Theo bà Sara Menker, Giám đốc điều hành của Công ty dữ liệu Nông nghiệp Gro Intelligence, nguồn cung cấp lương thực toàn cầu đang bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu phân bón, khí hậu gián đoạn và tồn kho dầu ăn và ngũ cốc ở mức thấp kỷ lục. Nếu không có các hành động toàn cầu phối hợp tích cực và tức thời đáng kể, thế giới có nguy cơ hứng chịu thiệt hại về con người và kinh tế.
Nga và Ukraine chiếm khoảng 1/4 lượng lúa mì xuất khẩu của thế giới. Tuy nhiên, cuộc xung đột đã làm gián đoạn sản xuất nông nghiệp và cung ứng, khiến giá lương thực toàn cầu tăng vọt lên mức cao kỷ lục và làm dấy lên lo ngại về tình trạng bất ổn ở các nước đang phát triển. Cuộc khủng hoảng lúa mì ngày càng trầm trọng hơn khi Ấn Độ, nhà sản xuất lớn thứ hai thế giới, cấm xuất khẩu loại ngũ cốc này và khiến nông dân phải trả chi phí cao hơn từ phân bón, thức ăn và nhiên liệu.
Carlos Mera, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu hàng hóa nông nghiệp tại Rabobank cho biết, với việc chiếm khoảng 1/5 lượng xuất khẩu lúa mì toàn cầu cùng với vụ mùa thuận lợi năm nay sẽ giúp nước này sản xuất gần 85 triệu tấn ngũ cốc trong năm nay. Điều này khiến thế giới khó thoát khỏi sự phụ thuộc vào nguồn thực phẩm của Nga trong 12 tháng tới.
Đầu tuần này, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh Andrew Bailey đã cảnh báo về “ngày tận thế” thiếu lượng thực thế giới khi Ukraine gặp khó khăn trong việc xuất khẩu các sản phẩm. Ukraine có thực phẩm trong kho nhưng không thể lấy ra vào lúc này và đây là một nỗi lo lớn, không chỉ đối với Ukraine mà còn đối với cả thế giới. Ước tính khoảng 20 triệu tấn ngũ cốc không được sử dụng trong các hầm chứa của Ukraine.
Trong một báo cáo hồi đầu tháng 5, Bộ Nông nghiệp Mỹ cũng dự báo dự trữ lúa mì sẽ sụt giảm nghiêm trọng vào cuối năm 2022 - 2023 xuống mức thấp nhất trong gần 10 năm qua.