Số gỗ khai thác trái phép tại xã Na Mèo, huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) được bảo quản tại trạm bảo vệ rừng Piềng Luông, thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Quan Sơn chờ xử lý - Ảnh: Hạt kiểm lâm Quan Sơn cung cấp
Tiếp tục điều tra phá rừng tại huyện Quan Sơn, Tuổi Trẻ Online được người dân, cơ quan chức năng cung cấp thông tin thêm một số vụ phá rừng tự nhiên tại huyện này.
Người dân xã Na Mèo, huyện Quan Sơn phản ánh có tình trạng phá rừng phòng hộ trái phép xảy ra tại khu vực suối Len, xã Na Mèo, với 8 cây gỗ có đường kính từ 20 - 30cm, chiều cao từ 4,5 - 6m bị chặt hạ.
Theo tìm hiểu của phóng viên và kết quả kiểm tra của Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa, vụ phá rừng khu vực suối Len, xã Na Mèo xảy ra tại tiểu khu 211 rừng phòng hộ khoảng tháng 1-2022. Chủ rừng là Ban quản lý rừng phòng hộ Quan Sơn, giao khoán bảo vệ cho ông Phạm Văn Tú, ở bản Na Lộc, xã Sơn Điện, huyện Quan Sơn, bị khai thác 8 cây gỗ với tổng khối lượng là 5,442m3.
Đến tháng 3-2022, tại xã Na Mèo còn xảy ra vụ phá rừng trái phép tại khu vực suối Salit. Kiểm tra của Hạt kiểm lâm huyện Quan Sơn cho thấy tại đây phát hiện 5 cây gỗ rừng tự nhiên bị chặt hạ trái phép, với tổng khối lượng lâm sản thiệt hại là 8,727m3. Diện tích rừng bị phá do Ban quản lý rừng phòng hộ Quan Sơn làm chủ và hộ ông Hà Văn Thu, ở bản Na Pọong, xã Na Mèo quản lý, bảo vệ.
Số gỗ khai thác trái phép tại xã Na Mèo, huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) được đưa về quy trữ tại trạm bảo vệ rừng Piềng Luông, thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Quan Sơn - Ảnh: Hạt kiểm lâm Quan Sơn cung cấp
Liên quan đến các vụ phá rừng trái phép trên địa bàn huyện Quan Sơn, giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) Thanh Hóa đã có công văn gửi chủ tịch UBND huyện Quan Sơn để cùng chỉ đạo, phối hợp xử lý nghiêm các vụ phá rừng, gây bức xúc dư luận.
Theo Sở NN&PTNT Thanh Hóa, từ cuối năm 2021 đến quý 1 năm 2022, an ninh rừng trên địa bàn huyện Quan Sơn diễn biến rất phức tạp. Số vụ phá rừng trái phép có chiều hướng gia tăng. Có vụ việc phức tạp, không phát hiện được đối tượng vi phạm, xử lý không dứt điểm để dư luận, báo chí phản ánh, gây bức xúc trong xã hội, làm mất niềm tin của nhân dân vào lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền.
Các vụ vi phạm hầu hết xảy ra ở khu vực có rừng tự nhiên, rừng phòng hộ biên giới, rừng thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Quan Sơn, rừng cộng đồng.
Đặc biệt, gần đây xảy ra vụ phá rừng tự nhiên với diện tích lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng tài nguyên rừng tại xã Sơn Thủy, làm mất ổn định an ninh rừng.
Sở NN&PTNT Thanh Hóa cho rằng nguyên nhân của tình trạng phá rừng trái phép nêu trên là do người dân địa phương thiếu việc làm, đất sản xuất, trong khi nhu cầu gỗ gia dụng, đất sản xuất ngày càng lớn, gây áp lực phá rừng trái phép.
Bên cạnh đó, do cấp ủy, chính quyền một số địa phương cơ sở có biểu hiện buông lỏng quản lý; chủ rừng chưa làm hết trách nhiệm trong công tác bảo vệ rừng được giao.
Công tác tuần tra, kiểm tra phát hiện vi phạm của kiểm lâm viên địa bàn xã chưa thường xuyên, chưa tích cực; việc tham mưu của kiểm lâm cho cấp ủy, chính quyền chưa sát thực tế, có biểu hiện lơ là, tắc trách.
Để kịp thời xử lý các vụ phá rừng trái phép ở huyện Quan Sơn, Sở NN&PTNT Thanh Hóa đề nghị thường trực Huyện ủy Quan Sơn chỉ đạo cơ quan chức năng xử lý dứt điểm các vụ việc phức tạp, đang được dư luận, báo chí quan tâm, không để kéo dài.
Theo tìm hiểu của phóng viên, sau hơn một tháng Sở NN&PTNT Thanh Hóa có ý kiến chỉ đạo xử lý nghiêm các vụ phá rừng trái phép ở huyện Quan Sơn, đến nay Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa chưa xử lý trách cá nhân, tập thể nào ở Hạt kiểm lâm huyện Quan Sơn. Huyện ủy, UBND huyện Quan Sơn cũng chưa xử lý tập thể, cá nhân nào ở xã Na Mèo, xã Sơn Thủy theo đúng tinh thần chỉ thị số 13-CT/TW, ngày 12-1-2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng".
TTO - Ngày 19-5, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp đã đến hiện trường, chỉ đạo cơ quan chức năng nhanh chóng điều tra vụ phá rừng thông quy mô lớn xảy ra tại lô A và lô B, khoảnh 15, tiểu khu 144B (phường 8, Đà Lạt).