Ngành thủy sản tận dụng cơ hội xuất khẩu
Dù còn gặp khó khăn do căng thẳng địa chính trị trên thế giới và dịch bệnh COVID-19 vẫn chưa kết thúc nhưng bức tranh chung của kinh tế Việt Nam đã có nhiều gam màu sáng. Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã tạo cơ hội để khôi phục nhanh chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động, giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất.
4 tháng đầu năm nay, thu ngân sách nhà nước đạt trên 553 nghìn tỷ đồng, bằng 47% dự toán. Trong đó, các khoản thu từ nội địa, chưa tính tiền sử dụng, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này cho thấy "sức khỏe" của doanh nghiệp đang dần tốt lên.
4 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt trên 122 tỷ USD, tăng 16,5%. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 32,9 tỷ USD, tăng 23,6%. Có 23 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD như thủy sản, dệt may, điện thoại và linh kiện, các mặt hàng nông nghiệp…
Điển hình là ngành thủy sản, kết thúc quý I với sự tăng trưởng ấn tượng khi kim ngạch xuất khẩu tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự báo, quý II tiếp tục tăng trưởng mạnh và có thể chạm mốc 3 tỷ USD nhờ các mặt hàng chủ lực.
4 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt trên 122 tỷ USD, tăng 16,5%. Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN.
Với mặt hàng tôm, xuất khẩu trong tháng 4 đạt 406 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu 4 tháng lên 1,36 tỷ USD, tăng hơn 41% so với cùng kỳ. Trong quý II, ngành tôm bước vào chính vụ thu hoạch với sản lượng lớn nhất trong năm, kéo dài đến hết quý III. Theo các doanh nghiệp, nhu cầu của các thị trường như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… đang tăng cao.
Trong khi đó, xuất khẩu cá tra trong 4 tháng đầu năm đạt 950 triệu USD, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Theo VASEP, mới có thêm 6 doanh nghiệp được Mỹ cấp phép xuất khẩu cá tra sang thị trường này, nâng tổng số lượng lên 19. Còn tại thị trường Trung Quốc, nhu cầu chế biến và tiêu thụ nội địa dự báo sẽ rất lớn.
"Theo thông tin chúng tôi biết được, Thượng Hải đã mở cửa một phần và hy vọng việc mở cửa toàn thị trường Trung Quốc sẽ sớm. Vấn đề phục hồi của thị trường nhập khẩu thuỷ sản Việt Nam lớn nhất sẽ là dấu hiệu tích cực của xuất khẩu thuỷ sản quý II", ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nhận định.
VASEP dự báo, với nhu cầu lớn từ các thị trường, xuất khẩu thuỷ sản quý II sẽ đạt 2,8 - 3 tỷ USD, tăng khoảng 36 - 38% so với cùng kỳ. Nếu đạt được 3 tỷ USD trong quý II, ngành thủy sản sẽ thiết lập được kỷ lục mới về giá trị xuất khẩu trong một quý.
Doanh nghiệp chủ động mở rộng quy mô sản xuất
4 tháng đầu năm nay, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động đã tăng tới 60% so với cùng kỳ năm ngoái. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong tháng 4 cũng lần đầu tiên chạm mốc 15.000 doanh nghiệp/tháng.
Cùng với sự hỗ trợ từ Chương trình phục hồi kinh tế và sự chủ động thích ứng linh hoạt của doanh nghiệp, nhiều đơn hàng mới đã liên tục được ký kết. Các doanh nghiệp cũng liên tục mở rộng quy mô sản xuất.
Hiện có 15 Hiệp định Thương mại tự do đã được ký kết, mới nhất là Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) được thực hiện từ ngày 1/1/2022. Các Hiệp định Thương mại tự do này đang hỗ trợ đắc lực cho các doanh nghiệp Việt Nam chủ động mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng để chinh phục nhiều thị trường lớn trên thế giới.
4 tháng đầu năm nay, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động đã tăng tới 60% so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư.
Từ đầu năm đến nay, liên tục nhiều tổ chức quốc tế cũng đã dự báo lạc quan về tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022 sẽ phục hồi ở mức 6,5%, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo đạt 5,3%, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo ở mức 6%...
Tháng 4 vừa qua ngành du lịch cũng đã đón tới 70.000 lượt khách, gấp gần 5 lần so với cùng kỳ. Những tín hiệu tích cực này đã cho thấy năm nay sẽ là năm khởi đầu của hành trình phục hồi kinh tế.
Mới đây, Bộ Tài chính đã có tờ trình Chính phủ dự thảo Nghị định gia hạn thời gian nộp thuế cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh. Đây là cơ sở để kỳ vọng doanh nghiệp tiếp tục có thêm nguồn lực để đầu tư vào sản xuất kinh doanh, giúp phục hồi và tăng trưởng nhanh hơn trong thời gian tới.
3 kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022 VTV.vn - VEPR dự báo 3 kịch bản tăng trưởng của kinh tế Việt Nam năm 2022 và đánh giá nền kinh tế đang trong quá trình phục hồi. | Điểm sáng phục hồi sau COVID-19 của kinh tế Việt Nam VTV.vn - Việc kiểm soát tốt đại dịch, độ phủ tiêm chủng cao đã giúp Việt Nam sớm khôi phục hoạt động sản xuất, mở cửa du lịch và đưa cuộc sống trở lại bình thường. | Quốc tế đánh giá cao sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ của Việt Nam VTV.vn - Sự phục hồi nhanh sau COVID-19 đã giúp Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. |
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.73952945012502202-cuhp-ioh-gnas-nas-man-teiv-et-hnik/et-hnik/nv.vtv