vĐồng tin tức tài chính 365

Ăn tô bún mắm nhỏ lại thèm cái lẩu lớn và chuyện trồng rau ở Úc

2022-05-21 10:03
Ăn tô bún mắm nhỏ lại thèm cái lẩu lớn và chuyện trồng rau ở Úc - Ảnh 1.

Con trai tác giả cứ đi học về là ra chơi với cây bông điên điển - Ảnh: KIẾN XÍU

1. Hồi mới qua Úc "theo chồng bỏ cuộc chơi" 20 năm về trước, nhà ở xa khu chợ Việt nên tôi hay ra siêu thị mua thực phẩm.

Toàn đồ Tây, rau xanh chỉ có ít mà đắt ơi là đắt, 2 đôla một vài cọng tí teo. Để được một đĩa rau sống ăn bún thoải mái chắc... thủng túi. Mà thèm quá làm sao đây? Tìm cách để có rau tươi ngay trong vườn nhà vậy.

Tôi mày mò học hỏi người quen, bắt đầu từ hành lá, cải ngọt, cải bẹ xanh. Chọn cây có chút rễ, tôi ngắt lá xung quanh để ăn liền, phần gốc với chút lá nõn thì đem ra vườn trồng, chăm tưới một tuần lại có rau tươi non để ăn.

Rau thơm các loại thì dành cành già, ngâm nước vài hôm ra rễ rồi đem trồng. Khu vườn Việt của tôi bắt đầu từ đó. Dần dà trồng được vài gốc rau dự trữ. Ăn đến đâu thì ăn. Cây nào để ra hoa, lấy hạt gieo trồng tiếp thì cứ dưỡng. Mùa này nối tiếp mùa kia.

Cũng may khí hậu nơi tôi ở cũng tương đối ôn hòa quanh năm. Tiểu bang Queensland có khí hậu ôn đới, nhiệt đới và cả sa mạc. Brisbane thuộc đông nam Queensland nên bốn mùa tương đối rõ rệt như Hà Nội, nhưng lại cũng có hai mùa mưa nắng như Sài Gòn.

Cây trái, rau củ có thể trồng phong phú cả của ôn đới và nhiệt đới, mùa nào thức nấy. Tuy nhiên, vẫn có những loại rau xanh và rau thơm cứ đến đông là tàn. Rau nào tôi trữ tủ đông được thì cũng còn tạm, còn không thì lại nhịn miệng chịu thèm.

2. Khu vườn Việt được tôi "sắm" từ từ, lúc thì mua hạt giống, khi thì bạn cho cây con, cành giâm. Nghe giản dị vậy đó mà quý lắm. Chịu khó nhổ cỏ, tưới nước mỗi ngày, vườn lại "đãi" hậu, ăn không hết, lại í ới gọi cho bạn.

Mọi người hay nói vườn hữu cơ (organic), vườn sạch. Ông xã tôi chịu khó làm một trang trại "giun đất" để lấy phân sạch bón vườn. Vòng tuần hoàn kỳ diệu. Rau, trái thải lại ra với đám giun để làm thức ăn cho chúng. Rồi giun lại cho phân bón để cây xanh tốt.

Các loại rau thơm, rau nấu canh như mồng tơi, rau đay, rau dền, mướp hương, mướp khía, bầu, bí đều được tôi "sưu tầm" trồng dần.

Bụi chuối sau hè, cây chanh cuối vườn, bụi sả phất phơ, khóm gừng xanh ươm, hàng thơm trái to cho vị tuyệt vời. Vậy đó, tôi ở trong bếp nghĩ món gì thì bước ra khu vườn Việt vừa tươi, vừa lành.

Mà cái sự "thèm" nó không dừng lại ở đó. Ăn tô bún mắm nhỏ lại thèm cái lẩu lớn. Mà lẩu mắm thì phải có đủ các loại hoa lá ruộng đồng sông nước Nam Bộ thì mới "đã cái miệng". Cọng bông súng và bông điên điển là hai trong những vị đặc trưng của món này. Tôi tìm ở chợ không có.

Một lần, tôi ngồi lướt vu vơ Google về bông súng Việt Nam. Thấy một đường dẫn hiện ra, chủ hồ súng ở vùng đông bắc Úc, cách Brisbane hơn 500km là một ông người Úc.

Thực sự lúc đó, một cảm giác bồi hồi khó tả trỗi lên trong tôi. Không biết tự bao giờ mà hình ảnh sen, súng có ý nghĩa sâu sắc với mình đến vậy. Đánh dạn, tôi nhắn tin hỏi thăm mua gốc súng.

Ông ta dè dặt, hỏi mình đủ điều về kiến thức trồng. Cuối cùng ông ấy bảo: "Tôi tin cô sẽ giữ được những gốc súng mà tôi sẽ đưa cho cô tươi tốt và xinh đẹp".

Jason, tên người chủ hồ súng, dặn tôi chuẩn bị thùng chứa để chắc chắn rằng việc chuyển giao đảm bảo cho cây sống. Cả nhà vượt gần 1.000km cả đi lẫn về, đem theo được hai gốc súng khỏe mạnh mà nâng niu như bảo vật.

Vợ chồng kỳ công tạo dựng một cái hồ bằng gỗ và tấm nhựa để thả súng. Ba năm trôi qua, hai gốc súng giờ đã nhảy rất nhiều cây con. Bông súng màu hồng tím cánh xòe như sao sáng, nở quanh năm. Ngắm hoa xong thì... bẻ hoa, tước cọng sạch sẽ, cắt khúc bỏ tủ đông đá ăn dần.

Ăn tô bún mắm nhỏ lại thèm cái lẩu lớn và chuyện trồng rau ở Úc - Ảnh 2.

Tác giả gói bánh chưng Việt với lá dong ở Úc - Ảnh: H.S.

Hổng biết vì mắm ngon, rau ngon hay vì tình yêu quê hương của tôi nêm nếm hết vào trong những món ngon quê nhà mỗi ngày.

3. Bông điên điển cũng "tìm" đến với tôi bằng một sự tình cờ ở Úc. Tôi lên trang cộng đồng người Việt ở Brisbane hỏi thăm giống cây thiên lý. Vừa gắn câu hỏi xong, hộp thoại đã vang lên.

Chú Trung, người gốc miền Tây, giới thiệu có trồng thiên lý và chú... chỉ cho chớ hổng có bán. Thật choáng ngợp khi mình lên vườn chú không thiếu thứ gì trong khoảnh sân hẹp quanh nhà như giàn su su, thiên lý, ớt các loại, rau cần, rau đắng, rau thơm các loại...

Chỉ một gốc cây mảnh khảnh, lá xếp như bông so đũa, chú Trung hỏi: "Con biết cây gì không? Điên điển đó". Mình mắt tròn mắt dẹt khó tin. Bông điên điển, giống hoa vàng đẹp mắt, ngon miệng của miền Tây sông nước cũng có mặt ở xứ sở kangaroo này?

Chưa kịp tỉnh, chú nói luôn: "Lát chú cho mấy cây con về trồng! Ăn cho đỡ nhớ nhà!". Vậy là cây điên điển của tôi ra bông cũng đã hai năm rồi, mà sao mình càng ăn càng nhớ nhà thêm chớ nào có đỡ nhớ!

Như hợp thổ nhưỡng và khí hậu, cứ ít ngày tôi lại được một rổ bông điên điển vàng óng, tươi nguyên. Ăn không hết cũng lại cho vào tủ đông. Thèm bún mắm, lẩu mắm, mắm kho, canh chua lúc nào là có đầy đủ bông điên điển, rau gia vị lúc đó. Cũng chẳng biết tự lúc nào, chàng rể Úc ghiền món lẩu mắm đến vậy, cả mấy đứa nhỏ trong nhà cũng mê tít món Việt này.

4. Mỗi năm tôi vẫn cho các con về thăm quê ngoại ở Việt Nam. Ra chợ món gì cũng có. Về lại Úc mùa hè nóng nực, con thèm ăn ly sương sâm xanh mát với nước cốt dừa. Ước mơ giản dị mà sao khó đến vậy? Cuộc đời lại cho tôi những bất ngờ.

Tình cờ ngồi "than" với người bạn ở bên này: "Có ai đem được hạt giống sương sâm sang đây trồng không hén?". Cô bạn hỏi luôn: "Muốn trồng hả? Để hỏi má chồng tao coi bả có không. Ở Úc chớ vườn nhà má trồng đủ hết!".

Thế rồi một chậu sương sâm con con được chuyển cho mình. Vợ chồng lại lục cục làm giàn cho leo nhành lá và chẳng mấy chốc mà hái không xuể. Con gái đi học về là hái lá đem vô rửa sạch rồi tự vò, tự chế biến. Nhìn cô nàng vừa đọc sách ngoài hiên vừa thưởng thức món thức uống dân dã mà thương, mà thấm hạnh phúc đến từ những điều rất nhỏ.

Mẹ tôi hay nói sống an nhiên, luôn "ước thì có - mó thì thấy". Vậy mà đúng, tôi ước ao có được vài gốc lá dong Việt để trồng gói bánh. Điều ước bé xíu xiu với người Việt mình mà như cao vời vợi với đứa xa quê hương như tôi lại bất ngờ được đáp ứng.

Một cô trong cộng đồng người Việt muốn nhường lại vài gốc dong ta cho ai thích trồng. Thế là lại không ngại đường xa, tôi đón chúng về. Những gốc dong ngày ấy giờ bắt đầu lên cây xanh um. Hy vọng năm sau sẽ có lá để gói bánh cúng tổ tiên, đón Tết Việt cùng gia đình và bạn bè.

Dần dà tôi thấy hình như những gì ở Việt Nam có là ở đây cũng có. Và tôi thấy quê nhà như gần lại, từ màu xanh rất xanh của hoa lá quê hương trong khu vườn Úc xa xôi.

lam suong sam 1(Read-Only)

Cô con gái có cha Úc, mẹ Việt rất mê món sương sâm và biết tự tay làm - Ảnh: KIẾN XÍU

"Bệnh thì đi bác sĩ". Ba tôi hay nói vậy. Nhưng tôi lại thích mùi lá xông, thích được toát mồ hôi vì mùi tinh dầu từ các loại lá khác nhau thơm nồng trong nồi lá thơm ấy, thích được cảm nhận hương nước xông lan tỏa trong từng hơi thở nhịp nhàng của mình vào mọi ngõ ngách trong cơ thể.

Cũng không phải lặn lội đâu xa, cắp cái rổ đi một vòng vườn nhà, là ông xã tôi đã có cho vợ một nồi nước đủ sắc màu và thơm nồng của sả, lá chanh, lá bưởi, bạc hà, vỏ quýt, củ gừng. Hương lá theo làn gió chiếm lĩnh mọi không gian trong căn nhà mà nhớ nồi lá xông của mẹ ở quê hương.

Người xứ chuột túi sống dè sẻn!Người xứ chuột túi sống dè sẻn!

TTO - Sau đại dịch COVID-19 rồi tiếp đến chiến tranh giữa Nga và Ukraine, giá cả hàng hóa khắp nơi dường như đều tăng cao, nước Úc cũng không ngoại lệ. Nhiều người phải bớt chi tiêu, cắt giảm nhiều khoản chi phí...

Xem thêm: mth.46363158012502202-cu-o-uar-gnort-neyuhc-av-nol-ual-iac-meht-ial-ohn-mam-nub-ot-na/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“Ăn tô bún mắm nhỏ lại thèm cái lẩu lớn và chuyện trồng rau ở Úc”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools