khoảng 5 ngân hàng triển khai thí điểm ở Hà Nội, Quảng Ninh, TP HCM, sau giai đoạn thí điểm bảo đảm an ninh, an toàn sẽ tiếp tục mở rộng ra các ngân hàng khác và áp dụng thêm nhiều địa phương khác. Để làm điều này, cần chính sách quy định cụ thể hơn từ Chính phủ liên quan đến xác thực điện tử là CCCD gắn chip.
"Còn thẻ CCCD khi sử dụng tại ATM cũng là thẻ chip, có các thông tin nhân khẩu học, sinh trắc học, vân tay, khuôn mặt… nên khả năng tội phạm công nghệ cao có thể can thiệp, lấy thông tin như thẻ từ trước đây thì rất thấp và chúng ta tin tưởng vào phương thức xác thực này" – ông Dũng nói thêm.
Xem thêm: mth.68292637102502202-pihc-nag-dccc-auq-mta-ut-neit-tur-gnor-om/et-hnik/nv.moc.dln