Tuyến Vành đai 3 Hà Nội dài khoảng 65 km, được kết hợp nhiều tuyến đường đã có sẵn như Võ Văn Kiệt, Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng, Khuất Duy Tiến, Nguyễn Xiển, Nghiêm Xuân Yêm, cầu cạn Pháp Vân, cầu Thanh Trì, quốc lộ 1A mới đoạn từ cầu Thanh Trì đến Ninh Hiệp. Trên tuyến đường này có ba cây cầu lớn là cầu Thăng Long, cầu Thanh Trì và cầu Phù Đổng.
Nhìn tuyến đườngVành đai 3 hiện đại của ngày hôm nay, ít ai nghĩ được rằng cách đây hơn 20 năm, đoạn đường từ nút giao đường Hồ Mễ Trì - Khuất Duy Tiến cho đến cầu vượt Mai Dịch (quận Cầu Giấy) là đường đất nội đồng, chỉ vừa đủ hai chiếc xe thồ đi song song nhau. Trong ảnh là đường Khuất Duy Tiến cách đây hơn 10 năm, vẫn còn hàng trăm ngôi nhà chưa được giải phóng mặt bằng.
Theo trí nhớ của bà Lê Thị Khiểm (74 tuổi, quê Hải Dương), một trong những cư dân đầu tiên tại đường Khuất Duy Tiến bây giờ thì hồi xưa khu vực này chỉ là một đường đất, quanh năm sình lầy, bụi bẩn. Hai bên là đồng không mông quạnh, bên phía Đại lộ Thăng Long là ruộng lúa kéo dài hết tầm mắt đến tận Bến xe Mỹ Đình, còn bên phía đường Trần Duy Hưng là ruộng rau muống. Đường đất sình lầy, lún nên việc di chuyển cực kỳ khó khăn. Trong ảnh là đường Phạm Văn Đồng đoạn cạnh khu độ thị Ciputra khi chưa mở rộng với hàng cây xà cừ và đồng ruộng bao quanh.
Trong bối cảnh đó, tuyến đường Vành đai 3 (chứ chưa phải là Dự án đường Vành đai 3) bắt đầu có trong Quy hoạch tổng thể của Hà Nội từ năm 1992, được công bố công khai tại triển lãm năm 1994 và được điều chỉnh vào năm 1998. Nhưng phải đến ngày 16/5/2001, Dự án đường Vành đai 3 mới chính thức được thành hình, dưới quyết định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng về việc "Đầu tư dự án xây dựng giai đoạn 1 đoạn Mai Dịch - Pháp Vân thuộc đường Vành đai 3 - TP Hà Nội". Trong ảnh là đường Khuất Duy Tiến hiện tại.
Tổng chiều dài tuyến dự án theo quy hoạch là 11,2 km. Điểm đầu là ngã tư Mai Dịch, điểm cuối là điểm đầu của dự án cầu Thanh Trì. Tiêu chuẩn kỹ thuật gồm hai phần đường, phần đường đô thị ở hai bên và phần đường cao tốc liên tỉnh ở giữa với 4 làn xe. Đoạn qua địa bàn quận Thanh Xuân rộng 68m. Tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 (tạm tính) là 821 tỷ đồng (khoảng 55 triệu USD, theo tỷ giá 2001). Công trình khởi công ngày 28/12/2001, và dự kiến hoàn thành vào tháng 6/2003.
Số lượng hộ dân phải giải phóng mặt bằng trên đường Khuất Duy Tiến là rất lớn, với 1.350 hộ dân. Đoạn từ nút Trung Hòa đến Lê Văn Lương dài 600m có 112 hộ dân. Vì những lý do đó, tổng dự toán điều chỉnh của Dự án đã bị đội lên 2.201 tỷ đồng, thay vì 821 tỷ đồng như dự tính. Và giá đền bù đất chính là nguyên nhân làm tăng tổng mức đầu tư. Trong ảnh là nút giao 3 tầng Trần Duy Hưng - đại lộ Thăng Long.
Sau đó, một loạt các dự án trên tuyến đường Vành đai 3 lần lượt được hoàn thành: Nút giao Thanh Xuân (2010); Cầu cạn Pháp Vân kéo dài (2010); Đường dẫn phía Nam cầu Thanh Trì (2010); Đường cao tốc trên cao Mai Dịch - Bắc Hồ Linh Đàm (2012). Trong đó nổi bật là dự án đường cao tốc trên cao Mai Dịch - Bắc Hồ Linh Đàm với điểm đầu là Mai Dịch, điểm cuối là phía Bắc Hồ Linh Đàm khởi công vào tháng 6/2010. Tuyến đường dài 8,9 km, gồm 385 m đường dẫn và 8,5 km cầu cạn chính tuyến.
Tiếp nối dự án này là Dự án cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long (2018 - 2020), đánh dấu một bước ngoặt trong phát triển hạ tầng giao thông của Hà Nội. Đây là tuyến giao thông huyết mạch đầu tiên của Hà Nội được đầu tư khép kín và cũng là tuyến đầu tiên có cầu cạn theo chuẩn cao tốc từ nút giao Pháp Vân tới cầu Thăng Long.
Chiều dài cầu và đường dẫn 5,3 km (riêng cầu cạn dài 4,8 km), có tổng mức đầu tư dự án là 5.343 tỷ đồng từ nguồn vốn vay ODA của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và vốn đối ứng trong nước. Để xây dựng tuyến đường này, Hà Nội đã di chuyển, chặt hạ gần 1.200 cây xanh trên trên tuyến đường Vành đai 3 đoạn từ Mai Dịch đến cầu Thăng Long. Cùng với đó tiến hành thu hồi gần 392.000m 2 đất của 796 hộ gia đình, 55 cơ quan.
Cầu cạn đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long khi được thi công xong sẽ khớp nối đồng bộ với đường Vành đai 3 dưới thấp (đường Phạm Văn Đồng). Từ đó góp phần quan trọng phát triển hạ tầng giao thông và giải quyết tình trạng ùn tắc trên tuyến đường Phạm Văn Đồng, các nút giao phức tạp có lưu lượng lớn như Hoàng Quốc Việt, Cổ Nhuế, Nguyễn Hoàng Tôn..., hoàn thiện dự án vành đai khép kín, kết nối sân bay và các khu vực lân cận. Trong ảnh là nút giao Kẻ Giàn - Phạm Văn Đồng - Khu đô thị Nam Thăng Long.
Gần 2 năm kể từ ngày dự án trên hoàn thành, đường Phạm Văn Đồng từ nút giao Mai Dịch cho tới Khu đô thị Nam Thăng Long đã khang trang hơn trước, tạo diện mạo mới cho Thủ đô Hà Nội. Dọc hai bên đường đều có phần vỉa hè được lát đá với hơn 1.500 cây giáng hương được trồng tạo bóng mát cho người đi bộ, đẹp như một con đường ở châu Âu.
Anh Thái, tái xế xe ôm công nghệ cho biết, kể từ ngày đoạn đường này được mở rộng, tình trạng ùn tắc giao thông tuy vẫn còn nhưng không gay gắt như trước. Việc lưu thông của anh cũng thuận tiện hơn, ít va chạm với các phương tiện giao thông khác, đặc biệt đối với các loại xe cơ giới.
Tuy nhiên vào giờ cao điểm, đường Vành đai 3 cũng thường xuyên quá tải, tình trạng ùn tắc diễn ra triền miên tại các nút giao, điểm lên xuống cầu cạn với nút giao Nguyễn Trãi, Khuất Duy Tiến, Trung Hòa, khiến Hà Nội phải giảm tốc độ xe chạy từ 90 km xuống còn 70 km/h. Ở khu vực cầu Thanh Trì, tình trạng ùn tắc kéo dài cả ngày theo cả hai chiều và thường xuyên xảy ra tai nạn. Nguyên nhân được lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải TP Hà Nội chỉ ra là lượng phương tiện qua lại vượt quá công suất thiết kế. Cầu thiết kế phục vụ khoảng 15.000 xe mỗi ngày với tốc độ 80 km/h, đến nay đã tăng tới 123.000 xe (gấp 8 lần). Ảnh: Việt Hùng.
Để giảm tình trạng trên, UBND TP Hà Nội đã chấp thuận chi trên 31,5 nghìn tỷ đồng để hoàn thiện đường Vành đai 3, Vành đai 3,5. Với tuyến Vành đai 3, hiện các đơn vị đã thi công xong trên 80% đoạn tuyến đoạn từ cầu Phù Đổng đến cầu Thăng Long dài 44 km, tuyến đường còn đoạn từ cầu Thăng Long đến nút giao với cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên dài 14 km chưa thi công.
Ngoài các đoạn trong các quận nội đô đã hoàn thành, dự kiến từ nay đến năm 2025, thành phố sẽ tiếp tục đầu tư giai đoạn tiếp theo của tuyến đường Vành đai 3 bao gồm 2 đoạn: Từ cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên đến trục Nhật Tân - Nội Bài (dài 9,8 km) và từ trục Nhật Tân - Nội Bài đến Quang Minh (dài 5 km), tổng mức đầu tư khoảng 2.450 tỷ đồng.
Theo Trường Hùng - Việt Hùng
Tổ Quốc