Sau khi các lệnh trừng phạt làm cản trở hoạt động sản xuất tại nhà máy của Avtotor ở Kaliningrad, hãng ôtô Nga quyết định tung ra chương trình xổ số miễn phí trúng các lô đất rộng 4 ha kèm cơ hội mua khoai tây giống để nhân viên có thể tự trồng trọt lương thực trong "tình hình kinh tế khó khăn".
Ở Moskva, những người mua hàng cũng phàn nàn rằng một kg chuối đã tăng lên 100 ruble so với 60 ruble trước đây. Trong khi ở Irkutsk - thành phố công nghiệp ở Siberia - giá băng vệ sinh tại một cửa hàng đã tăng gấp đôi, lên 7 USD. Các ngân hàng đã rút ngắn biên lai để đối phó với tình trạng thiếu giấy tờ; còn các nhà sản xuất quần áo cho biết họ sắp hết cúc...
"Triển vọng kinh tế của Nga đặc biệt u ám", Ngân hàng Phần Lan nhận định trong một phân tích gần đây. Theo đơn vị này, bằng cách khơi mào một cuộc xung đột quân sự với Ukraine, Nga đã chọn con đường trở nên nghèo hơn và ít ảnh hưởng hơn về mặt kinh tế.
Ngân hàng Trung ương Nga dự đoán tỷ lệ lạm phát sẽ từ 18% đến 23% trong năm nay và tổng sản lượng sụt giảm tới 10%.
Tuy nhiên, Tổng thống Vladimir V. Putin khẳng định nền kinh tế đang vượt qua các biện pháp trừng phạt của Mỹ, châu Âu và những nước khác. Các động thái tài chính do Moskva thực hiện đã giúp giảm bớt thiệt hại kinh tế ban đầu. Khi bắt đầu xung đột, ngân hàng trung ương nước này đã tăng gấp đôi lãi suất lên 19% để ổn định tiền tệ, trước khi hạ xuống còn 14%. Đồng ruble đang được giao dịch ở mức cao nhất trong hơn hai năm.
Và mặc dù Nga đã phải bán dầu giảm giá, sự gia tăng chóng mặt của giá toàn cầu đang giúp doanh thu từ dầu mỏ dự kiến tăng vọt lên 180 tỷ USD trong năm nay bất chấp việc cắt giảm sản lượng, theo Rystad Energy. Việc cung cấp khí đốt tự nhiên cũng sẽ bổ sung thêm 80 tỷ USD vào kho bạc của Moskva.
Đến nay, rất ít dấu hiệu cho thấy áp lực từ nước ngoài sẽ khiến ông Putin thay đổi chiến dịch ở Ukraine. Tuy nhiên, xổ số trúng đất trồng rau của Avtotor, cùng với tình trạng thiếu hụt hàng hóa và tăng giá mà người dân đối diện, là những dấu hiệu cho thấy tình trạng khó khăn bủa vây một số doanh nghiệp và công nhân Nga.
Các nhà phân tích cho rằng quan hệ rạn nứt với nhiều đối tác thương mại và cường quốc công nghệ lớn nhất thế giới sẽ gây thiệt hại sâu sắc và lâu dài cho nền kinh tế Nga. "Thời kỳ thực sự khó khăn đối với nền kinh tế Nga vẫn còn ở phía trước", Laura Solanko, Cố vấn cấp cao Viện Nghiên cứu các nền kinh tế mới nổi của Ngân hàng Phần Lan, nhận định.
Theo bà Solanko, lượng vật tư và phụ tùng thay thế để doanh nghiệp duy trì hoạt động sẽ cạn kiệt trong vài tháng tới. Đồng thời, việc thiếu công nghệ phức tạp và đầu tư từ nước ngoài sẽ cản trở năng lực sản xuất của Nga trong tương lai. Ngân hàng Trung ương Nga nhìn nhận rằng, nhu cầu tiêu dùng và cho vay đang xuống dốc, "các doanh nghiệp đang gặp khó khăn đáng kể trong sản xuất và hậu cần".
Ivan Khokhlov, Đồng sáng lập 12Storeez, một thương hiệu quần áo với 1.000 nhân viên và 46 cửa hàng, đang phải đối mặt với vấn đề này. "Với mỗi làn sóng trừng phạt mới, việc sản xuất đúng tiến độ càng trở nên khó khăn hơn", ông nói. Tài khoản ngân hàng của công ty ở châu Âu vẫn bị phong tỏa vì các lệnh trừng phạt, trong khi gián đoạn hậu cần đã buộc ông tăng giá.
"Chúng tôi phải đối mặt với sự chậm trễ, gián đoạn và tăng giá. Khi hoạt động hậu cần với châu Âu đứt gãy, chúng tôi phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc - nước cũng có những khó khăn riêng", Ivan nói.
Theo thống kê của Trường Quản lý Yale, hàng trăm công ty nước ngoài đã ngừng hoạt động hoặc rút hoàn toàn khỏi Nga. Cuộc "di cư" tiếp tục diễn ra trong tuần này với McDonald’s. Sau ba thập kỷ, họ đã lên kế hoạch bán mảng kinh doanh gồm 850 nhà hàng, sử dụng 62.000 lao động Nga.
Nhà sản xuất ôtô Pháp Renault cũng thông báo một thỏa thuận với chính phủ Nga để rời khỏi đất nước này hồi đầu tuần. Công ty giấy Stora Enso (Phần Lan) cho biết đang thoái vốn khỏi ba nhà máy bao bì ở Nga.
Những thiệt hại sâu sắc hơn đối với cấu trúc của nền kinh tế Nga có thể gia tăng trong những năm tới, ngay cả trong lĩnh vực năng lượng vẫn mang tiền về. Việc châu Âu quay lưng với dầu khí Nga sẽ buộc Moskva phải tìm kiếm thêm các khách hàng, đặc biệt là ở Trung Quốc và Ấn Độ.
Nhưng việc xoay trục sang châu Á sẽ mất nhiều thời gian và các khoản đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng mà trong trung hạn sẽ khiến sản lượng và doanh thu của Nga giảm mạnh, theo Daria Melnik, Nhà phân tích cấp cao của Rystad Energy. "
Nếu không có đủ kho lưu trữ, Nga có thể phải cắt giảm sản lượng khai thác dầu khí tổng thể. Tuy nhiên, giếng khoan không giống như vòi nước mà dễ dàng bật và tắt. Khi đóng nắp khoan thì có xác suất sẽ không bao giờ khởi động lại được nữa. "Một số công suất dự phòng của Nga sẽ bị phá hủy", bà Melnik nói.
Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov nói rằng các lệnh trừng phạt có thể khiến sản lượng dầu sụt giảm 17% trong năm nay. Nhưng một số lĩnh vực khác còn giảm mạnh hơn. Sản lượng xe du lịch đã giảm 72% trong tháng 3 so với cùng kỳ 2021.
Trong lĩnh vực công nghiệp - bao gồm hóa chất, dầu, khí đốt và sản xuất - khối lượng nhập khẩu trung bình trong 4 tuần giảm 88% so với đầu tháng 2, theo đơn vị chuyên theo dõi chuỗi cung ứng FourKites. Khối lượng nhập khẩu liên quan đến tiêu dùng giảm 76%, khiến người Nga gặp khó khăn trong việc mua băng vệ sinh và điện thoại di động. Các bệnh viện bị hạn chế các bộ phận và vật tư thay thế cho máy lọc máu và máy thở.
Trong một cuộc khảo sát với các chuyên gia chăm sóc sức khỏe vào tháng 4, có 60% người được hỏi cho biết họ đã từng gặp phải tình trạng thiếu hụt. Trong số các sản phẩm nhập khẩu, các mặt hàng thiếu nhiều nhất bao gồm găng tay, ống thông và vật liệu khâu dùng một lần. Trên Twitter, tài khoản có tên "But What Happened?" với gần 44.000 người theo dõi than thở về việc tăng giá mọi thứ, từ dầu gội Palmolive đến quả xuân đào.
Bên ngoài đất nước, triển vọng kinh tế của Nga cũng đang bị thu hẹp. Đầu tháng này, công ty vận hành các nhà máy điện hạt nhân Fennovoima (Phần Lan) đột ngột thông báo sẽ chấm dứt hợp đồng xây dựng một nhà máy ở thành phố phía bắc Hanhikivi với Rosatom - Tập đoàn Năng lượng Hạt nhân Nhà nước Nga.
"Chúng tôi vô cùng thất vọng. Chúng tôi hoàn toàn không thể giải thích được lý do đằng sau quyết định này", Công ty Rosatom nêu trong một tuyên bố.
Phiên An (theo NYT)