Thủ tướng Phạm Minh Chính đến hội nghị xúc tiến đầu tư Gia Lai - Ảnh: TR.TÂN
Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Gia Lai năm 2022 nằm trong chuỗi các hoạt động lễ kỷ niệm 90 năm thành lập tỉnh và được xem là sự kiện điểm nhấn.
Có mặt trễ hơn dự kiến, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết do bận tiếp xúc cử tri nên bay vào muộn nhưng đã kịp lắng nghe một số ý kiến rất tâm huyết của các doanh nghiệp đối với vùng đất Gia Lai nói riêng và Tây Nguyên nói chung.
Tự chủ kinh tế, tranh thủ ngoại lực
Phân tích về nguồn lực phát triển, Thủ tướng cho rằng Gia Lai nói riêng và cả nước nói chung đều phải có nội lực đột phá và tích cực tranh thủ ngoại lực. Nội lực của địa phương là tự nhiên, con người và nền văn hóa phong phú, đậm đà bản sắc - đó là ba trụ cột chính để phát triển.
Thế nhưng muốn phát triển phải tận dụng được ngoại lực như nguồn vốn, tư duy quản trị, kinh nghiệm quản lý, khoa học kỹ thuật… từ các nhà đầu tư. Những điểm này sẽ tạo nên sự đột phá của mỗi địa phương, đất nước.
Ngoài ra, theo Thủ tướng để thu hút được đầu tư, mỗi địa phương phải giải quyết tốt những tác động thiên tai, biến đổi khí hậu. "Chúng ta giải quyết được những vấn đề này, nhà đầu tư mới mang tiền về cho tỉnh", Thủ tướng hóm hỉnh.
Địa phương tránh manh mún, doanh nghiệp đã hứa nên làm
Nói về tiềm lực của Gia Lai, Thủ tướng đánh giá tỉnh có nhiều tiềm năng phát triển, dù sau hai năm dịch bệnh, nền kinh tế địa phương vẫn tăng trưởng tốt. Thủ tướng nói Chính phủ mở của vào 15-3, lúc đó đỉnh dịch đang tại Hà Nội nên cũng nhiều ý kiến trái chiều.
Rất may từ ngày 30-4 đến nay tình hình dịch khả quan, số ca bệnh mắc mới ít, số ca tử vong giảm. Đó là tín hiệu đáng mừng để phát triển kinh tế nhưng cũng không thể chủ quan.
"Vậy nên tôi cho rằng để các nhà đầu tư đến làm ăn, địa phương phải kiểm soát, chứ để dịch bùng phát thì việc đi ra đi vào cũng khó khăn, bế tắc, lại phải đóng cửa, mất cơ hôi làm ăn", Thủ tướng dặn dò.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cho rằng Gia lai phải dựa vào quy hoạch chính mình nhưng phải có sự đột phá, có sự hấp dẫn, tạo động lực để thu hút đầu tư. Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần phát triển hạ tầng kinh tế, giao thông, y tế, giáo dục…
Lãnh đạo tỉnh cũng phải có tư duy đột phá, chủ động tranh thủ mọi nguồn vốn để phát triển hạ tầng tập trung, không manh mún. Tỉnh cũng phải tập trung cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đến lập thủ tục đầu tư, sản xuất và kinh doanh, phát triển kinh tế.
"Trong bối cảnh hiện nay, địa phương cũng nên có những chuyển hướng hợp lý về nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng sạch. Nay mai thế giới người ta sẽ không cho vay làm điện than, đầu tư làm điện mặt trời, điện gió là rất cần thiết, hợp lý", Thủ tướng nói.
Nói với các nhà đâu tư, Thủ tướng đề nghị cộng đồng doanh nghiệp hãy yêu mảnh đất, con người, tin vào sự phát triển Tây nguyên nói chung, Gia Lai nói riêng. "Tôi nói thật, giờ làm gì cũng khó, nên phải yêu, phải quyết tâm làm. Chứ doanh nghiệp cứ nghiên cứu xong rồi bỏ thì không đi đến đâu, phải tin tưởng mới biến không thành có được", Thủ tướng nói.
Theo Thủ tướng, doanh nghiệp và địa phương phải thường xuyên ngồi lại bàn bạc trên tinh thần tôn trọng và bình đẳng mới có thể hợp tác. Các bộ ngành ngồi đây cũng phải có trách nhiệm với Gia Lai không để tỉnh phải "lên lên, xuống xuống rồi không được gì" .
Thủ tướng đánh giá, để phát triển phải phát huy nội lực mà con người, nhất là con người có tư duy phải làm trung tâm. Vậy nên phải tập trung đầu tư hạ tầng giáo dục. Trong ảnh: Trang trại học tập của một trường học tại Tây Nguyên - Ảnh: TRUNG TÂN
Đối với các doanh nghiệp, cũng cần nâng cao uy tín, trách nhiệm của mình.
"Sau hội nghị này, ai cam kết gì thì cố gắng mà làm. Tôi từng dự nhiều hội nghị, nghe hoành tráng lắm. Các doanh nghiệp cam kết sẽ đầu tư hàng chục ngàn tỉ. Nghe như sắp có tiền, sắp giàu đến nơi rồi. Thế nhưng sau 4 năm, có nơi báo lại chẳng đầu tư được dự án gì, không có đồng vốn nào được rót về địa phương. Tôi nghe thế thì bảo xúc tiến làm để làm gì nữa, lại hy vọng rồi thất vọng", Thủ tướng dẫn ví dụ.
Thủ tướng cho rằng làm ăn phải có lợi nhuận nhưng doanh nhân còn phải là sự chia sẻ, biến kiến thức, hiểu biết của mình để làm giàu cho một vùng đất, đó là là niềm vui. Mong các nhà đầu tư hôm nay đã mang hy vọng đến thì là phải nuôi hy vọng.
"Phải biến những đồng vốn nhỏ hôm nay phát triển nhanh như Thánh Gióng của nền kinh tế. Các doanh nghiệp hãy yêu vùng đất, còn người để nghĩ thật, làm thật chứ đừng hứa mà không làm", Thủ tướng hy vọng.
Các đại phương, doanh nghiệp ký kết hợp tác, ghi nhớ - Ảnh: TRUNG TÂN
Hội nghị xúc tiến đầu tư Gia Lai đã có 20 dự án được trao chấp thuận chủ trương đầu tư, 25 dự án ký biên bản ghi nhớ với tổng số vốn đăng ký là hơn 4,2 tỉ USD.
Trước đó, tại Diễn đàn chuỗi giá trị sản xuất và tiêu thụ nống sản Tây nguyên sáng 21-5, đã diễn ra lễ ký kết, ghi nhớ giữa Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, 5 tỉnh Tây Nguyên với một số hiệp hội ngành hàng chủ lực (cà phê và ca cao; hồ tiêu; rau quả; nông nghiệp số; gỗ và lâm sản; nông nghiệp hữu cơ). Ngoài ra 5 tỉnh Tây Nguyên đã ký kết biên bản hợp tác với một số chuỗi phân phối nông sản…
TTO - Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh như vậy khi chủ trì buổi tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 của Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) chiều 12-1.
Xem thêm: mth.21934337112502202-mal-gnohk-am-auh-gnud-uhc-taht-mal-iahp-al-ut-uad-neit-cux/nv.ertiout