Niềm vui của Đức Tuân khi đánh bại Phakpoom trong trận chung kết - Ảnh: H.ĐĂNG
Đất Hải Dương từ lâu vẫn được xem là "đất thánh" của môn bóng bàn Việt Nam. Nơi đây từ lâu đã sản sinh ra nhiều tay vợt lừng danh như Nguyễn Đức Long, Vũ Mạnh Cường…
Hừng hực ngọn lửa Hải Dương
Đến những năm gần đây, bóng bàn Hải Dương vẫn duy trì được phong độ ổn định của mình. 3 trong số 10 tuyển thủ bóng bàn dự SEA Games đến từ Hải Dương gồm Nguyễn Đức Tuân, Đoàn Bá Tuấn Anh và Bùi Ngọc Lan. Lẽ tất nhiên, người Hải Dương xem bóng bàn như môn thể thao vua.
Và không có gì ngạc nhiên khi khí thế bên trong nhà thi đấu Hải Dương hôm 20-5 hừng hực ngọn lửa cuồng nhiệt. Từ khoảng 14h, các khán đài đã được lấp kín khi Nguyễn Anh Tú đấu với Phakpoom Sanguansin của Thái Lan ở trận bán kết đầu tiên.
Kế đến là trận bán kết thứ hai giữa Đức Tuân và Clarence Chew - tay vợt xếp hạng 126 thế giới. Kết quả, Tú thất bại, còn Tuân chiến thắng.
Không có nhiều sự khác biệt về trình độ giữa hai tay vợt này, thậm chí Tú có nhiều kinh nghiệm hơn, được đánh giá cao hơn, lại từng 2 lần giành HCV bóng bàn (đồng đội năm 2017 và đôi nam năm 2019) và Tuân gặp đối thủ khó nhằn hơn.
Khán đài bật dậy vì Đức Tuân
Điểm khác biệt lớn nhất làm nên chiến thắng của Đức Tuân trước Chew - một trong hai tay vợt có thứ hạng cao nhất dự SEA Games này (cùng với người đồng hương Pang Yew En Koen, hạng 113 thế giới) nằm ở "ngọn lửa" mà anh mang đến.
Sở hữu lối đánh như vũ bão, khí thế mà Tuân tạo ra cũng tương tự. Anh nhập cuộc quyết liệt, gào thét dữ dội khiến cả khán đài nhà thi đấu như đứng bật dậy sau từng pha bóng. Kết quả, Tuân hoàn toàn đè bẹp Clarence Chew với chiến thắng 4-1.
Sau trận đấu, tay vợt người Singapore thừa nhận: "Phải chơi trong một nhà thi đấu cuồng nhiệt như thế này quả là khó khăn. Tôi từng thi đấu ở nhiều giải quốc tế nhưng hiếm khi nào thấy CĐV ủng hộ tay vợt chủ nhà dữ dội đến thế.
Điều đó phù hợp với những tay vợt có lối đánh mạnh mẽ như anh ấy (Đức Tuân). Nhưng phải thừa nhận anh ấy rất giỏi, tôi không hề nghĩ rằng mình được đánh giá cao hơn một tay vợt như vậy".
Phong thái của Đức Tuân dễ dàng gợi cho người hâm mộ nhớ đến huyền thoại đất Hải Dương Vũ Mạnh Cường hay Trần Tuấn Quỳnh - tay vợt gần nhất mang về HCV bóng bàn đơn nam cho Việt Nam ở SEA Games.
Mạnh mẽ, dữ dội là thế, ngoài đời Đức Tuân lại là một chàng trai chững chạc và khiêm tốn. Khi giành chức vô địch đơn nam ở giải toàn quốc năm 2020, Tuân phát biểu rằng anh chỉ là một người "tí hon" khi so sánh với các đàn anh trong đội như Anh Tú, Tuấn Anh…
Và cũng khi đó, Tuân từng nói rằng mình chỉ có 5-7% cơ hội vô địch SEA Games.
Đức Tuân đoạt chiếc HCV đơn nam sau 19 năm chờ đợi
Năm 2003, Trần Tuấn Quỳnh mang về HCV bóng bàn đơn nam trong kỳ SEA Games diễn ra trên sân nhà. Và tận 19 năm sau, bóng bàn Việt Nam mới xuất hiện một tay vợt kế thừa chiếc HCV lịch sử đó.
Tay vợt đó chính là Nguyễn Đức Tuân - người đã đánh bại đối thủ người Thái Lan Phakpoom Sanguansin trong trận chung kết với tỉ số 4-1 (11-7, 11-9, 8-11, 11-7, 13-11).
Phakpoom Sanguansin, đối thủ của Đức Tuân trong trận chung kết, không phải ai xa lạ. Anh chính là người đã thua Trần Tuấn Quỳnh ở trận chung kết bóng bàn đơn nam 19 năm trước. Và trong lần trở lại Việt Nam, Sanguansin một lần nữa hứng chịu thất bại.
TTO - Năm 2003, Trần Tuấn Quỳnh mang về HCV bóng bàn đơn nam trong kỳ SEA Games diễn ra trên sân nhà. Và tận 19 năm sau, bóng bàn Việt Nam mới xuất hiện một tay vợt kế thừa chiếc HCV lịch sử đó.
Xem thêm: mth.4242037012502202-nab-gnob-ial-ort-aul-gnam/nv.ertiout