Gần 2 tuần qua, dư luận xôn xao câu chuyện của một giáo viên trường mầm non trên địa bàn xã Gia Tân 1, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai có vay qua App cho vay lãi nặng với số tiền 65 triệu đồng.
Sau khi vay, do chưa kịp trả lãi đúng hẹn nên cô, người thân và nhiều đồng nghiệp tại trường liên tục bị “khủng bố” tinh thần, bôi nhọ trên mạng xã hội.
Những hành vi xúc phạm, bôi nhọ của những đối tượng trên đã gây hoang mang, ảnh hưởng đến tâm lý tập thể giáo viên nhà trường, gây bức xúc cho phụ huynh có con em đang gửi học tại đây.
Nguồn tin của Người Đưa Tin cho biết, hiện Công an xã Gia Tân 1 đã có báo cáo lên Công an huyện Thống Nhất.
Xác nhận với Người Đưa Tin, Lãnh đạo phòng Giáo dục và Đào tào huyện Thống Nhất cho biết, đã đề nghị UBND huyện và công an huyện hỗ trợ nhà trường xử lý việc này.
Trao đổi với Người Đưa Tin về vấn đề này, Luật sư Đỗ Văn Hoãn, Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nêu quan điểm, qua thông tin mà báo chí đăng tải đối với trường hợp cô giáo hiện đang dạy ở trường mầm non thuộc xã Gia Tân 1 (huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai) và đồng nghiệp, trẻ em ở trường bị “khủng bố”, bôi nhọ như trên thì các đối tượng đã vi phạm khoản 3, Điều 16 Luật An ninh mạng năm 2018.
Đối với những hành vi vi phạm ở khoản này thì tùy theo mức độ vi phạm mà xử lý, nếu nhẹ thì xử phạt hành chính, còn nặng thì truy tố tội Làm nhục người khác theo điều 155 BLHS năm 2015, sửa đối năm 2017.
Luật sư Đỗ Văn Hoãn cũng hướng dẫn thêm, đối với những nạn nhân bị “khủng bố”, bôi nhọ như trên thì trước tiên phải làm đơn tố cáo về hành vi bị bôi nhọ, xúc phạm hay bị làm nhục gửi đến cơ quan điều tra. Đây là điều trước tiên để được pháp luật bảo vệ.
Hoàng Hà