Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thông tin về việc đã ban hành Quyết định số 110/QĐ-XPHC xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với Tập đoàn FLC.
Theo đó, FLC bị phạt 100 triệu đồng do không công bố thông tin bắt buộc theo quy định. Cụ thể, FLC đã không công bố trên hệ thống của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và trang thông tin điện tử của Sở Giao dịch chứng khoán Tp.HCM (HoSE) Báo cáo tài chính năm 2021 kiểm toán và Báo cáo thường niên năm 2021.
HoSE đã 2 lần ra văn bản nhắc nhở FLC nộp Báo cáo tài chính song Tập đoàn này cho biết chưa tìm được công ty kiểm toán để hoãn nộp. Cụ thể, Công ty TNHH Kiểm toán - Tư vấn Đất Việt đã được chọn là đơn vị thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính năm 2021 của FLC. Tuy nhiên vào ngày 30/3 năm nay, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành quyết định đình chỉ tư cách được chấp thuận kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng thuộc lĩnh vực chứng khoán đối với Công ty TNHH Kiểm toán - Tư vấn Đất Việt.
Vì vậy, báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021 của Tập đoàn FLC đến nay chưa được phát hành và công bố thông tin đúng thời hạn quy định. FLC cho biết tập đoàn sẽ gấp rút tìm đơn vị kiểm toán mới trong danh sách được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận để thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính năm 2021.
Tuy nhiên, hiện FLC vẫn chưa tìm được dẫn đến việc bị xử phạt 100 triệu đồng. Cổ phiếu FLC thậm chí đã bị đưa cổ phiếu vào diện cảnh báo từ ngày 12/5 vừa rồi.
Mới đây, FLC gửi công văn về việc sửa báo cáo tài chính bán niên năm 2021 lần thứ 2 song không nêu rõ nguyên nhân. Theo đó, chỉ tiêu lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ, tại Công văn số 267 ngày 6/5, FLC nêu rõ số liệu là 87 tỷ đồng. Tuy nhiên, tập đoàn này cải chính chỉ tiêu này giảm 80% xuống còn 17 tỷ đồng.
Vậy nhưng theo công văn mới nhất gửi lên UBCKNN, FLC lại tiếp tục đính chính lại các số liệu nói trên. Cụ thể, con số đã báo cáo ban đầu là lỗ gộp 41 tỷ đồng chứ không phải lãi gộp 87 tỷ đồng như đã trình bày. Con số cải chính cuối cùng của FLC với chỉ tiêu này là lỗ gộp tới 111 tỷ đồng, tăng 171% lỗ so với con số báo cáo.
Về kết quả kinh doanh 3 tháng đầu năm 2022, FLC chỉ đạt 1.085 tỷ đồng doanh thu, giảm hơn 50% so với cùng kỳ 2021. Đâu cũng là mức thấp nhất trong một quý của tập đoàn này tính từ năm 2016 đến nay. Giá vốn hàng bán cũng doanh nghiệp đã được tiết giảm 54% so với cùng kỳ năm trước song do doanh thu giảm mạnh nên FLC lỗ gộp 14,3 tỷ USD, trái ngược với khoản lãi gộp gần 108 tỷ đồng trong quý I/2021.
Chi phí tài chính là 161 tỷ đồng, tăng gấp gần ba lần cùng kỳ, chủ yếu do tăng chi phí lãi vay và dự phòng các khoản đầu tư khiến tập đoàn này lỗ sâu hơn từ hoạt động kinh doanh. Ngoài ra, FLC còn chịu lỗ 265 tỷ đồng vì khoản đầu tư trong các công ty liên doanh - liên kết, trong khi quý I năm ngoái khoản mục này có lãi gần 18 tỷ đồng.
Sau khi trừ đi các loại chi phí khác, FLC thông báo lỗ sau thuế 465 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi gần 43 tỷ đồng, tương ứng mỗi tháng FLC lỗ khoảng 155 tỷ đồng.
Từ cuối tháng 3 sau khi ông Trịnh Văn Quyết - nguyên Chủ tịch Tập đoàn FLC bị tạm giam vì tội thao túng thị trường chứng khoán, cổ phiếu FLC đã liên tục đi xuống. Chốt phiên 20/5, FLC đang có giá 6.720 đồng/cổ phiếu, giảm khoảng 70% so với giá cao nhất đạt được vào đầu năm nay.