Với những ai từng nghe ông Lý Minh Ngọc – Chủ tịch gốm sứ Minh Long I nói chuyện, đều nhận ra ông không phải là người diễn đạt bằng tiếng Việt quá tốt. Tuy nhiên, bất chấp điều đó, ông vẫn là một diễn giả được nhiều người mến mộ, bởi những việc ông đã làm và những trải nghiệm của ông quá đặc biệt, rất đáng học tập.
Mặc dù đang là người nắm quyền lực cao nhất trong doanh nghiệp gốm sứ lớn nhất nhì Việt Nam, ông vẫn không đánh mất bản tâm cũng như những đức tính được trui rèn từ nhỏ: khiêm tốn và ham học hỏi.
Trong Talkshow The Next Power do S-World và VNE đồng tổ chức vừa qua, ông nhiều lần khẳng định mình không phải là ‘vua gốm sứ’ hay ‘tổng công trình sư’ như giới truyền thông trong và ngoài nước phong tặng, mà ông chỉ là người ‘đam mê gốm sứ’. Cái danh xưng ‘vua gốm sứ’ tạo cảm giác như ông đang bá quyền, có thể ‘hô mưa, gọi gió’.
Ngoài đam mê, thì một trong những phẩm chất khác của ông và cả Minh Long đã giúp họ có được như ngày hôm nay: kiên trì – kiên nhẫn. Dù khó khăn cách mấy, ông Lý Minh Ngọc cũng không bao giờ bỏ cuộc.
Vậy nên, với ông hay Minh Long, việc đầu tư quá lớn khiến giá thành sản phẩm cao là thách thức thú vị, vì ‘cái khó mới ló cái khôn’.
Và sở dĩ họ phải kiên nhẫn hay luôn cần nhiều thời gian hơn người khác để tạo 1 sản phẩm mới, do luôn muốn tuân theo triết lý ‘đơn giản – hiệu quả’ cộng với ‘an toàn nhiều lần’ trước khi mang ra bán trên thị trường.
3 CỘT MỐC ĐÁNG NHỚ TRONG CUỘC ĐỜI ‘NGƯỜI ĐAM MÊ GỐM SỨ’ LÝ MINH NGỌC
Sinh ra trong 1 gia đình 4 đời làm nghề gốm sứ, tình yêu với nghề gốm sứ xuất hiện bên trong ông Lý Minh Ngọc như một lẽ tất nhiên. Theo lời kể của ông, hồi bé xíu, trong 1 lần theo cha đến một triển lãm gốm sứ, sau khi nhìn thấy những sản phẩm gốm sứ xinh đẹp từ khắp nơi trên thế giới, ông đã mơ ước đến ngày mình cũng có thể thực hiện được những vật dụng có chất lượng hàng đầu thế giới như thế.
Vậy nên, khi phải tiếp quản cơ nghiệp của gia đình lúc 16 đến 17 tuổi, do cha mất sớm, ông đã mở một phòng thí nghiệm để thỏa sức sáng tạo. Tuy nhiên, như người ta hay bảo: ‘tuổi trẻ chưa trải sự đời’, phòng thí nghiệm của ông đã phải đóng cửa sau 3 năm.
Ông Lý Minh Ngọc – Chủ tịch gốm sứ Minh Long I
"Dù tôi đã mày mò – nghiên cứu thành công ra nhiều chất men đẹp khác nhau, song tôi lại không đủ nguồn lực để đầu tư máy móc – công nghệ và kỹ thuật để sản xuất số lượng lớn. Tuy nhiên, không phải tôi không thu lại được thành quả gì, vì nhờ thế tôi đã quyết tâm chuyển Minh Long từ làm gốm thủ công sang gốm mỹ nghệ", ông Lý Minh Ngọc hồi tưởng.
Cột mốc thứ 2 đến trong lần gặp gỡ lãnh đạo nhà nước Đỗ Mười. Trong 1 lần về thăm Bình Dương và gặp các doanh nghiệp đầu ngành, khi thấy Bình Dương mang một bộ ấm chén sứ nhập khẩu ra tiếp đãi mình, ông Đỗ Mười đã hỏi: "Tại sao một tỉnh có truyền thống lâu đời về sản xuất gốm sứ như tỉnh Bình Dương, lại không thể sản xuất ra những sản phẩm chất lượng tốt có thể mang ra tiếp khách, mà phải nhập khẩu?!".
Câu hỏi từ vị lãnh đạo cao cấp của Nhà nước đã đánh thức giấc mơ từ nhỏ của ông. Thế là, ông gom tiền và bước ra thế giới để mua những máy móc sản xuất gốm sứ hiện đại nhất nhì thế giới, mang về Bình Dương.
Cột mốc cuối cùng là quá trình cải tiến máy móc – công nghệ để có thể tự động hóa tất cả quy trình sản xuất và thành công tạo ra sản phẩm gốm nung một lần - nồi sứ dưỡng sinh.
QUÁ TRÌNH 20 NĂM ĐỂ SÁNG TẠO RA NỒI SỨ DƯỠNG SINH ‘THẦN KỲ’
Theo Chủ tịch Minh Long, có 2 sản phẩm mà công ty sản xuất được khiến ông cảm thấy tự hào nhất: đầu tiên là nồi sứ dưỡng sinh và ly sứ dưỡng sinh.
"Tất cả những sản phẩm của Minh Long đều là con của tôi, đều phải nuôi nấng vất vả. Tuy nhiên, trong đó tôi thích nhất là nồi sứ dưỡng sinh và ly sứ dưỡng sinh.
Nồi sứ dưỡng sinh của Minh Long có nhiều công dụng ‘thần kỳ’: vì chịu được sốc nhiệt tới 850 độ C, nên nó có thể được nấu bằng bếp gas, bếp thường, bếp điện và bếp từ; có thể dùng để hầm, kho, chiên với nhiệt độ thấp và luộc không cần nước. Hiện tại, hành lý của tôi luôn to vì đi đâu tôi cũng mang một nồi điện tự chế dùng sứ dưỡng sinh để nấu cơm gạo lứt, vì tôi rất quan tâm tới sức khỏe.
Với ly giấy thì chỉ số ion âm là zero, ly thủy tinh có ion âm khoảng mười mấy, ly gốm chỉ số khoảng 20 đến 30, còn ly sứ dưỡng sinh của Minh Long chỉ số ion âm lên đến 70 – 80. Vậy nên, khi đựng cà phê trong ly nhựa hoặc inox, khoảng trên dưới 2 giờ, cà phê đã bị biến chất, trong khi đựng trong ly sứ dưỡng sinh Minh Long, từ sáng đến chiều cũng không sao", ông Lý Minh Ngọc khẳng định.
Để tạo ra được cái sự ‘thần kỳ’ nói trên của nồi sứ dưỡng sinh, ông Lý Minh Ngọc – Minh Long đã đánh đổi 20 năm thời gian và cả sức khỏe của vị Chủ tịch này.
Theo chia sẻ của ông Lý Minh Long, ý tưởng làm ra nồi sứ dưỡng sinh đã manh nha từ ông cách đây 20 năm. Nếu xem việc sáng tạo 1 sản phẩm mới như đạo diễn một tuồng kịch, thì kịch bản – ý tưởng hay chưa đủ, mà phải tìm được những diễn viên có tố chất phù hợp. Hay nôm na hơn, ông phải đi tìm những kỹ thuật – công nghệ - chất liệu phù hợp để khi phối trộn ra có thể đa công dụng và tốt cho sức khỏe.
"Để tiết kiệm năng lượng và nhân công, cách đây vài chục năm, ngành gốm sứ thế giới đã phấn đấu làm sao từ nung 2 lần còn nung 1 lần. Thật ra, lúc Minh Long nhập dây chuyền nung 1 lần từ Đức về, thì cũng có 4 doanh nghiệp khác ở Đức cũng mua dây chuyền này.
Tuy nhiên, 4 công ty nọ đã không thể đi đến cùng, sau khoảng 7 đến 8 năm thì họ từ bỏ, chỉ có mỗi Minh Long vẫn còn kiên trì và thành công làm ra loại sứ nung 1 lần ở nhiệt độ 1.380 độ - cao nhất thế giới, sau 15 năm. Ngoài ra, ở các doanh nghiệp khác trên thế giới, quy trình nung 1 lần tốn tới 72 giờ song Minh Long chỉ cần tốn 24 giờ", ông Lý Minh Ngọc cho biết.
Gốm thông thường sẽ có nhiệt độ nung khoảng 1.000 đến 1.200, nếu nhiệt độ nung trên 1.250 độ được gọi là bán sứ, sứ sẽ có nhiệt độ nung từ 1.280 độ đến 1.320 độ. Cũng có vài doanh nghiệp ở các nước trên thế giới nung được đến 1.340 độ nhưng chỉ duy nhất Minh Long là có thể nung đến 1.380 độ. Nhờ đó, nồi sứ dưỡng sinh của họ có thể chịu được sốc nhiệt 800 đến 850 độ.
Có thể nói, hầu hết máy móc mà Minh Long mua về họ đều phải mang ra cải tiến để phù hợp với yêu cầu và công nghệ mong muốn. Sau khi mua máy khử từ về, họ đã phải ‘lột’ ra làm lại hết. Với hệ thống ray lọc cũng thế, sau khi mua về vì không thể tích hợp với hệ thống máy móc cũ của nhà máy, họ cũng phải sáng chế trở lại. Để chế tạo máy lọc không khí 5 trong 1 – bao gồm màng lọc xử lý toàn bộ bằng động lực nước và có thể tự giặt – tự rửa, Minh Long đã mất 10 năm.
Bên trong nhà máy sản xuất của Minh Long I. Ảnh: vietnam.vnanet.vn
Hay khi đã tìm được nguyên liệu – chất đất tương đối phù hợp, ông cũng phải tìm cách ‘huấn luyện’ thêm cho chúng những tố chất còn thiếu để có thể diễn được tuồng hay nhất. Mà đào tạo 1 diễn viên còn khó, huống chi là đất đá vô tri!
"Nhiều khi ngồi nhớ lại, tôi thỉnh thoảng lại tự hỏi bản thân: việc mình phải đánh đổi và trả giá đắt như vậy có đáng hay không? Trong 15 năm đó, tôi thường xuyên có nhiều đêm không ngủ, có ngày làm việc từ 16 đến 18 tiếng. Tôi đã suy nghĩ đến bạc đầu và sức khỏe ngày càng xuống dốc. Tôi đã hy sinh quá lớn!
Tuy nhiên, câu trả lời cuối cùng vẫn là: tôi không có lựa chọn khác. Muốn liên tục đổi mới – sáng tạo để đột phá trong ngành, gây ngạc nhiên cho thị trường thì mình buộc phải ‘mất ăn mất ngủ’. Vậy nên, hiện tại, đến bản thân tôi cũng nhớ nhớ hết là Minh Long có bao nhiêu bằng phát minh – sáng chế", Chủ tịch Minh Long I bày tỏ.
Sau khi tìm được ‘diễn viên giỏi’, ông không ngay lập tức cho ra diễn mà bắt phải diễn thử - tập luyện – học hỏi – bổ khuyết những thiếu sót; và phải 5 năm nữa mới giới thiệu ra thị trường nồi sứ dưỡng sinh.
"CÁI BẪY’ CỦA MINH LONG LÀ ĐANG ĐẦU TƯ QUÁ LỚN
Cũng theo ông, sở dĩ Minh Long luôn tốn rất nhiều thời gian để ra một sản phẩm mới là bởi muốn chúng đạt cả 3 tiêu chuẩn: đơn giản – hiệu quả - an toàn nhiều lần.
Minh Long thường sẽ có 2 loại sản phẩm: loại đầu tiên là để đáp ứng những nhu cầu tức thời của thị trường, loại thứ hai nhằm đáp ứng nhu cầu tương lai – hay nói vui là ‘mơ ước’ của người tiêu dùng – như nồi sứ dưỡng sinh. 20 năm đúng là 1 quãng thời gian quá dài khi chỉ dùng để phát triển 1 sản phẩm. Nhưng dù có dài thì chúng ta vẫn phải đợi, vì chúng không thể ra đời sớm hơn!
Tuy nhiên, không phải mọi thứ đều hết sức tuyệt vời với Minh Long. Như thú nhận của ông Minh, vì đứng trên đỉnh cao khoa học – kỹ thuật cộng với đầu tư rất lớn; nên giá thành sản xuất các sản phẩm của họ khá cao và khó tiếp cận với thị trường mass.
Nồi sứ dưỡng sinh - tâm huyết 20 năm của Minh Long có mức giá khá cao.
"Một trong những điều day dứt nữa: nếu sáng tạo ra sản phẩm dù tốt đến đâu, nhưng không bán được hàng thì không thể gọi là thành công. Cũng may mắn là Minh Long luôn đi trước thị trường 1 bước, nên dễ trở thành tiêu điểm và có tiếng tăm, nên bán hàng không khó.
Tuy nhiên, ‘cái bẫy’ của Minh Long vẫn là giá cao và nhiều người tiêu dùng Việt Nam lẫn thế giới chưa có khả năng tiếp cận. Và với tôi, đó là một thách thức hết sức thú vị, nó giúp bản thân tôi – Minh Long tiếp tục giữ niềm đam mê cũng như sự đổi mới sáng tạo, vì ‘mẹ chồng khó thì con dâu mới nên’.
Theo quan điểm của tôi, khi đã ở đỉnh núi rồi thì chúng ta nên leo xuống để tìm đường chinh phục những đỉnh núi khác, mặc dù không dễ nhưng đó là việc phải làm. ‘Sản phẩm chất lượng cao với giá cả phải chăng’, chính là đỉnh núi khác mà Minh Long buộc phải đến, mâu thuẫn chính là động lực phát triển – tạo ra những phát minh mới trong khoa học kỹ thuật", doanh nhân gốc Hoa này kết luận.
Và những đỉnh cao tiếp theo của Minh Long có thể là sản xuất ra những chất liệu gốm sứ mà người ta dùng để sản xuất các chi tiết – linh kiện đồng hồ, smartphone, máy bay không người lái và tàu vũ trụ. Bởi, sứ và chất dẻo đang được mệnh danh là 2 ‘siêu vật liệu’ của thế giới.
http://tintuc.vdong.vn/05/1357980.htmQuỳnh Như
Theo Nhịp Sống Kinh Tế