Các vận động viên tham gia Đường đua hoa mặt trời - hoạt động đầu tiên của Ngày hội hoa hướng dương 2019 - Ảnh: NGUYỄN CÔNG THÀNH
Và điều ước ấy 15 năm qua đã được hàng vạn người chung tay viết tiếp qua chương trình vì bệnh nhi ung thư mang chính tên cô: chương trình Ước mơ của Thúy.
"Xin hãy cho con thêm thời gian"
Ngày 9-6-2003, khi nhận được giấy báo đậu vào lớp 10 Trường trung học Thực hành TP.HCM cũng là ngày Lê Thanh Thúy nhận được kết quả xét nghiệm mình bị ung thư xương. Căn bệnh từng ngày phá hủy cơ thể cô gái 16 tuổi. Chưa đầy 2 năm Thúy đã phải trải qua 18 đợt vào hóa chất, 3 lần phẫu thuật cắt chi phải và lần cuối cùng là cắt bỏ đi 1/2 xương chậu.
Khó ai có thể lạc quan sống khi đồng hành cùng căn bệnh ung thư. Thế nhưng trong sự đau đớn tột cùng ấy Thúy chọn cho mình lối sống lạc quan. Vừa điều trị Thúy vừa đến trường, vừa chia sẻ câu chuyện của mình với những người cùng cảnh ngộ để tiếp thêm cho họ nghị lực sống. Thúy được mọi người ví như đóa hoa hướng dương luôn hướng về mặt trời.
Câu chuyện nghị lực của Thúy được đăng tải trên báo Tuổi Trẻ đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của toàn xã hội và khơi gợi lối sống đẹp trong đông đảo thanh niên. Thúy được Thành đoàn TP.HCM trao tặng danh hiệu Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM ngay trong lần đầu tiên tổ chức bình chọn vào năm 2006.
Một ngày mùa hè năm 2007, Thúy chia sẻ thông tin nhói lòng: "Bác sĩ đã trả em về cho kịp những ngày còn ấm cúng với gia đình".
Khi thời gian chỉ có thể đếm bằng từng phút, từng giây Thúy vẫn chọn sống với niềm tin và hy vọng. Thúy đã khát khao mơ ước làm sao có một tổ chức nào đó chăm lo, hỗ trợ bệnh nhi ung thư. Đêm Trung thu 22-9-2007, chương trình Ước mơ của Thúy do báo Tuổi Trẻ và Hội LHTN VN TP.HCM thành lập chính thức ra đời tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM với hoạt động "Vầng trăng yêu thương" dành cho hơn 100 bệnh nhi ung thư trong niềm vui khôn tả. Đó cũng là Tết Trung thu dành cho bệnh nhi lần đầu tiên có ở bệnh viện.
Mặc những cơn đau hành hạ, trên giường bệnh, Thúy cũng chộn rộn góp sức cùng mọi người chuẩn bị Tết Trung thu cho bệnh nhi. Thúy dùng kim chỉ xâu hơn 100 sợi dây sao làm quà tặng cho bệnh nhi trong đêm Trung thu, trong mỗi hạt sao đều có một lời chúc may mắn. Đó là những hạt sao may mắn mọi người đã tặng Thúy khi đối diện với lần phẫu thuật cuối, Thúy muốn gửi lại những điều may mắn cho các bé bệnh nhi. Cả khán phòng xúc động khi Thúy xuất hiện trên chiếc băng ca, choàng vào cổ từng bệnh nhi vòng sao may mắn sau nhiều ngày tự chuẩn bị.
Xin hãy cho con thêm thời gian"- tập nhật ký chống chọi với căn bệnh ung thư của Thúy cũng được xuất bản trong ngày ra mắt chương trình. Người đọc rưng rưng trong từng trang viết sống động, đầy nghị lực của Thúy. Rất nhiều bệnh nhi tuổi thiếu niên được trang sách tiếp thêm tinh thần sống, mạnh dạn đối diện với căn bệnh hiểm nghèo.
Cùng viết tiếp Ước mơ của Thúy
Những ngày cận kề ra đi, Thúy vẫn lạc quan tìm cách đem đến cho bệnh nhi ung thư những niềm vui bất ngờ nhất. "Còn quà Noel cho các bé đã chuẩn bị chưa?", bên bình oxy trợ thở Thúy hỏi với đôi mắt nhắm nghiền, người ở trạng thái mơ màng vì tác dụng phụ của thuốc morphin giảm đau.
Khi đó Noel 2007 còn cách hơn 1 tháng. Thúy dặn ráng tìm chú Mạc Can biết ảo thuật làm ông già Noel cho các bé mới gây bất ngờ được, nếu cầm quà vô tặng thì bình thường quá. Mùa giáng sinh đầu tiên chương trình Ước mơ của Thúy hoạt động tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, nghệ sĩ Mạc Can đã hóa thân thành ông già Noel úm ba la ra quà cho từng bé bệnh nhi. Đem niềm vui hết cỡ đến cho bệnh nhi ung thư nhưng người nghệ sĩ già đã khóc.
Các bạn trẻ tới tham gia đường đua Hoa mặt trời sáng trong chương trình Ước mơ của Thúy 2022 tại TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN
Ước mơ của Thúy đã được thực hiện một cách đầy sáng tạo, ấm áp tình yêu thương từ vạn tấm lòng chung tay góp sức. Từ nhóm tình nguyện Những ước mơ xanh thuộc Hội LHTN VN TP.HCM làm lực lượng nòng cốt đầu tiên, ngay sau ngày ra đời chương trình đã có thêm nhóm tình nguyện Chắp cánh ước mơ do nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai tập hợp các bạn trẻ tại thủ đô Hà Nội, tiếp đến là CLB Niềm tin và Hy vọng, CLB Nụ cười ra đời cùng chăm lo cho bệnh nhi ung thư phía Bắc; nhóm Blouse Xanh kết nối chương trình làm lực lượng tình nguyện khu vực miền Trung...
Tại mỗi bệnh viện lớn chương trình hoạt động đều có được đội hình tình nguyện nòng cốt hằng tuần đến với bệnh nhi, đem yêu thương lấp đầy nỗi đau cho các bé.
Đảm nhận vai trò tình nguyện viên dẫn chương trình đầu tiên ngày ra mắt là MC Lê Văn Hải hay còn gọi là chú hề Sido. Cũng từ đó anh đã gắn bó trở thành chú hề đặc biệt đem niềm vui, tiếng cười vào các bệnh viện với bệnh nhi ung thư cho đến tận bây giờ.
Anh chia sẻ: "Tôi đã thấy mình trong ước mơ của Thúy. Những gì có thể làm được cho các bé tôi sẽ cố hết sức làm". Cô giáo về hưu Đinh Thị Kim Phấn (cựu giáo viên Trường tiểu học Đuốc Sống, quận 1, TP.HCM), cảm kích tinh thần sống của Thúy đã tình nguyện phụ trách lớp học chữ dành cho bệnh nhi khai giảng vào năm học 2009-2010 tại Bệnh viện Ung bướu.
15 năm trước, Quốc Đạt - một trong những tình nguyện viên ngày đầu của chương trình - từng bộc bạch: "Em có rất nhiều thời gian nhưng dành cho những việc chơi bời nhiều hơn. Em biết Thúy vào ngày Thúy mất, em quyết tâm dành thời gian còn lại của mình để giúp đỡ các bé bệnh nhi ung thư". Và cũng ngần ấy năm đã có hàng vạn người tình nguyện cùng viết tiếp Ước mơ của Thúy...
TTO - Hàng loạt hoạt động ý nghĩa nhân kỷ niệm 15 năm chương trình ‘Ước mơ của Thúy’ sẽ được tổ chức trong dịp tới như giải chạy bộ, trao quà cho bệnh nhi ung thư, hiến máu, chia sẻ clip tư vấn về việc điều trị và phòng chống khi mắc bệnh ung thư...
Xem thêm: mth.64654503212502202-iougn-iom-auc-om-cou/nv.ertiout