Theo khảo sát của VnExpress tại TP HCM và các tỉnh thành phía Nam, hàng nghìn môi giới nhà đất đang nhập đường đua thi lấy chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản khi các quy định mới siết lại việc quản lý lao động thuộc ngành này. Những người học chứng chỉ là môi giới đang hoạt động tại các doanh nghiệp địa ốc và môi giới muốn ra mở công ty kinh doanh riêng.
Ghi nhận tại một trường cao đẳng có đào tạo ngành quản lý bất động sản trên địa bàn TP HCM cho thấy, tháng 1/2022 chỉ có hơn 100 thí sinh dự thi lấy chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản. Nhưng đến cuối quý I, con số này lên hơn 1.000 người, tăng gấp 10 lần so với đầu năm.
Ông Lê Phương Đông, Trưởng văn phòng đại diện Hội môi giới Bất động sản Việt Nam khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (gồm 13 tỉnh thành phía Nam) cho biết, số lượng thí sinh tham dự kỳ thi chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản ngày 15/5 vừa qua lên đến 576 người, gấp đôi so với kỳ thi năm 2020. Riêng năm 2021 do đại dịch Covid-19 bùng phát nên khu vực Đồng bằng sông Cửu Long không tổ chức kỳ thi này. Ông Đông cho hay, đa số thí sinh dự thi là môi giới địa ốc hoạt động tại Cần Thơ và các tỉnh miền Tây.
Trong khi đó, thống kê tại Học viện Nguồn lực Bất động sản Mogin (cơ sở tại quận 1, TP HCM), lượng học viên đăng ký học và dự thi chứng chỉ hành nghề tại đây cũng tăng đột biến trong vài tháng qua. Cụ thể, tháng 1/2022, học viên tiếp nhận 55 người đăng ký thi chứng chỉ hành nghề, đến tháng 3 ghi nhận 150 người đăng ký, tăng gần gấp 3 lần chỉ trong quý đầu năm.
Vài tháng qua, nhiều doanh nghiệp bất động sản cũng đưa ra yêu cầu khắt khe hơn đối với nhân viên bán hàng thông qua việc giới hạn thời gian nhân sự mới gia nhập công ty phải hoàn thành sớm kỳ thi cấp chứng chỉ hành nghề môi giới lĩnh vực này.
Phó tổng giám đốc một doanh nghiệp môi giới bất động sản tại TP HCM có quy mô 700 sale cho biết, đến tháng 5, đơn vị này có hơn 60% nhân viên bán hàng thuộc biên chế đã học và thi chứng chỉ hành nghề môi giới. Tuy nhiên ông nhìn nhận, tỷ lệ người lao động có chứng chỉ hành nghề này không cố định vì sales địa ốc thường biến động giữa mùa cao điểm và thấp điểm bán hàng.
Theo chia sẻ của lãnh đạo doanh nghiệp này, công ty thường tuyển nhân viên trẻ về đào tạo nên đầu vào đa phần không có chứng chỉ hành nghề. Tuy nhiên, công ty đang đưa ra quy định sau 6 tháng nhân sự mới sẽ phải hoàn tất kỳ thi lấy chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản mới được tiếp tục làm việc.
Một doanh nghiệp chuyên phân phối bất động sản nghỉ dưỡng có nhân sự 200 người cũng đã đặt hàng Học viện Mogin đào tạo cả năm cho cả lãnh đạo lẫn nhân viên học và thi chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản. Còn theo CEO một sàn địa ốc tại TP Thủ Đức quy mô hơn 100 nhân sự cho biết, hiện chưa đến 50% sale có chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản nên công ty đang khuyến khích, tạo điều kiện để các nhân viên còn lại học và thi cấp tốc trong 3 tháng tới.
Bà Lương Đình Thúy Vân, CEO Học viện Nguồn lực Bất động sản Mogin cho hay, trong những tháng đầu năm 2022, lượng người đăng ký học và thi chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản tăng vọt là do các quy định pháp luật đang siết lại việc quản lý nhân sự ngành này.
Bà Vân giải thích, Luật Kinh doanh Bất động sản quy định, từ ngày 1/7/2015 là thời điểm cơ quan quản lý Nhà nước bắt buộc môi giới nhà đất phải có chứng chỉ hành nghề. Các chứng chỉ môi giới bất động sản đã được cấp trước ngày luật có hiệu lực, có giá trị pháp lý trong thời hạn 5 năm, hết thời hạn này đều phải học và thi lại. "Năm 2021 là thời điểm các chứng chỉ được cấp năm 2015 đã hết hạn nhưng vướng dịch Covid-19 nên hàng nghìn người dồn sang năm 2022 thi lấy chứng chỉ mới", bà Vân cho hay.
Một nguyên nhân khác khiến các môi giới địa ốc đổ xô thi lấy chứng chỉ hành nghề, theo bà Vân, là do Nghị định 16 có hiệu lực trong năm 2022, xử phạt hành chính trong lĩnh vực xây dựng và kinh doanh bất động sản đang siết lại trật tự của thị trường địa ốc. Điển hình nhất là môi giới bất động sản không có chứng chỉ hành nghề bị phạt 60 triệu đồng bên cạnh các hành vi sai phạm khác có mức phạt lên đến hàng trăm triệu đồng.
Bà Vân cho biết thêm, một thực trạng đáng chú ý là có rất nhiều thí sinh đăng ký dự thi chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản nhưng bị loại trong quá trình xét duyệt hồ sơ do không có hoặc không cung cấp được bằng tốt nghiệp trung học phổ thông.
Điều 68 Luật kinh doanh Bất động sản quy định, cá nhân được cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản khi có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có trình độ tốt nghiệp trung học phổ thông trở lên và đã qua sát hạch về kiến thức bất động sản. "Việc nhiều môi giới địa ốc đang hành nghề nhưng chưa có bằng trung học phổ thông, dẫn đến không đủ điều kiện thi lấy chứng chỉ hành nghề, là thực trạng đáng buồn vì nhiều môi giới có trình độ văn hóa còn hạn chế", bà Vân nói.
Ông Phạm Lâm, Phó chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, việc hàng nghìn người cấp tập học, thi chứng chỉ này một phần xuất phát từ yêu cầu của luật nhưng cũng là yêu cầu thực tiễn từ các doanh nghiệp địa ốc muốn nâng cao chất lượng nhân sự trong thời gian gần đây.
Trả lời về việc có nhiều người đăng ký thi chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản nhưng bị loại do chưa tốt nghiệp phổ thông trung học, ông Lâm cho rằng đây là bước sàng lọc cần thiết, giúp nâng mặt bằng trình độ của nhân sự ngành bất động sản lên cao hơn, tránh dẫn đến hoạt động bát nháo.
Phó chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt Nam giải thích, vì các sản phẩm nhà, đất có giá trị rất lớn nên người tư vấn bán hàng cũng đòi hỏi trình độ nhất định, đồng thời cũng cần phải có chuẩn mực về kiến thức và đạo đức. "Những người không có kết hoạch học và thi lấy chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản là nhóm lao động không tuân thủ pháp luật. Họ không gắn bó với ngành nghề này, chỉ làm việc qua loa tạm bợ, sẽ từng bước bị loại ra khỏi thị trường", ông Lâm nhấn mạnh.
Trước đó, nhiều chuyên gia đầu ngành bất động sản từng nhìn nhận, môi giới địa ốc là một trong những tác nhân gây nhiễu loạn thị trường nhà đất, tạo sốt ảo, thao túng giá nhà đất thời gian qua, cần được chấn chỉnh sớm. Nghị định 16 là văn bản đưa nhiều mức phạt đối với môi giới bất động sản có hiệu lực từ cuối tháng 1/2022, được kỳ vọng có thể tác động tích cực đến việc siết lại các hoạt động bát nháo của môi giới dùng chiêu trò, tiểu xảo, thổi giá, tạo sốt ảo khi bán bất động sản.
Có thể kể đến mức phạt 40-60 triệu đồng đối với hành vi kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản độc lập mà không có chứng chỉ hành nghề hoặc chứng chỉ hết thời hạn sử dụng theo quy định. Không cung cấp, cung cấp không đầy đủ hoặc cung cấp không trung thực hồ sơ, thông tin về bất động sản mà mình môi giới bị phạt tiền từ 200-250 triệu đồng.
Phạt 120 -160 triệu đồng đối với hành vi kinh doanh dịch vụ bất động sản mà không thành lập doanh nghiệp theo quy định hoặc không đủ số người có chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản theo quy định. Chứng chỉ hành nghề hết thời hạn sử dụng theo quy định, hợp đồng kinh doanh dịch vụ bất động sản không được lập thành văn bản hoặc không đầy đủ các nội dung theo quy định cũng bị phạt 120-140 triệu đồng.
Ngoài ra, hành vi đưa tài sản lên sàn giao dịch bất động sản nhưng không đủ điều kiện theo quy định, không cung cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ hoặc cung cấp không trung thực hồ sơ, thông tin bất động sản mà mình môi giới bị phạt tiền từ 200-250 triệu đồng.
Vũ Lê